1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bác bỏ quan điểm sai trái của Bộ Ngoại giao Trung Quốc

(Dân trí) - Việc Trung Quốc điều máy bay ra đá Chữ Thập cho dù là dưới bất kỳ danh nghĩa nào với cách làm như vừa qua đều là phi pháp. Việt Nam kiên quyết bác bỏ các quan điểm sai trái trong phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc về hành động này.

Ngày 12/1/2016, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã nêu rõ phản ứng của Việt Nam trước nội dung phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi liên quan đến việc tàu bay Trung Quốc bay ra sân bay đá chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

“Việt Nam kiên quyết bác bỏ các quan điểm sai trái trong phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/1/2016. Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa cũng như đối với quần đảo Hoàng Sa", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.

 

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh: Quang Phong)
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh: Quang Phong)

 

Người Phát ngôn Lê Hải Bình cho hay, liên quan đến hoạt động bay của Trung Quốc, như đại diện Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, cơ quan quản lý FIR Hồ Chí Minh của Việt Nam không hề nhận được bất kỳ thông báo nào của Trung Quốc về kế hoạch bay như họ nói. Vào ngày 30/12/2015, khi đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội thông báo cho đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc Trung Quốc sẽ sử dụng tàu bay dân sự thực hiện các chuyến bay ra đá Chữ Thập, Việt Nam đã ngay lập tức phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ hành động này.

"Việc Trung Quốc tuyên bố coi việc cho máy bay ra đá Chữ Thập là “các hoạt động hàng không quốc gia” thực chất là nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với quần đảo Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa", ông Bình nói.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng: "Mặt khác, việc Trung Quốc cho máy bay bay ra đá Chữ Thập cho dù là dưới bất kỳ danh nghĩa nào với cách làm như vừa qua cũng đều ảnh hưởng đến an ninh an toàn tự do hàng không ở Biển Đông; đi ngược lại các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Chi-ca-gô năm 1944 về Hàng không dân dụng và các Phụ lục liên quan đến Quy tắc bay qua vùng trời quốc tế, đặc biệt là Phụ lục 2 và Phụ lục 11".

"Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc bay ra đá Chữ Thập, không có thêm các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”, ông Bình nêu rõ.

Cục Hàng không Việt Nam ngày 12/1 cũng bác bỏ tuyên bố "hết sức sai trái và phi lý" của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi liên quan tới việc đưa máy bay ra đá Chữ Thập.

Kể từ hôm 2/1 sau khi Trung Quốc lần đầu tiên đưa máy bay thử nghiệm ra sân bay phi pháp trên bãi Chữ Thập, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã hai lần lên tiếng phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Bộ Ngoại giao cũng đã hai lần gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 11/1 đã lớn tiếng bác bỏ công hàm của Hà Nội về việc Bắc Kinh không thông báo về các chuyến bay tới bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngang nhiên nói rằng bãi đá này thuộc lãnh thổ của Trung Quốc và vì vậy không cần thông báo cho bất kỳ ai.

Nam Hằng