1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Quảng Bình:

Ngôi làng mang tên “19 tháng 5”

Nằm ven quốc lộ 1A, cách đèo Ngang 3km về phía Nam, làng “19 tháng 5” thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nằm dựa lưng vào núi, mặt hướng ra biển Đông, cái thế vững chãi chỉ có tiến không lùi.

Ông Lê Văn Viễn, một trong những đảng viên đi đầu trong công cuộc lập làng “19 tháng 5” kể lại: Đầu năm 1960, theo tiếng gọi của Đảng, hàng chục thanh niên ở xã Cảnh Dương xung phong về vùng đất hoang vu này để lập làng mới. Thời điểm đó từ Bắc Roòn ra đến đèo Ngang thưa thớt những túp lều tranh của người dân. Mới đầu, dân lập làng chỉ vẻn vẹn chưa đầy 50 người. Lúc đó, mảnh đất rậm rạp, hoang vu này là nơi “rừng thiêng nước độc”.

Ban đầu, làng này được gọi là Làng Mới, nhưng sau đó, để tưởng nhớ ngày lập làng trùng với ngày sinh của Bác Hồ, mọi người đặt tên là làng “19 tháng 5”.

Ngày mới thành lập, làng chú trọng phát triển nông nghiệp, khai hoang trồng trọt, chăn nuôi. Sau một thời gian xét thấy nơi đây đất cằn sỏi đá, khô hạn nên người dân chuyển sang làm thủ công nghiệp, sản xuất gạch ngói. Ngói “19 tháng 5” có tiếng một vùng.

Cùng với công cuộc sản xuất kinh tế, người dân “19 tháng 5” đã anh dũng chiến đấu trong những ngày Mỹ bắt đầu thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc (1964).

Trong vòng ba tháng giữa năm 1968, dân làng đã anh dũng bắn rơi 3 máy bay của giặc Mỹ, trong đó có một chiếc được ghi công đầu cho đội thiếu sinh quân của làng.

Trong chiến dịch phục vụ Hòn La năm 1972, tiếp nhận hàng viện trợ từ tàu Hồng Kỳ (Trung Quốc), người dân làng “19 tháng 5” cùng với bộ đội, dân quân vượt qua muôn vàn nguy hiểm để vận chuyển hàng trăm tấn gạo từ tàu vào bờ an toàn, kịp thời tiếp viện cho chiến trường.

Chiến tranh lùi xa, người dân “19 tháng 5” lại bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Đến nay, làng đã có trên 230 hộ dân, với hơn 800 nhân khẩu. Điện, đường, trường, trạm đầy đủ, người dân chăm chỉ làm ăn.

Hiện tại hơn 80% người dân làm ngư nghiệp, 15% làm nông nghiệp, 5% buôn bán. Nhiều con em trong làng học đỗ đạt cao, hiện theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp...

Làng cũng là đơn vị đi đầu của huyện Quảng Trạch trong việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Làng tổ chức nhiều cuộc thi kể chuyện Bác Hồ vào những ngày lễ trọng, thu hút hội viên, đoàn viên hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên thôn và nhân dân trong làng tham gia.

Trong làng, hầu như nhà nào cũng trang trọng treo ảnh Bác Hồ ở gian giữa và luôn tự nhủ sẽ sống sao cho xứng đáng với tên làng.

Theo Ngọc Châu - Đức Thọ
Vietnam+