1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Anh hùng Phạm Tuân: “Chỉ sợ B52... chạy mất!”

(Dân trí) - “Khi gặp B52, máy bay của tôi đạt tốc độ 1.600km/h mà vẫn thấy chậm vô cùng. Đến khi phóng được quả tên lửa đi mới thở phào nhẹ nhõm…”, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại thời khắc hạ gục B52 của Mỹ.

Ngày 10/12, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu (nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng Không - Không quân), Trung tướng Phạm Tuân (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phi công đoàn Không quân Sao Đỏ), Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn tên lửa 57 - Sư đoàn Phòng không Hà Nội), Đại tá Nghiêm Đình Tích (nguyên Đài trưởng đài Radar P.35, Trung đoàn 291, Binh chủng Radar) đã chia sẻ với độc giả trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” tháng 12/1972.
 
Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu
 Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu cho biết, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã hứng chịu nhiều thất bại. Trước nguy cơ thất bại thảm hại, Mỹ chỉ còn con át chủ bài là B52, chúng dùng để đánh Hà Nội hòng ngăn chặn sự chi viện cho miền Nam và uy hiếp nhân dân.

Nhớ lại những ngày đối đầu với B52 Trung tướng Phạm Tuân cho biết, đây là loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa, cự ly bay hàng chục ngàn km, mang tới 30 tấn bom, xen kẽ bom tấn, bom tạ, bom bi, một tốp 3 chiếc B52 có thể san bằng diện tích 2km2. Vì vậy, B52 được dùng để ném bom chiến lược các mục tiêu diện rộng như sân bay, thành phố, trung tâm chính trị…

Cuối tháng 11/1972, phương án cuối cùng đánh B52 đã được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và tập thể lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu trực tiếp thông qua, sau đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn. “Từ đó, chúng tôi lập kế hoạch đánh B52 và hoàn toàn chủ động”, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nhớ lại.

Trong 12 ngày đêm, Mỹ sử dụng 193 máy bay B52 và hơn 1.000 máy bay chiến thuật, trung bình mỗi đêm đánh vào Hà Nội 50-70 lượt B52, cao điểm lên đến 100 lượt B52. Ngoài ra, mỗi đêm trung bình 300 lượt, cao điểm 450 máy bay chiến thuật đánh phá để yểm trợ.

Trung tướng Phạm Tuân cho biết, B52 được bảo vệ bằng các máy bay chiến đấu, tiêm kích đánh chặn, đánh ngay vào mục tiêu như sân bay, trận địa tên lửa. Vì vậy, không quân phải tập bay ở những sân bay ngắn, mới làm ở các nông, lâm trường, tập bay thấp, bay cao để có thể tiếp cận nhanh được B52.
Trung tướng Phạm Tuân

Trung tướng Phạm Tuân

“Những thời điểm như vậy thể hiện trí tuệ, sáng tạo của dân tộc, của không quân nhân dân Việt Nam. Chúng ta phải cất cánh trong những điều kiện khó khăn, và mệnh lệnh là khi B52 vào, phải cất cánh lên được để đánh”, Trung tướng Phạm Tuân nói về ý chí quyết tâm của quân ta trong những ngày đối đầu với B52.

Theo Trung tướng Phạm Tuân, khi gặp B52, ông không chỉ hồi hộp mà còn lo lắng vì nhiều lý do. Nếu sơ hở một chút, bật ra đa sớm thì F4 (máy bay bảo vệ B52) sẽ đuổi theo và bắn, B52 chạy mất. “Khi gặp B52 xung quanh có rất nhiều F4. Nguy hiểm lúc đó tôi không sợ mà chỉ sợ B52 chạy mất. Tôi báo về sở chỉ huy là có F4 thì thông báo cho biết mình chỉ hướng vào chiếc B52 phía trước. Tôi cố gắng làm sao để đạt tốc độ nhanh nhất, dù bay với tốc độ 1.600km/h mà vẫn thấy chậm vô cùng. Đến khi phóng được quả tên lửa đi mới thở phào nhẹ nhõm và lúc ấy thì mặc kệ F4 xung quanh, không còn lo lắng gì nữa”, Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại thời khắc bắn rơi “pháo đài bay” - B52 từ 40 năm trước.
 
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt cho biết, tháng 12/1972, quân dân miền Bắc bắn rơi 34 chiếc B52, trong đó Hà Nội 29 chiếc, bộ đội tên lửa bắn rơi 25 chiếc, riêng Trung đoàn của ông bắn rơi 12 chiếc (7 chiếc rơi tại chỗ), tiểu đoàn bắn rơi 4 chiếc (2 chiếc rơi tại chỗ).

Để “hạ gục” được máy bay B52, bộ đội ra đa có vai trò rất quan trọng, nguyên Đài trưởng đài Radar P.35, Trung đoàn 291, Binh chủng Radar - Đại tá Nghiêm Đình Tích cho biết, trong chiến tranh hiện đại, tập kích đường không của địch và tác chiến phòng không thực chất là một cuộc chiến tranh điện tử, ngoài yếu tố chính trị tinh thần, thì ai thắng trong cuộc chiến điện tử này sẽ chiến thắng.
 
Đại tá Nghiêm Đình Tích

Đại tá Nghiêm Đình Tích

Theo Đại tá Nghiêm Đình Tích, trong chiến dịch 12 ngày đêm, chúng ta bị không quân Mỹ gây nhiễu ghê gớm hơn nhiều so với chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, họ gây nhiễu từ các hạm tàu, từ các loại máy bay chiến thuật. Tất cả các máy bay đều có máy nhiễu công suất lớn. Đặc biệt, mỗi B52 có 15 máy gây nhiễu, 2 máy phóng nhiễu giấy bạc. Một tốp B52 có 45 máy, như vậy tất cả nhiễu đó tạo thành nhiễu chồng chéo, dày đặc, đan xen, công suất rất lớn, phạm vi rất rộng.

Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hội nghị chống nhiễu B52. Toàn thể binh chủng tập trung nghiên cứu, phát hiện, bảo đảm cho phòng không - không quân đánh B52. “Trong 12 ngày đêm năm 1972, phát hiện tín hiệu B52 lúc này là rất khó, vì nhiễu rất nặng, nếu không có quy trình thì không thể phát hiện được. Chúng tôi kết hợp nhiều biện pháp để nhiễu B52 nhẹ nhất và tín hiệu B52 rõ nhất, nói một cách hình ảnh là nổi lên 3 đầu tăm thể hiện tín hiệu của từng tốp B52”, Đại tá Nghiêm Đình Tích cho biết.

Trúc Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm