1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Áp lực công việc ngày càng tăng, TPHCM kiến nghị được tự chủ về biên chế

Q.Huy

(Dân trí) - UBND TPHCM cho biết, khi khối lượng và áp lực công việc ngày càng tăng, việc vừa đảm bảo đủ nhân sự thực hiện nhiệm vụ, vừa thực hiện chính sách tinh giản biên chế là một khó khăn, thách thức.

Cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách và người lao động làm việc trong lĩnh vực công tại TPHCM đang đối mặt với khối lượng, áp lực công việc ngày càng tăng. Vấn đề này được UBND TPHCM nêu trong báo cáo kết quả 7 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nếu số lượng biên chế hành chính, người làm việc không được phê duyệt như hiện tại, TPHCM sẽ không đủ nhân sự hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Điều này thể hiện rõ nét nhất trong giai đoạn diễn ra dịch Covid-19 và quá trình vực dậy nền kinh tế sau đại dịch.

UBND TPHCM cho biết, để tiếp tục vươn lên, đạt nhiều thành tựu to lớn, địa phương cần có giải pháp vượt qua những khó khăn, thách thức hiện hữu. Một trong những giải pháp cụ thể là có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc đủ về số lượng, đạt về chất lượng.

Áp lực công việc ngày càng tăng, TPHCM kiến nghị được tự chủ về biên chế - 1

Khối lượng công việc của công chức, viên chức tại TPHCM tăng dần qua từng năm (Ảnh: Q.Huy).

Do đó, TPHCM kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về biên chế, Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Nội vụ xem xét giao quyền tự chủ về biên chế, số lượng người làm việc phù hợp với tình hình phát triển thực tế.

Trong số các phương án được đưa ra, TPHCM kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép tỉnh, thành phố có thu nộp ngân sách trung ương, không sử dụng ngân sách trung ương cấp để chi trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức của địa phương mình, được tự chủ và quyết định về biên chế, người làm việc theo tình hình thực tế nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, góp phần tăng thu ngân sách quốc gia.

TPHCM cũng thông tin, địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, địa bàn quản lý rộng, khối lượng công việc, nhiệm vụ được giao lớn, mật độ dân số đông, cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ. Do đó, việc vừa có đủ nhân sự thực hiện nhiệm vụ được giao, vừa thực hiện chính sách tinh giản biên chế là một khó khăn đối với địa phương.

Ngoài ra, thành phố không được thụ hưởng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng từ ngân sách nhà nước dành cho viên chức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Điều này cũng tạo thách thức cho TPHCM trong việc nâng cao hiệu quả xử lý công việc, chất lượng nguồn nhân lực ở lĩnh vực sự nghiệp công.

Hiện tại, TPHCM có 13.689 biên chế công chức gồm 9.954 biên chế từ cấp huyện và 3.735 biên chế hành chính. Năm 2024, thành phố đã giao 9.959 biên chế công chức từ cấp huyện trở lên và 3.735 biên chế công chức tại các phường.

Về kết quả tinh giản biên chế, trong năm 2022, UBND TPHCM đã phê duyệt danh sách tinh giản biên chế đối với 222 trường hợp gồm nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc ngay; năm 2023 là 72 trường hợp và từ đầu năm 2024 đến nay là 52 trường hợp.

Thực hiện Nghị định 108 năm 2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, thành phố đã ban hành văn bản thông báo kết quả tinh giản biên chế đối với 1.950 trường hợp.