1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Huyền thoại con đường mang tên Bác:

Bài 1: “Một nghìn lẻ một đêm” Cự Nẫm

(Dân trí) - Làng Cự Nẫm (nay thuộc xã Cự Nẫm - Bố Trạch - Quảng Bình) không chỉ là "làng chiến đấu” trong kháng chiến chống Pháp. Ngôi làng anh hùng này còn là trạm giao liên, điểm dừng chân cuối cùng của bộ đội trước khi vào chiến trường trong cuộc trường chinh chống Mỹ.

“Làng một đêm”
 
Với địa thế hiểm trở nằm giữa hai quả đồi lớn và dựa lưng vào núi đá vôi cạnh con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Cự Nẫm được lựa chọn làm trạm giao liên cuối cùng của đoàn quân Nam tiến. Nói cuối cùng là vì sau khi được nghỉ ngơi, trang cấp đủ vũ khí, nhu yếu phẩm ở đây, bộ đội Trường Sơn sẽ đi vào đất lửa Quảng Trị, sang Lào chiến đấu.
 
Lúc đó, ngôi làng này được gọi là “làng một đêm”, bởi từ năm 1969 đến năm 1973 (trước khi Hiệp định Paris được ký kết) các sư đoàn ta trên đường hành quân đều dừng lại đây một đêm trước khi vào trận, và các thương bệnh binh trên đường ra Bắc cũng dừng lại đây một đêm để nghỉ ngơi và lấy nhu yếu phẩm.
 
“Làng Cự Nẫm nằm ngay giữa đường hành quân, là nơi đóng binh trạm 26. Dân Cự Nẫm ngày lao động, đêm đến lại vác lương thực, quân trang, vũ khí phục vụ bộ đội. Cả làng đều nhường nhà cho bộ đội ở, còn vợ chồng con cái xuống bếp lót ổ rơm nằm.
 
Tui nhớ ngày mô cũng có 1 - 2 đoàn bộ đội đến, cả làng giúp bộ đội đến 1 - 2 giờ sáng mới đi ngủ. Tổng cộng, có 6 sư đoàn đã qua đây, đã ngủ lại đây trong sự đùm bọc của người dân Cự Nẫm” - ông Hoàng Tiến Dũng (74 tuổi, nguyên xã đội trưởng xã Cự Nẫm) không giấu được giọt nước mắt tự hào khi hồi tưởng.
 
Bài 1: “Một nghìn lẻ một đêm” Cự Nẫm - 1
Vợ chồng ông Hoàng Tiến Dũng sống trong một căn nhà đơn sơ treo kín bằng khen vì những đóng góp trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
 
Không chỉ ông Dũng, hầu hết những người có tuổi trong làng đều có thể kể vanh vách những câu chuyện về trạm giao liên trong lòng dân và những kỷ niệm sâu sắc với bộ đội. Chỉ cần nhắc đến, những hồi ức lại hiện về như mới hôm qua.
 
Đó là mẹ Lê Thị Ngạn ngày ngày chặt hàng chục gánh bổi để ngụy trạng pháo và che nắng cho Tiểu đoàn pháo binh 19. Đó là mẹ Phan Thị Luyến ngồi một ngày liền để giặt áo quần cho cả một trung đội. Đó là mẹ Nguyễn Thị Xê, một tay nấu nướng chăm sóc cho cả đại đội ba, rồi khi một chiến sỹ trong đại đội bị thương mẹ đã chăm bẵm từng thìa cháo một…
 
Còn rất, rất nhiều người mẹ, người chị khác, người còn người mất, song họ đã trở thành một hậu phương vững vàng cho bộ đội ngay trước giờ vào trận.
 
Mỗi câu chuyện có dáng một anh hùng, mỗi ký ức có hình một số phận. 5 năm ròng làm giao liên, dân quân và người dân Cự Nẫm đã viết nên hàng nghìn, hàng vạn câu chuyện như thế.
 
“Năm 1968, tiểu đoàn 19 pháo cao xạ bị bom Mỹ đánh trúng, hy sinh 24 người. Dân Cự Nẫm khóc như khóc người nhà. Càng thương bộ đội, càng căm thù giặc và càng cố chăm chút cho các đoàn quân vào và thương binh ra”, ông Dũng bồi hồi.
 
Cũng không biết bao nhiêu đêm, chị em Cự Nẫm băng rừng hàng chục cây số cáng thương binh về trạm TT6 để cấp cứu trước khi chở ra trạm Roòn.
 
Những mối tình “một đêm” bất tử
 
Trong những cuộc gặp gỡ như thế, không ít mối tình đã chớm nở giữa bộ đội và chị em dân quân Cự Nẫm. Năm 1967, trên đường vào chiến trường Quảng Trị, anh bộ đội Đỗ Đình Chững đã cảm kích và đem lòng thương cô dân quân Phan Thị Ánh khi dừng chân ở Cự Nẫm. Họ ăn thề bằng chiếc chăn kỷ vật của lính, hẹn ngày hòa bình.
 
“Tôi đã quý ông từ ngày đó, nhưng chiến tranh ai nói trước được điều gì. Thế mà chỉ một năm sau, một đêm đi xem văn công trong xã, tôi nhìn từ sau lưng thấy cái dáng người quen. Chẳng dám tin, tôi chỉ thử bằng cách tới gần ông rồi vờ nói thật to với đám con gái trong làng “về chúng bay hè”, ông quay lại”, bà Ánh bùi ngùi nhớ lại.
 
Bài 1: “Một nghìn lẻ một đêm” Cự Nẫm - 2
Bà Phan Thị Ánh nhớ như in cái đêm vô tình gặp lại ông Chững để sau đó nên nghĩa vợ chồng.
 
Lúc đó, anh bộ đội Chững bị sức ép bom được cho về quê an dưỡng, nhưng vì tình yêu với cô dân quân tên Ánh, và vì quý cái mảnh đất nghèo khó nhưng đầy tình người này, ông đã ở lại và đến nay hai vợ chồng đã có 5 đứa con, 12 đứa cháu.
 
“Trong làng này nhiều đôi như chúng tôi lắm, chồng quê Thái Bình có, Nghệ An có. Chúng tôi là những người may mắn, bởi cũng có nhiều đôi khác hẹn thề nhau nhưng người đi đã không bao giờ về nữa…”, đôi mắt đang ánh lên rạo rực, giọng bà Ánh chợt buồn đến nao lòng.
 
Nghe nói, cũng chẳng ít người con gái Cự Nẫm sau khi hòa bình lập lại đã theo chồng là bộ đội lên Tây Nguyên, ra tận Vĩnh Phú, Hà Bắc để hiện thực hóa lời hẹn xưa. Nhiều người khác đã không lấy chồng để sống trọn với những mối tình tưởng thoáng qua mà đã quá sâu đậm.
 
Bài 1: “Một nghìn lẻ một đêm” Cự Nẫm - 3
Những đứa trẻ làng Cự Nẫm được sinh ra và lớn lên trên một mảnh đất giàu truyền thống và được nghe những câu chuyện cổ tích có thật về một thời của máu và hoa.
 
Cuộc chiến đã qua 35 năm, những người Cự Nẫm anh hùng ngày ấy nay lưng đã cánh cung. Nhưng những câu chuyện về cái thời hào hùng và lãng mạn ấy vẫn hằn sâu trong mỗi người còn sống.
 
Nhắm mắt lại, họ còn thấy rất rõ những đoàn quân hối hả ra trận, những đêm trắng tải đạn, những bát cơm nóng hổi cho bộ đội và cả tiếng nói mơ của những chiến sỹ trẻ nhớ nhà.
 
Tôi muốn ở lại đây 1.001 đêm, để nghe 1.001 câu chuyện về ngôi làng anh hùng và những hồi ức, những số phận thời chiến. Nhưng lại thấy mình tham lam quá. Đó không phải là câu chuyện cho riêng ai, đó là câu chuyện mà người già Cự Nẫm đã, đang và sẽ kể mãi cho con cháu sau này…
 
Hồng Kỹ