1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Huyền thoại con đường mang tên Bác:

Bài 2: Những nữ anh hùng trên đất lửa

(Dân trí) - Có những người phụ nữ Quảng Bình, ở lại quê hương đã tham gia chiến đấu, lao động trên những cung đường máu lửa và họ đã làm nên những kỳ tích anh hùng vang dội, góp công lớn vào thắng lợi trong cuộc trường chinh cứu nước của dân tộc.

Cọc tiêu sống trên đèo Đá Đẽo
 
Sinh ra trong một gia đình nghèo với 7 chị em. Là con cả, ngày ngày Đinh Thị Thu Hiệp phải lo bắt tép, mò ốc đỡ đần mẹ cha nuôi các em khôn lớn. Đến tuổi thanh niên, bà theo phong trào “Ba sẵn sàng” xung phong lên đường nhưng địa phương không duyệt vì thân hình quá nhỏ.
 
Không còn cách nào khác, chị đã viết đơn bằng máu với tất cả tình cảm thống thiết để được kết nạp vào đội hình TNXP và được phân công về làm nhiệm vụ ở đèo Đá Đẽo. Ngày đó, đèo Đá Đẽo được xem như lằn ranh giữa sự sống và cái chết, là yết hầu của tuyến chi viện chiến lược 15A vào Nam.
 
Bài 2: Những nữ anh hùng trên đất lửa - 1
Đường Hồ Chí Minh, nơi ghi dấu chân những anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Từ năm 1967, không quân Mỹ đã thực hiện chiến dịch 97 ngày đêm xóa trắng, vùi lấp đèo Đá Đẽo, Đinh Thị Thu Hiệp đã không ngần ngại bám sát mặt đường từng ngày, từng giờ, đếm từng quả bom rơi, vác từng thùng đạn chạy băng qua bãi bom nổ chậm. Chỉ nặng chưa đầy 40kg nhưng lúc đó vác trên mình những kiện hàng, thùng đạn vượt bãi bom dài hơn cây số chạy băng đến điểm tập kết an toàn.
 
Cuối năm 1967, khúc cua 516+300 mái phía Tây đèo Đá Đẽo thường xuyên trúng bom nổ chậm, nhiều người không có kinh nghiệm tiếp cận bom đã thiệt mạng. Cấp trên giao Đinh Thị Thu Hiệp chốt giữ trọng điểm nóng đó nhằm đảm bảo thông tuyến nhanh nhất cho xe ra tiền tuyến.
 
Ngày đầu tiên, một quả bom nổ chậm rơi đúng tim đường. Lập tức chị yêu cầu mọi người tản ra xa, một mình chị vào kích nổ quả bom. Khi công việc hoàn thành, vừa trở ra khoảng 150m thì bom nổ, chị bị sức ép khiến một tai bị điếc.
 
Bài 2: Những nữ anh hùng trên đất lửa - 2
Nữ anh hùng Đinh Thị Thu Hiệp sống giản dị trong căn nhà tình nghĩa.
 
Một lần khác, một đoàn xe chở hàng ra mặt trận bị ứ lại do vướng bãi bom ở chân đèo Đá Đẽo. Mọi người chưa biết làm sao thông tuyến, trong khi tiếng gọi chiến trường đang hết sức cần kíp thì chị Hiệp đã nhanh trí, quyết định biến mình thành cọc tiêu sống đưa đoàn xe 20 chiếc vượt qua bãi bom an toàn...
 
Sau những thành tích trong chiến tranh, chị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân vào năm 1972. Hòa bình, chị trở về với ruộng nương, xóm làng...
 
Chị lập gia đình, có 4 con thì chồng mất. Bây giờ các con của chị đã có gia đình và sống riêng, còn chị ở một mình trong căn nhà tình nghĩa ở xã Xuân Hóa (Minh Hóa - Quảng Bình).
 
Gặp chị năm ngoái, hỏi chị mong muốn gì, chúng tôi không khỏi cảm động trước câu trả lời: "Giờ tiền chế độ tôi tiêu đủ, không mong muốn gì khác ngoài việc xây dựng lại cái đài tưởng niệm của xã cho khang trang".
 
Người 5 lần được gặp Bác Hồ
 
Người phụ nữ có được vinh dự lớn đó là anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế (hiện đang sống ở xã Cảnh Hóa, Quảng Trạch). Chị Huế sinh năm Canh Thìn (1940). Tuổi thơ chị không biết mặt cả cha lẫn mẹ. Chị lớn lên nhờ vào tình thương của bà ngoại và cậu mợ.
 
Cuối năm 1965, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc trở nên ác liệt. Mặc dù đã có chồng, nhưng chị quyết làm đơn xin nhập ngũ vào lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) trên tuyến đường 12 khốc liệt. 182 người của huyện Tuyên Hóa lập thành đơn vị 759, đội 75, công trường 12.
 
Chị là Tiểu đội trưởng tiểu đội 6, gồm 16 chị em. Đơn vị của chị được giao phụ trách đảm bảo giao thông đường 12A đoạn từ nam cầu La Trọng đến Bãi Dinh. Những ai đã từng đi qua đoạn đường này trong những năm chiến tranh mới thấu hết sự khốc liệt. Đây là tuyến đường huyết mạch cực kỳ quan trọng để hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam.
 
Giặc Mỹ điên cuồng đánh phá với một lượng bom đạn khổng lồ nhằm cắt đứt con đường này. Cuối năm 1965, một trung đội quyết tử được thành lập và chị lại được vinh dự làm Trung đội trưởng. Chị kể: “Mỗi lần vào trận, chúng tôi đều được làm “lễ truy điệu sống”. Biết bao nhiêu người đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này”.
 
Trong năm 1966, ngay tại Km 21, đường 12A, B52 của Mỹ đã mở cuộc không kích ròng rã 45 ngày đêm. 24 đồng đội của chị đã ngã xuống. Chị cũng đã bao lần bị bom dập vùi; máu đổ nhưng đường huyết mạch không bị cắt...
 
Bài 2: Những nữ anh hùng trên đất lửa - 3
Tấm ảnh kỷ niệm một lần vinh dự gặp Bác Hồ của nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế.
 
Với những thành tích trong chiến đấu, chị Huế đã vinh dự có 5 lần được gặp Bác Hồ. “Những lần như vậy Bác đã hỏi han, dạy bảo tôi những điều rất giản dị, đời thường nhưng tôi thấy ở đó chứa đựng một tình thương bao la...” - Chị Huế xúc động nói.
 
Chị kể, chị vẫn nhớ như in tất cả những lần được gặp Bác, nhớ như in từng lời bác dạy. Nhưng có lẽ lần gặp Bác xúc động và để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với chị đó là dịp Đại hội TNXP toàn quốc lần thứ tư (tháng 7/1967). Theo phân công, chị cùng với chị Nguyễn Thị Nguyệt - Tổng đội phó Tổng đội TNXP miền Nam vinh dự là người tặng hoa cho Bác.
 
Bác xuất hiện, chị Huế ào xuống tặng hoa cho Người. Khoảnh khắc ấy bức ảnh hai Bác cháu ra đời. Bức ảnh được Nhà in Tiến Bộ in thành hàng vạn bản và với chị Huế nó là gia bảo...
 
Năm 1995, chị Huế nghỉ hưu với thương tật vĩnh viễn 25%. Chồng mất sớm, một mình chị tần tảo một mình nuôi 3 đứa con khôn lớn thành người. 3 đứa con của chị Huế đều theo nghiệp mẹ làm ở ngành giao thông nên thường xuyên phải xa nhà.
 
Bài 2: Những nữ anh hùng trên đất lửa - 4
Chị Kim Huế đang chăm sóc vườn hồ tiêu.
 
Hiện chị đang sống cùng 2 đứa cháu trong ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm một thời hào hùng. Tiền lương hưu cộng với tiền trợ cấp thương tật mỗi tháng chỉ được lĩnh hơn 1 triệu đồng, số tiền đó dành nuôi hai đứa cháu.
 
Chị bảo: “Ngày trước Bác Hồ sống giản dị, bữa cơm rau muống đạm bạc, cuộc sống của Bác thanh liêm như thế mà vẫn hoạt động cách mạng thắng lợi. Bây chừ mình có lĩnh lương mỗi tháng những một triệu là bữa cơm có cá rồi đấy. Thế là sống tốt rồi, tấm gương của Bác mình luôn làm theo. Cuộc sống như thế này là tốt rồi. Mình không đòi hỏi gì thêm, Nhà nước còn phải sẻ chia với muôn vàn đồng bào khó khăn nữa mà”.
 
Hồng Kỹ - Phương Uyên