Âm ỉ tình trạng khai thác vàng trái phép ở Bình Định
(Dân trí) - Dù lực lượng chức năng truy quét, nhưng tại một số “điểm nóng” ở xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh) và xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định), tình trạng đào, đãi vàng trái phép còn tiếp diễn.
Truy quét “vàng tặc”
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Sơn (Bình Định), từ đầu tháng 7 đến nay, các cơ quan chức năng liên ngành huyện này thường xuyên tổ chức truy quét những đối tượng khai thác vàng trái phép, nhưng các đối tượng này vẫn lén lút hoạt động.
Tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn), hiện “điểm nóng” khai thác vàng trái phép tập trung chủ yếu tại khu vực Lỗ Sỗ (thôn Tiên Thuận) và khu vực Tiên Trị (thôn Hòa Thuận). Đây là những khu vực núi cao, hẻo lánh, ít người lui tới.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Sơn cho biết, đầu tháng 7 khi các lực lượng chức năng kiểm tra tại khu vực Lỗ Sỗ, phát hiện có 2 người đang đào đãi vàng, gồm: Trần Văn Mót (46 tuổi, ở thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận) và bà Trương Thị Gái (44 tuổi, ở thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang).
Tại hiện trường, có 7 hầm khai thác vàng, trong đó 6 hầm đã dừng hoạt động từ lâu, 1 hầm vừa dừng hoạt động, có 1 lán trại có người đang ở và 1 lán trại đang tháo dỡ cùng các máy móc, thiết bị phục vụ đào đãi vàng.
Còn tại khu vực Tiên Trị, khi phát hiện lực lượng chức năng, những người đào vàng bỏ trốn vào rừng sâu, để lại hiện trường 4 hầm khai thác vàng, 7 lán trại đang ở, 3 máy nổ, 2 cối xay đá, hệ thống đường ống nhựa dẫn nước, đường dây điện phục vụ hoạt động khai thác vàng trái phép.
“Mới ngày 21/8 vừa qua, Tổ liên ngành tiếp tục quay lại 2 điểm khai thác vàng trên thì phát hiện hoạt động khai thác vàng trái phép tiếp tục tái diễn. Đáng nói, hoạt động của các đối tượng lần này chuyên nghiệp, quy mô lớn hơn khi lượng máy móc, thiết bị kèm với đó là lượng dầu tập kết tương đối lớn”, ông Hùng, chia sẻ.
Quyết liệt xử lý
Ông Hùng cũng chia sẻ, thực tế việc truy quét các đối tượng đào vàng gặp nhiều trở ngại, do khu vực khai thác vàng có địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn. Khi thấy lực lượng chức năng thì các đối tượng khai thác vàng di tản đến nơi khác để lẩn trốn, đợi khi tổ công tác rút về lại di chuyển máy móc, vật dụng, huy động người hoạt động trở lại. Chính vì vậy, cuối tháng 8 vừa qua, Tổ liên ngành của huyện đã ra quân phá hủy máy móc, thiết bị và san lấp các hầm vàng trái phép tại xã Tây Thuận.
“Các khu vực có các hầm vàng trái phép sau này sẽ được UBND huyện giao lại cho địa phương quản lý. Chúng tôi tiếp tục đôn đốc, phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, không để tái diễn vi phạm tại khu vực này. Trước mắt, những người đã xác định được tên tuổi, địa chỉ chúng tôi sẽ mời lên làm việc và buộc ký cam kết không được tái vi phạm. Trường hợp các đối tượng cố tình vi phạm thì có chế tài xử lý nghiêm minh theo pháp luật”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, tại xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Thạnh), hiện đang có 4 điểm khai thác vàng trái phép, tập trung chủ yếu tại Bãi Dết, Bờ Rũ, Hố Sâu (thuộc tiểu khu 236, thôn M9) với tổng cộng 12 hầm khai thác vàng.
Ông Nguyễn Văn Việt, cán bộ Địa chính - Xây dựng - Nông nghiệp - Môi trường xã Vĩnh Hòa, cho biết đây là khu vực giáp ranh, các hầm vàng thì thuộc xã Vĩnh Hòa, còn lán trại cất bên huyện Tây Sơn. Trước đây, các đối tượng làm thủ công, sau đó có một dự án thăm dò và đã mở đường lên khu vực này nên các đối tượng vận chuyển máy móc lên làm rầm rộ.
Có những hầm vàng được đào sâu 20 -30m, rộng gần 2m. Do khu vực giáp ranh nên cứ thấy động thì các đối tượng chạy qua phía huyện Tây Sơn làm. Hầu hết chủ mỏ là người dân ngoài địa phương, thuê nhân công đến khai thác vàng trái phép.
“Xã đã lập báo cáo và đang chờ huyện cho chủ trương xử lý. Ðể xử lý rốt ráo vấn đề trên, tôi nghĩ phương án tối ưu nhất là đánh sập hoặc san lấp các hầm vàng. Đồng thời, xử lý kiên quyết các đối tượng “đầu nậu” và người trực tiếp đào, đãi vàng trái phép. Song, biện pháp này nằm ngoài khả năng của địa phương nên cần sự cho phép, hỗ trợ của huyện lẫn tỉnh”.