1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Trường học ở Hà Nội mở rồi lại đóng là khó tránh

Quang Phong

(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), trong giai đoạn hiện nay, khi chưa tiêm phủ được vaccine cho trẻ em thì không nên mở cửa trường học.

Sáng 25/10, trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em cần dựa trên khoa học và điều kiện của xã hội. 

Theo ông Hiếu, nên ưu tiên tiêm vaccine cho độ tuổi 16 - 18, vì đối tượng này nguy cơ mắc bệnh không khác gì người trẻ trên 18 tuổi, nguy cơ chuyển biến nặng cũng gần như tương đương. "Tôi rất mong muốn tiêm cho các học sinh cấp THPT trước để các em đi học và cũng để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng trong cuộc đời", PGS Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: Trường học ở Hà Nội mở rồi lại đóng là khó tránh - 1

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, khi chưa tiêm phủ vaccine cho trẻ em thì chưa nên mở cửa trường học.

Đối với trẻ em từ 12 tuổi trở lên, theo đại biểu nên tiêm những trường hợp có yếu tố nguy cơ như bị béo phì, bệnh nền... Còn các trường hợp khác nên dựa vào nguyện vọng, nhu cầu của gia đình. Riêng các trường hợp trẻ từ 1 - 3 tuổi, đại biểu cho rằng chưa nên tiêm.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trên thế giới hiện nay, việc tiêm vaccine cho trẻ từ 12 - 18 tuổi đã được thống nhất và bằng chứng khoa học, độ an toàn, hiệu quả đã rõ. Với trẻ dưới 12 tuổi vẫn đang còn nghiên cứu, do đó, chúng ta không nên vội.

"Khi tôi công tác ở Bình Dương cũng đã thống kê, tỷ lệ trẻ dưới 12 tuổi bị nhiễm bệnh và chuyển nặng rất ít, chủ yếu là các cháu bị bệnh nền. Đối với học sinh THPT thì khả năng mắc bệnh không khác so với người 18 - 19 tuổi", đại biểu Hiếu nói.

Theo đại biểu, hiện nay, vaccine được khuyến cáo tiêm cho trẻ em là Pfizer và tới đây, có một phần đang nghiên cứu là về Moderna, còn các vaccine khác, chưa có nước phát triển nào tiêm cho trẻ em.

Liên quan đến việc cho trẻ em đi học, PGS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khi chưa tiêm phủ được vaccine cho trẻ em thì không nên mở cửa trường mà vẫn duy trì việc học trực tuyến với các cấp.

PGS Nguyễn Lân Hiếu lấy ví dụ ở một số địa phương như Phú Thọ cho đi học lại nhưng trong lớp học chỉ cần vài ca nhiễm là lại phải đóng cửa. "Không thể để tình trạng trường học cứ mở vài tuần xong lại đóng cửa. Do vậy, điều quan trọng nhất ở đây là phải tìm mọi cách để phủ vaccine cho các em", ông Hiếu nêu rõ.

Đối với học sinh THPT, theo đại biểu ngành y, sau khi thực hiện tiêm chủng xong có thể mở cửa lại trường, cho đi học để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng của cuộc đời. Với học sinh cấp 2, tùy theo tình hình, nếu số lượng gia đình được tiêm 60 - 70% có thể mở cửa lại toàn bộ.

"Đối với học sinh tiểu học, việc học trực tuyến nhiều khó khăn nên sau khi thực hiện tiêm phủ cho các cấp học trên và gia đình thì có thể đi học trực tiếp trở lại", PGS Hiếu chia sẻ.

Liên quan đến việc ở Hà Nội, nhiều vùng ngoại thành là "vùng xanh", nhưng địa phương vẫn cho học sinh học trực tuyến, bác sĩ Hiếu cho rằng, nếu học tập trung lại có ca dương tính, rồi lại đóng thì rất khó. Điều này khó tránh khỏi, vì khi bắt đầu mở cửa, thì bất cứ ai cũng có nguy cơ bị nhiễm.

Khi nhiễm ở ngoài cộng đồng với số lượng ít, chúng ta vẫn có kế hoạch cách ly, khoanh vùng diện hẹp và điều trị. Nhưng một trường học rất khó bởi các cháu học tập trung với nhau, vì thế đại biểu nhấn mạnh đến việc cần thiết tiêm sớm. Nếu làm tập trung thì chỉ cần một tuần là tiêm được hết cho học sinh THPT ở Hà Nội. Khi tiêm đủ, có thể mở cửa cho các em đi học trở lại.