Công bố thanh tra khai thác, kinh doanh đất hiếm, vonfram và quặng bô-xít
(Dân trí) - Cuộc thanh tra quản lý, khai thác, chế biến, kinh doanh đất hiếm, vonfram, quặng bô-xít được thực hiện theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Ngày 28/11, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra chuyên đề về quản lý khai thác, chế biến, kinh doanh đất hiếm, vonfram và quặng bô-xít.
Thanh tra Chính phủ cho biết thời kỳ thanh tra từ ngày 1/7/2011 đến ngày 30/6/2024, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.
Ông Vũ Quốc Công, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I) được giao làm Trưởng đoàn thanh tra.
Đoàn thanh tra gồm 12 thành viên là các thanh tra viên cao cấp, thanh tra viên chính thuộc Vụ I - Thanh tra Chính phủ và chuyên viên Phòng Kiểm soát hoạt động khoáng sản - Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Theo kế hoạch, đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra tại các tỉnh Thái Nguyên, Lai Châu, Đắk Nông và một số doanh nghiệp khai thác, chế biến, kinh doanh đất hiếm, vonfram và quặng bô-xít.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thái Nguyên, Lai Châu, Đắk Nông và các doanh nghiệp liên quan khẳng định sẽ thực hiện nghiêm quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh tra để cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho biết đây là cuộc thanh tra theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua thanh tra chỉ ra những ưu điểm, hạn chế cần khắc phục; đồng thời tham mưu giúp công tác quản lý và hoạt động kinh doanh, chế biến khoáng sản được tốt hơn.
Ông Bảy đề nghị đoàn thanh tra thực hiện nghiêm các quy định theo chức năng thẩm quyền, đúng kế hoạch đã được phê duyệt và làm việc công tâm, kết luận khách quan, chính xác.
Đặc biệt, ông Bảy yêu cầu hạn chế tối đa ảnh hưởng đến công việc thường xuyên của các đơn vị được thanh tra.
Với các đơn vị được thanh tra, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đề nghị cử cán bộ đầu mối phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh tra trong cung cấp hồ sơ, thông tin, tài liệu kịp thời.
"Các báo cáo gửi đoàn thanh tra phải chính xác, trung thực, đảm bảo đầy đủ nội dung. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần trao đổi luôn trong quá trình đoàn thực hiện thanh tra trực tiếp", ông Bảy nêu yêu cầu.
Thời hạn cuộc thanh tra trên là 60 ngày làm việc thực tế tại đơn vị, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.