DMagazine

Bài 1: "Cơn bão" Việt Á lan nhanh, hàng loạt cán bộ bị tha hóa quyền lực

(Dân trí) - "Cơn bão" Việt Á lan nhanh như đại dịch Covid-19. Khi cả nước đang chao đảo vì dịch bệnh, không ít cán bộ lại bắt tay, cấu kết để hưởng lợi trên nỗi đau của đồng bào.

Hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến địa phương bị "cuốn" đi sau những "cơn bão" mang tên Việt Á, chuyến bay giải cứu hay AIC... Nhiều người gọi đó là những phép thử đau đớn trong công tác cán bộ, bởi một khi không giữ mình, không kiểm soát được quyền lực, cán bộ sẽ dễ dàng rơi vòng xoáy tiền - quyền. Kiểm soát quyền lực vì thế trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh Đảng đang dốc toàn lực để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bài 1: Cơn bão Việt Á lan nhanh, hàng loạt cán bộ bị tha hóa quyền lực - 1

Ngày 23/1/2020, trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra được xác nhận tại TPHCM. Cơn cuồng phong mang tên "đại dịch Covid-19" cũng từ đó lan dần ra khắp cả nước, gây nhiều tác động nặng nề lên sự phát triển kinh tế - xã hội và cả cuộc sống của người dân.

Những thiệt hại về kinh tế do đại dịch Covid-19 đem lại chưa kịp khắc phục, gần một năm sau, người dân cả nước thêm một lần bàng hoàng khi "quả bom Việt Á" bắt đầu khởi phát, liên quan đến sai phạm của hàng loạt quan chức, cán bộ ở khắp các bộ, ngành, địa phương. Niềm tin của nhân dân không khỏi lung lay khi trong bối cảnh đại dịch đầy khó khăn, nhiều cán bộ, đảng viên vẫn bất chấp để trục lợi.

Bài 1: Cơn bão Việt Á lan nhanh, hàng loạt cán bộ bị tha hóa quyền lực - 3

Ngày 17/12/2021, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". 4 vụ án hình sự "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" cùng hàng chục bị can liên quan tiếp tục bị khởi tố trong ngày cuối cùng của năm 2021, trong đó có giám đốc CDC một số địa phương và một vụ trưởng của Bộ Y tế.

"Cơn bão" Việt Á cũng lan nhanh như đại dịch Covid-19, khi kéo dài sang cả năm 2022 và lan ra khắp các tỉnh, thành. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an sau đó đã ủy thác cho công an các tỉnh, thành phố mở cuộc điều tra độc lập có tính chất tương tự xảy ra tại hàng loạt địa phương.

Với quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", sau hơn một năm điều tra, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố hơn 100 bị can tại gần 30 địa phương, đơn vị, phong tỏa kê biên hơn 1.700 tỷ đồng. 

Từ phía Bộ Quốc phòng, khi vào cuộc cũng phát hiện các sai phạm trong quá trình thực hiện đề tài cấp quốc gia: "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)" do Học viện Quân y thực hiện. Liên quan vụ án, nhiều đơn vị, cá nhân đã bị kỷ luật. Trong đó, ba tướng quân đội là lãnh đạo Học viện Quân y bị cách tất cả chức vụ trong Đảng.

Điều đáng nói, 3 ủy viên Trung ương Đảng cũng vướng vòng lao lý liên quan đến những sai phạm trong vụ Việt Á. Đó là các ông: Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế); Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ) và Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương).

Bài 1: Cơn bão Việt Á lan nhanh, hàng loạt cán bộ bị tha hóa quyền lực - 5

Hồi tháng 2/2020, ông Chu Ngọc Anh, khi là Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, đã phê duyệt đề tài nghiên cứu với kinh phí gần 19 tỷ đồng, do ngân sách Nhà nước cấp. Ông này bị cáo buộc trong việc giao, quản lý, sử dụng đề tài đã vi phạm quy định pháp luật. Việc này gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Còn cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị cho là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định trong việc cấp số đăng ký lưu hành", cũng như việc hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương.

Cũng trong vụ án này, cơ quan điều tra cáo buộc ông Nguyễn Văn Trịnh (khi bị bắt đang là trợ lý Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam) đã lợi dụng vị trí công tác can thiệp các đơn vị có trách nhiệm tại Bộ Y tế để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 trái pháp luật. 

Bài 1: Cơn bão Việt Á lan nhanh, hàng loạt cán bộ bị tha hóa quyền lực - 7

Quy mô, tính chất của vụ án Việt Á được đánh giá "chưa từng có trong lịch sử tố tụng".

Nói về việc xử lý vụ Việt Á tại cuộc họp thông báo kết quả phiên họp 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 17/8/2022, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Văn Yên nhấn mạnh đây là vụ án mang tính rất điển hình về tham nhũng tiêu cực có hệ thống, tổ chức. Trong đó điển hình về quy mô từ cơ quan bộ, ngành Trung ương có liên quan đến địa phương và không dừng ở cấp tỉnh, thành mà cả ở cấp cơ sở.

Ở giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ nhất, Công ty Việt Á (do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc) đã nhận được không ít sự "hậu thuẫn" của liên Bộ Y tế và KH&CN.

Trong gần 2 năm, từ đầu 2020 đến cuối 2021, Việt Á đã cung cấp hàng triệu kit test cho các bộ, ngành Trung ương cùng các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và đối tác ở hơn 60 tỉnh, thành, với doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng.

Để trục lợi, Phan Quốc Việt đã thông đồng, móc nối và sẵn sàng chi đâm "hoa hồng", "lại quả" cho nhiều cá nhân, đơn vị. 800 tỷ đồng là số tiền "lại quả" mà Việt khai với cơ quan công an.

Các bị can tại Công ty Việt Á dùng nhiều phương thức để chuyển tiền cho lãnh đạo CDC một số tỉnh thành, có cả chuyển qua tài khoản chính chủ và tài khoản nhờ của người nhà (như vợ, mẹ vợ, em vợ của người nhận) và cả đưa trực tiếp bằng tiền mặt.

Bài 1: Cơn bão Việt Á lan nhanh, hàng loạt cán bộ bị tha hóa quyền lực - 9

Nói đến đại án Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô (người phát ngôn Bộ Công an) nhận định đây là vụ án rất phức tạp, gây rất nhiều bức xúc trong dư luận.

Ông cho biết rất nhiều bị can trong vụ án đều là cán bộ, đảng viên, lãnh đạo. Họ đã lợi dụng chính sách để trục lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm các quy định về đấu thầu, đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Chia sẻ tại buổi tiếp xúc cử tri hồi tháng 6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn chứng vụ Việt Á và việc kỷ luật 2 ủy viên Trung ương là ông Chu Ngọc Anh - cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội và cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để minh chứng cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành kiên trì, nhân văn, có lý có tình, làm bài bản, hết sức thuyết phục.

Khi ấy, Tổng Bí thư khẳng định dù tình hình chống dịch đang ở giai đoạn phức tạp nhưng chúng ta vẫn kiên quyết xử lý.

Bài 1: Cơn bão Việt Á lan nhanh, hàng loạt cán bộ bị tha hóa quyền lực - 11

Sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra, kỷ luật Đảng làm trước, kỷ luật hành chính tiếp theo, rồi mới đến kỷ luật hình sự, gần như thành lý luận về phòng, chống tham nhũng, thành bài học để giai đoạn sắp tới tiếp tục làm thế nào cho tốt.

Dù rất đau xót và không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, song người đứng đầu Đảng nói việc này buộc phải làm, phải "cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cây".

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực hồi tháng 11/2022, người đứng đầu Đảng lưu ý các hành vi tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn; không chỉ một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi phạm, hình thành các "nhóm lợi ích", không chỉ làm thất thoát tài sản của Nhà nước, mà còn mất nhiều cán bộ, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Quan điểm xuyên suốt được người đứng đầu Đảng nêu ra là trong công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông mà phải bằng luật pháp. Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp. Theo Tổng Bí thư, "giao cho anh quyền thì cũng phải có cái roi, cái đòn để anh không thể, không dám và không muốn tham nhũng".

Bài 1: Cơn bão Việt Á lan nhanh, hàng loạt cán bộ bị tha hóa quyền lực - 13

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Lê Như Tiến nhìn nhận đại án Việt Á gây chấn động xã hội. Bởi trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, toàn dân đang lao đao vì đại dịch, những "công bộc của dân" lại bất chấp để vơ vét, trục lợi trên sức khỏe nhân dân.

Theo ông Tiến, Việt Á là vụ án tham nhũng, tiêu cực có hệ thống, quy mô lớn trải dọc từ Trung ương đến địa phương, thậm chí xuống tới cả Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của rất nhiều địa phương. Hàng trăm cán bộ bị xử lý trong vụ việc này, theo cựu đại biểu Quốc hội, là bài học đắt giá và sự răn đe mạnh mẽ cho những người manh nha có ý định tham nhũng.

Ghi nhận quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Tiến cho rằng để công tác này hiệu quả hơn, cần kiểm soát chặt chẽ quyền lực bởi một khi quyền lực bị tha hóa sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Bài 1: Cơn bão Việt Á lan nhanh, hàng loạt cán bộ bị tha hóa quyền lực - 15

"Giao quyền lực cho cán bộ mà thiếu đi cơ chế kiểm soát sẽ dẫn tới tình trạng lạm quyền, lộng quyền, nhiều cán bộ trượt dài theo sai phạm", ông Lê Như Tiến nói và dẫn chứng thực tế vừa qua đã có nhiều lãnh đạo cấp cao như bộ trưởng, ủy viên Trung ương "bước chân" vào sai phạm và bị kỷ luật, thậm chí vướng vòng lao lý.

Gốc rễ vấn đề, theo ông Tiến, nằm ở công tác cán bộ, như Bác Hồ từng nói: "Mọi công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém", chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phải tuyển chọn được cán bộ có đủ tài và đức, sắp xếp, bổ nhiệm đúng vị trí việc làm, đặt họ vào đúng "ghế".

Bài 1: Cơn bão Việt Á lan nhanh, hàng loạt cán bộ bị tha hóa quyền lực - 17

Từ thực tế thời gian qua, các cơ quan đã phanh phui nhiều vụ án lớn có sự bắt tay, cấu kết giữa cán bộ Nhà nước và doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội, Tiến sĩ Trần Công Phàn (Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam), nhìn nhận cần chú trọng công tác phòng ngừa hơn là việc xử lý hậu quả khi các vụ án xảy ra.

Dẫn chứng ngay từ đại án "Việt Á", ông Phàn nêu bối cảnh vụ án xảy ra khi cả nước đang gồng mình chống dịch Covid-19, nhưng nhóm lợi ích công - tư vẫn ngang nhiên bắt tay nhau để cấu kết vơ vét, trục lợi, bất chấp tất cả để tham nhũng.

"Điều đó cho thấy cái gốc quan trọng nhất là làm tốt công tác phòng ngừa để cán bộ không dám tham nhũng", ông Phàn cho rằng chúng ta đã đấu tranh quyết liệt nhưng công tác phòng ngừa lại chưa thực sự hiệu quả.

Khi vụ án xảy ra và gây nhiều hậu quả nặng nề, dù chúng ta có xử lý nghiêm, theo vị đại biểu Quốc hội, đó cũng chỉ là xử lý phần ngọn. Và điều quan trọng hơn là làm từ gốc, có cơ chế kiểm soát quyền lực cùng hệ thống pháp luật chặt chẽ để cán bộ không thể, không có điều kiện tham nhũng.

Ông Phàn kiến nghị đặc biệt quan tâm đến những vấn đề như việc sử dụng và quản lý cán bộ, cơ chế chính sách đối với đội ngũ cán bộ.

Nhìn nhận từ khía cạnh luật pháp, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đánh giá hệ thống pháp luật vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng, nhất là những chồng chéo, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản, xây dựng, quy hoạch…

Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vi phạm liên quan đến đấu giá, đấu thầu, quy hoạch, đất đai, tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… như vừa qua, khiến không ít cán bộ và cả những lãnh đạo cấp cao bị xử lý.

Bài 1: Cơn bão Việt Á lan nhanh, hàng loạt cán bộ bị tha hóa quyền lực - 19

Từ thực tế đó, ông Phàn kiến nghị cần nhận diện lại những thủ đoạn phạm tội, rà soát lỗ hổng của luật pháp để rút ra những bài học trong kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng… nhằm đưa ra giải pháp sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bịt kín mọi lỗ hổng.

Song điều quan trọng nhất, theo ông, vẫn là yếu tố con người và công tác cán bộ. Bởi dù pháp luật có thể còn thiếu cơ chế, nhưng nếu một cán bộ tốt sẽ không bao giờ lợi dụng điểm khuyết ấy để vi phạm. Thay vào đó, họ sẽ có đề xuất, kiến nghị sửa đổi. "Bởi lẽ đó, quan trọng vẫn là công tác cán bộ, là kiểm soát quyền lực quan chức", theo lời ông Phàn.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia phân tích tội phạm tham nhũng thường có tính ẩn rất cao. Chủ thể thực hiện tội phạm này là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ cao và hiểu biết pháp luật, nhiều mối quan hệ xã hội… nên việc đối phó không dễ dàng.

Bởi vậy, ông ghi nhận rất cao việc thời gian qua các cơ quan đã phanh phui nhiều vụ án lớn, phát hiện và xử lý được những hành vi như đưa - nhận hối lộ…

Để kiểm soát quyền lực tốt hơn và có những giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới, ông Phàn nhấn mạnh cần sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng, có hiệu quả của các tư pháp từ công an, viện kiểm sát đến tòa án cùng hệ thống các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng ở Trung ương và địa phương.

Vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao cơ chế hiện nay, khi phát hiện cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, quy trình xử lý từ xem xét kỷ luật đến khởi tố, điều tra của các cơ quan chức năng rất nhanh chóng, đồng bộ, thậm chí thực hiện khởi tố, điều tra đồng thời việc xem xét kỷ luật. Hoặc như vụ Việt Á là khởi tố trước, xem xét kỷ luật sau.

Việc này khắc phục được những hạn chế, tồn tại trước đây khi quy trình xử lý qua nhiều khâu, nhiều bước, kéo dài khiến việc xử lý cán bộ sai phạm không dứt điểm, thậm chí có trường hợp đến khi ra được quyết định khởi tố thì đối tượng đã bỏ trốn, tẩu tán hết tài sản.

Bài 1: Cơn bão Việt Á lan nhanh, hàng loạt cán bộ bị tha hóa quyền lực - 21

Để xảy ra đại án Việt Á có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân cực kỳ quan trọng đó là sự buông lỏng quản lý. Nói cách khác, do kiểm soát quyền lực không tốt khiến một số đối tượng, đơn vị thao túng cả bộ máy lãnh đạo của các các địa phương, bộ ngành. Vì thế muốn kiểm soát quyền lực thì phải bắt đầu từ quản lý các bộ ngành.

Kiểm soát quyền lực gắn liền với công tác quản lý cán bộ và thực thi quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nếu quản lý cán bộ tốt, kiểm soát quyền lực tốt, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sẽ được thực thi có hiệu quả, chất lượng hơn.

Muốn kiểm soát quyền lực tốt phải quản lý cán bộ tốt, cấp nào quản lý chặt chẽ cán bộ cấp đó.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần chỉ đạo "phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế". Chiếc lồng cơ chế này phải làm cho cán bộ không lạm dụng quyền lực, không cậy quyền, không vượt ra khỏi quy định cho phép, tránh trường hợp cán bộ các cấp lạm quyền, cấu kết với nhau để trục lợi rồi để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng như vụ Việt Á.

Để kiểm soát quyền lực trong chiếc lồng cơ chế, phải dùng kỷ luật của Đảng cùng hệ thống chính sách pháp luật, vai trò giám sát của nhân dân, báo chí. Đặc biệt, tự bản thân mỗi đảng viên, cán bộ cần có ý thực tự kiểm soát mình, đòi hỏi họ phải có bản lĩnh, có trách nhiệm, biết tu dưỡng đạo đức.

Nhìn từ những sai phạm có hệ thống trong đại án Việt Á, chỉ có đồng bộ các giải pháp mới có thể kiểm soát quyền lực, để những người nắm giữ quyền hành trong tay không lạm quyền, lộng quyền.

Nhưng điều mấu chốt là phòng ngừa quan trọng hơn chống. Vì vậy, trách nhiệm kiểm soát cán bộ ở mỗi cơ quan cần được làm chặt chẽ ngay từ đầu. Lãnh đạo phải thấu hiểu cán bộ, nắm bắt được năng lực cán bộ và hiệu quả, chất lượng công việc của họ, luôn sát sao để ngăn ngừa nguy cơ cán bộ đảng viên sai phạm.

Nếu chủ quan hoặc buông lỏng quản lý cán bộ, trách nhiệm người đứng đầu không rõ thì không thể kiểm soát tốt được quyền lực.

Thực trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra thời gian qua một phần do chế độ đãi ngộ, lương bổng cho cán bộ chưa đảm bảo. Song khi nhìn vào thực tế, những cán bộ bị kỷ luật hay khởi tố hình sự vì có sai phạm, bản thân họ thậm chí sống giàu có, sung túc chứ không thiếu thốn.

Không chỉ ở Việt Nam, nhìn ra thế giới, có những quốc gia "mấy đời tổng thống đều tham nhũng". Như vậy để thấy rằng không phải do cán bộ nghèo mới tiêu cực, tham nhũng. Vì vậy, nguyên nhân chính của tham nhũng là do chưa kiểm soát tốt quyền lực, trong khi cán bộ lại bị tha hóa đạo đức dẫn đến lộng quyền, lạm quyền.

Nội dung: Hoài Thu - Xuân Hải
Thiết kế: Thủy Tiên