Ấm lòng bên tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ
Nhiều năm trở lại đây, tháng Bảy đã trở thành tháng cao điểm với những hoạt động tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Bên các tượng đài, trong các nghĩa trang liệt sĩ, dịp này trở thành những điểm hẹn kết nối tâm linh, kết nối tình người.
Gặp lại tình quê nơi Đảo Yến
Tôi cùng cha và con trai lên chuyến xe đêm vào Vũng Chùa, Đảo Yến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày đẹp trời, biển xanh, cát trắng, những vách đá hùng vĩ ửng hồng trong ánh ban mai. Xúc cảm bồi hồi. Mỗi lần nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là giọng cha tôi như nghèn nghẹn, hốc mắt ầng ậng nước. Cha tôi (họa sĩ Lê Duy Ứng) là một thương binh hỏng hai mắt, ông có may mắn được gặp Đại tướng nhiều lần. Một trong những lần gặp ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với cha tôi thế này: “Chiều nào mình cũng nghe nhạc. Mình thích nhất là nhạc Bét-thô-ven. Ứng có biết Bét-thô-ven sáng tác những bản nhạc hay nhất trong giai đoạn nào không? Đó là khi nhạc sĩ điếc hai tai. Một nhạc sĩ cần nhất là âm thanh mà lại bị điếc cả hai tai, cũng như một họa sĩ cần đường nét, ánh sáng mà lại không nhìn thấy. Đồng chí hãy lấy tấm gương đó mà phấn đấu”. Câu nói ấy đã thay đổi cuộc đời cha tôi, tiếp cho ông nghị lực để trở thành một nhà điêu khắc khiếm thị có tiếng sau này. Hôm nay về thăm Vũng Chùa, viếng mộ Đại tướng, mắt cha tôi chỉ còn phân biệt được sáng-tối, nhưng dường như có sợi dây đồng cảm vô hình nào đó khiến cha tôi cảm nhận được phong cảnh, tình người.
Ba chúng tôi dắt díu nhau đi lên dốc. Giọng người miền Trung trầm ấm rộn ràng trong tiếng gió biển lao xao, chợt có người xăng xái đến xốc nách giúp cha tôi. Chỉ sau một câu chào hỏi thân mật, cha tôi đã òa lên sung sướng vì gặp lại người bạn học cũ là ông Lê Đình Ban, cũng ở xã Hiền Ninh. Người Hiền Ninh thường có một niềm tự hào hơi thái quá, đó là đi đâu cũng nhận “đồng hương huyện” với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nguyên do, xã Hiền Ninh từng có một thời thuộc huyện Lệ Ninh, sau này huyện Lệ Ninh lại tách ra thành hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Không hiểu người vùng khác cảm nhận thế nào, còn ở quê tôi, người ta cảm thấy rất tự hào khi nhận mình là đồng hương với Đại tướng. Chỉ nội điều đó thôi cũng đã thấy người quê kính yêu Đại tướng đến mức nào. Thế nên, ra đến Vũng Chùa, Đảo Yến của huyện Quảng Trạch này vừa đúng một trăm cây số, nhưng có rất nhiều người quê tôi tuần nào cũng ra viếng Đại tướng.
Qua câu chuyện với nhiều người, tôi cảm nhận được tình cảm của người dân quê tôi khi ra viếng mộ Đại tướng. Đó không chỉ là tình cảm tri ân, kính trọng, mà hơn thế đó là một mệnh lệnh xuất phát từ trái tim. Nên dù có mưa bão, gió rét, dù nắng cháy... họ vẫn ra để được gần với Đại tướng. Câu chuyện mà những người đi viếng mộ đem về quê đôi khi chỉ là một câu thông báo rằng có những ai đặc biệt đến viếng thăm. Người quê lắng nghe kỹ càng những thông tin đó như thể chính mình cũng có trách nhiệm chăm nom phần mộ của Người.
Quê tôi ở làng Cổ Hiền, mũi đất nơi hai con sông Kiến Giang và Long Đại hợp lại thành dòng Đại Giang đổ ra cửa biển Nhật Lệ, là vùng đất đã có lịch sử 517 năm tuổi. Trong làng có đình, có miếu, có mộ tổ tiên, có đài liệt sĩ, tượng đài người đi mở cõi, giờ có thêm mộ phần Đại tướng, một chốn linh thiêng mà dù có cách xa mấy vẫn như gần.
Nghĩa trang liệt sĩ - điểm hội tụ lòng tri ân
Trường hợp ở làng quê tôi không phải là cá biệt, mà gần như mỗi làng quê trên nước Việt Nam mình đều có những hành động tri ân thiết thực với người đã hy sinh cho Tổ quốc. Tôi gọi điện cho bác Hồ Tất Ái, Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và được bác cho biết: “Sáu mươi ba tỉnh trên đất nước ta đều có những người con thân thiết nằm lại chiến trường, được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn này. Hằng năm, gần như tất cả các tỉnh, thành phố đều có đoàn đến thăm viếng, đóng góp sức người, sức của tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ. Tôi cùng anh em trong ban quản lý rất xúc động trước tình cảm này. Ngoài ra, còn phải kể đến rất nhiều trường học, cơ quan, ban, ngành ở Quảng Trị đã thường xuyên trợ giúp, tham gia chăm nom nghĩa trang cùng với chúng tôi bằng những việc làm như: Vệ sinh, quét dọn nghĩa trang, lau bia mộ, trồng cây xanh, dâng hương, hoa. Chúng tôi cảm thấy Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn như một điểm hội tụ của những tấm lòng tri ân, những nghĩa cử cao đẹp”. Được biết, ngày 25-7 tới đây, Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Trị lại tổ chức một đợt hành động cao điểm tri ân các liệt sĩ. Tôi hình dung tới hàng ngàn, hàng vạn những ngọn nến, nén nhang sẽ được thắp trên những ngôi mộ liệt sĩ, ánh sáng hắt vào đêm sâu, vào ánh mắt rưng rưng dòng lệ biết ơn của bao người. Ai đã từng hòa mình trong khung cảnh đó hẳn sẽ còn lưu giữ những tình cảm khôn nguôi.
Tôi đã đọc được thông tin ở nhiều nơi trên đất nước mình, từ Tuyên Quang, Cao Bằng cho tới Trà Vinh, Vĩnh Long, Sông Bé, ở mỗi làng, mỗi huyện đều đang có biết bao hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, thành kính tri ân. Từ một huyện nhỏ như huyện Càng Long ở tỉnh Trà Vinh đang nở rộ phong trào “Đặt hoa lên mộ liệt sĩ”. Mỗi bình cắm hoa, mỗi nhành hoa đều được người dân thành kính dâng lên. Họ giữ hoa tươi mỗi ngày, để qua đó giáo dục đạo nghĩa tri ân, nhớ nguồn, nhớ truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc, của những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Những ngày tháng Bảy trôi qua chầm chậm, có lẽ bởi tình thương nhớ những người đã hy sinh vì Tổ quốc vẫn còn day dứt, đậm sâu trong lòng mọi người. Tháng Bảy tri ân đồng đội, tháng Bảy khôn nguôi nỗi nhớ. Từ thành phố “Hoa phượng đỏ” Hải Phòng, ông Trịnh Đức Thành, một cựu chiến binh (CCB) Thành cổ Quảng Trị năm xưa, lại chuẩn bị hành trang cho chuyến về chiến trường xưa thăm những đồng đội đã hy sinh. Mấy năm gần đây, những CCB trong Sư đoàn 325 của ông đã tổ chức nhiều chuyến về thăm chiến trường xưa và đồng đội. Điểm đến thường là những nơi đã diễn các trận đánh và cuối cùng là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Trong các chuyến đi ấy, nhiều CCB cũng được lời gửi gắm của thân nhân các liệt sĩ nhờ tìm phần mộ người thân và không ít lần các CCB cũng đã quy tập được mộ liệt sĩ về với gia đình. Có chuyện kể rằng, trong những chuyến đi như vậy thường có một sức hút tâm linh mạnh mẽ, các CCB thường bỏ trống nửa số ghế trên xe để hương hồn đồng đội mình có chỗ ngồi. Mỗi lần đến địa điểm tập kết, không ai bảo ai, mọi người xuống xe theo hàng lối rồi để cửa mở thật lâu mới đóng lại. Đoàn CCB lặng lẽ chia nhau những nén nhang thắp lên thật nhiều mộ. CCB Trịnh Đức Thành kể lại: “Lạ lắm, những lúc chúng tôi đi thắp nhang dường có bóng mây che đầu. Nắng Quảng Trị khủng khiếp là thế nhưng đi mấy chục vòng quanh nghĩa trang chẳng ai chảy giọt mồ hôi”. Năm nay, trong chuyến về thăm Thành cổ Quảng Trị, CCB Trịnh Đức Thành đã có thêm người con trai cả đi cùng.
Tình cảm biết ơn người đã ngã xuống vì Tổ quốc đã "thấm đều" qua từng thế hệ và sẽ nối dài mãi trong mỗi con người, mỗi gia đình, làng quê, góc phố Việt Nam.
Theo Lê Đông Hà
Quân đội Nhân dân