1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

"Áp lực rất lớn, một chấp hành viên phải thi hành gần 500 việc"

Thế Kha

(Dân trí) - "Áp lực công việc rất lớn, một chấp hành viên phải thi hành gần 500 việc", Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng nêu tại hội nghị triển khai công tác năm 2025.

Tại hội nghị thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2025 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 2/12, ông Nguyễn Xuân Tùng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng, cho biết trong nhiều năm liền, từ 2020-2023, Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng không hoàn thành hai chỉ tiêu cơ bản về số việc và số tiền được giao.

Áp lực rất lớn, một chấp hành viên phải thi hành gần 500 việc - 1

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng Nguyễn Xuân Tùng (Ảnh: Thu Hằng).

Sang năm 2024, các cơ quan thi hành án ở Đà Nẵng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức khi lượng án tồn đọng, kéo dài ngày càng lớn do từ nhiều năm không hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi số vụ thụ lý mới đều tăng cao (tăng 16% về số việc; số tiền phải thi hành án tăng 136% so với năm 2023).

Đà Nẵng nhận ủy thác thi hành án nhiều vụ hình sự về tham nhũng, kinh tế do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với số tiền lớn, trên 9.200 tỷ đồng.

"Áp lực công việc rất lớn, một chấp hành viên phải thi hành gần 500 việc. Nhiều tài sản là đất đai trên địa bàn có vướng mắc pháp lý khá phức tạp do lịch sử quản lý đất đai, xây dựng trước đây", ông Tùng nêu thực tế.

Trước áp lực đó, theo ông Tùng, tập thể Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng đã quyết tâm chuyển mình, tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề trọng tâm; thay đổi phương thức quản lý, lề lối làm việc...

Nhờ đó, ông Tùng nói thi hành án dân sự Đà Nẵng đã thi hành xong gần 86% số việc (vượt 2,54%); trong tổng số tiền phải giải quyết trên 22.500 tỷ đồng đã thi hành xong 47,44% (vượt 1%) so với chỉ tiêu được giao.

Số án có điều kiện thi hành kéo dài trên một năm được kéo giảm một nửa, từ 1.700 việc xuống còn hơn 700 việc.

"Một số tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế lớn được xử lý dứt điểm như các nhà đất tại số 49-51 Nguyễn Thái Học, 31 Phạm Hồng Thái trong vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm" - PV). Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Địa bàn Đà Nẵng không có cán bộ vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc khởi tố hình sự", Cục trưởng Nguyễn Xuân Tùng báo tin vui tại hội nghị.

Áp lực rất lớn, một chấp hành viên phải thi hành gần 500 việc - 2

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh (giữa), Thứ trưởng Mai Lương Khôi (trái ảnh) và Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái (bên phải ảnh) chủ trì hội nghị sáng 2/12 (Ảnh: Thu Nga).

Ông Tùng nhận định 2025 là năm có nhiều thách thức trong công tác tổ chức thi hành án, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải chủ động, nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa.

Khẳng định nghiêm túc tiếp thu và thực hiện các quán triệt, chỉ đạo của Trung ương, Tổng Bí thư về chủ trương tinh gọn bộ máy nói chung, đối với hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự nói riêng, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Đà Nẵng đánh giá đây là một vấn đề hệ trọng của toàn hệ thống.

"Quan điểm của Cục là muốn gọn bộ máy, giảm nhân sự thì mấu chốt  phải giảm khối lượng ngày càng lớn hiện nay", ông Tùng nêu quan điểm.

Cụ thể hơn, ông cho rằng phải kiên quyết thực hiện xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự, phân luồng cho cơ chế xã hội hóa xử lý một phần công việc như Bộ Tư pháp đã thực hiện đối với lĩnh vực công chứng, đấu giá.

Nếu có thể, theo ông, có thể đưa nội dung xã hội hóa vào trong Luật Thi hành án dân sự đang được sửa đổi.

"Kiên quyết xóa bỏ tư duy bao cấp, ôm đồm trong hoạt động thi hành án dân sự, tinh gọn, đẩy nhanh chuyển đổi số, các thủ tục thi hành án, phân luồng các bản án, giá trị nhỏ cho cơ quan khác", ông Tùng nói.

Cục trưởng Nguyễn Xuân Tùng kiến nghị cần thận trọng, chắt lọc, kế thừa các nhân tố hợp lý của bộ máy hiện hành, đặc biệt đặc thù công tác thi hành án dân sự là một hoạt động mang tính chuyên môn pháp lý rất cao, rất phức tạp.

"Anh em thi hành án dân sự Đà Nẵng mong muốn tiếp tục được ở lại trong ngôi nhà của Bộ Tư pháp", ông Tùng nói.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động mô hình tổng cục thuộc Bộ

Ngày 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12.

Tại đây, mô hình tổng cục trực thuộc các Bộ được thông báo "sẽ nghiên cứu kết thúc hoạt động", trước hết là sắp xếp các đơn vị như Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục Thi hành án dân sự, Tổng cục Quản lý thị trường, chi nhánh ngân hàng nhà nước các tỉnh, thành phố.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm