DNews

Ám ảnh kẹt xe trên 2 cầu sắt lâu đời ở cửa ngõ khu nam TPHCM

An Huy

(Dân trí) - "Cầu rộng 4m, 2 ô tô không thể qua lại cùng lúc ngược chiều nhau. Việc 2 xe lên cầu rồi một chiếc phải lùi, tôi chứng kiến mỗi ngày", bà Viễn kể một trong những nguyên nhân gây ùn tắc cầu Rạch Tôm.

Ám ảnh kẹt xe trên 2 cầu sắt lâu đời ở cửa ngõ khu nam TPHCM

Sáng đầu tháng 12, ông Hà Văn Châu (SN 1985), chủ tiệm sửa xe máy ở xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc (Long An), chuẩn bị lên chợ Tân Thành, quận 5 (TPHCM), mua phụ tùng.

Ông Châu phải đi trên trục đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), nơi còn 2 cây cầu sắt cũ kĩ Rạch Tôm và Rạch Dơi, xây dựng trước năm 1975. Hai cây cầu này thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm sáng, chiều.

Mong chờ cầu mới

Lúc 6h15, vừa dắt xe ra khỏi nhà, ông Châu bắt gặp cảnh hàng nghìn xe máy nối đuôi hơn 500m trên đường DT836C, nhích từng chút về cầu Rạch Dơi, nối huyện Cần Giuộc, Long An - huyện Nhà Bè, TPHCM.

Người dân đi làm, đi chợ, chở con đến trường… khiến đường dẫn về cầu Rạch Dơi kẹt cứng. Trong khi đó, cầu sắt chỉ rộng 4m, tạo thành nút thắt cổ chai, các xe phải chen lấn nhích từng chút.

Khi lái xe trên cây cầu có tuổi nhiều hơn mình, ông Châu cảm nhận rõ độ rung lắc của những thanh sắt dưới bánh xe máy. Hơn 10 phút, ông mới đưa xe qua khỏi khu vực và chạy hướng về trung tâm huyện Nhà Bè.

Ám ảnh kẹt xe trên 2 cầu sắt lâu đời ở cửa ngõ khu nam TPHCM - 1
Ám ảnh kẹt xe trên 2 cầu sắt lâu đời ở cửa ngõ khu nam TPHCM - 2

Ông Hà Văn Châu chia sẻ câu chuyện đi mua hàng và khoảnh khắc ùn tắc giao thông tại cầu Rạch Tôm, huyện Nhà Bè (Ảnh: An Huy).

Đi được 2km, chủ tiệm sửa xe tiếp tục đối mặt hàng nghìn xe máy xếp hàng dài trên đường Lê Văn Lương, chờ lần lượt qua cầu Rạch Tôm, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè.

Tương tự cầu Rạch Dơi, cầu sắt Rạch Tôm dài khoảng 100m, rộng 4m. Hai đầu cầu có độ dốc lớn, mọi người phải rà thắng xe để tránh va quẹt. Bên cạnh xe máy, nhiều người cũng đi bộ khiến giao thông qua cầu sắt thêm áp lực.

Chen lấn gần 20 phút, ông Châu cuối cùng cũng thoát khỏi khu vực cầu Rạch Tôm, tiếp tục hành trình đi quận 5 mua hàng. "Mấy hôm nay trời se lạnh, mọi người đi đường dù chịu cảnh ùn tắc nhưng cũng dễ chịu", ông Châu nói.

Theo chủ tiệm sửa xe, đây là con đường đi mua hàng thường ngày của ông. Lần nào đi vào giờ cao điểm, ông cũng chịu trận kẹt xe ở hai cầu sắt này. Trước đây, đường Lê Văn Lương có đến 4 cầu sắt là Rạch Dơi, Rạch Tôm, Long Kiểng, Rạch Đĩa. Mỗi lần qua khỏi tuyến đường dài hơn 10km này, ông phải mất hơn 1 giờ.

Từ khi cơ quan chức năng đưa cầu mới Long Kiểng và Rạch Đĩa vào hoạt động, ông qua khỏi tuyến đường này chỉ tầm 45 phút. "Hai điểm ùn tắc tại cầu Long Kiểng và Rạch Đĩa đã được giải quyết. Tôi và người dân rất mong chờ Nhà nước sớm xây 2 cây cầu còn lại là Rạch Tôm và Rạch Dơi", ông Châu chia sẻ.

Kẹt xe như "cơm bữa"

Bà Phan Thị Viễn (SN 1969, ngụ huyện Nhà Bè), chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Lê Văn Lương, cho biết, từ nhỏ bà đã thấy có cây cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi. Ngày xưa mỗi lần đến trường, bà phải đi bộ qua cầu Rạch Tôm được làm bằng khung sắt lót ván gỗ.

Sau này, người và phương tiện tăng lên, cơ quan chức năng đã thay ván gỗ bằng những vỉ sắt để đảm bảo an toàn và tồn tại đến ngày nay. Tình trạng kẹt xe ở khu vực cũng nghiêm trọng khoảng 4 năm trở lại đây.

"Giờ cao điểm sáng 6h-8h, thường xuyên xảy ra kẹt xe hơn 1km ở đầu cầu Rạch Tôm hướng về Nguyễn Văn Linh. Buổi chiều kẹt xe hướng ngược lại. Những hộ kinh doanh đồ gia dụng ở gần cầu như tôi, phải chịu cảnh ế ẩm", bà Viễn nói.

Ám ảnh kẹt xe trên 2 cầu sắt lâu đời ở cửa ngõ khu nam TPHCM - 3

Bà Phan Thị Viễn, chủ cửa hàng gần cầu Rạch Tôm chia sẻ câu chuyện kẹt xe tại khu vực (Ảnh: An Huy).

Theo người phụ nữ, cơ quan chức năng đã lắp biển báo cấm ô tô và xe 3 bánh qua cầu trong thời gian 6h-8h và 16h-18h để hạn chế kẹt xe. Tuy nhiên, khung giờ trên thỉnh thoảng vẫn còn tình trạng ô tô chạy qua cầu gây ùn tắc.

Hai đầu cầu được lực lượng chức năng lắp đèn tín hiệu giao thông để ô tô lần lượt qua cầu. Thế nhưng, bà Viễn thường xuyên chứng kiến hai ô tô cùng lúc qua cầu ngược chiều nhau. Có hôm hai tài xế cự cãi, không ai chịu nhường đường.

Đến khi ùn tắc và người đi đường phản ứng, một trong hai tài xế mới chấp nhận lùi xe lại phía đầu cầu để ô tô đối phương đi qua. "Mặt cầu rộng 4m, hai ô tô không thể qua lại cùng lúc ngược chiều nhau. Tình trạng 2 xe lên cầu rồi một chiếc phải lùi lại, tôi chứng kiến mỗi ngày", bà Viễn nói.

Chủ cửa hàng tạp hóa cho biết, những hộ dân như bà ở hai đầu cầu Rạch Tôm đến nay đã nhận được mức bồi thường giải phóng mặt bằng để xây cầu mới. Nhà bà bị giải tỏa sâu vào 2m, còn phía đối diện bị giải tỏa sâu vào 19m. "Tôi nhận bồi thường hơn 700 triệu đồng, khi nào làm cầu là tôi dọn tài sản, bàn giao mặt bằng. Tôi và người dân ở đây nôn nao xây cầu mới lắm, vì khu vực ùn tắc thường xuyên, không buôn bán gì được", bà Viễn chia sẻ.

5 cầu sắt sắp "nghỉ hưu"

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, từ lúc đưa cầu Long Kiểng (9/2023) và cầu Rạch Đĩa (11/2024) vào hoạt động, người dân cho biết hai khu vực này không còn xảy ra ùn tắc giao thông.

Trong 2 ngày (27-28/11) quan sát tại khu vực cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi, phóng viên ghi nhận nhiều trường hợp 2 ô tô qua cầu ngược chiều nhau cùng lúc khiến giao thông ùn tắc cục bộ. Thậm chí, một số tài xế lái ô tô, xe ba gác qua cầu vào giờ cao điểm khiến giao thông gián đoạn. Nhiều điểm trên hai cây cầu này bị rỉ sắt. Mỗi lượt ô tô chạy qua khiến cầu rung lắc, tạo âm thanh lớn bởi các thanh sắt va vào nhau.

Ngoài hai cây cầu sắt trên trục Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), nhiều khu vực khác tại TPHCM vẫn còn cầu sắt cũ như: Hiệp Ân 2, bắc qua rạch Ụ Cây; cầu Rạch Cát, Kênh Ngang, bắc qua kênh Lò Gốm; cầu Phú Định bắc qua rạch Ruột Ngựa (quận 8). Các cây cầu này tồn tại hàng chục năm, tuy nhiên nằm trên các đường nhỏ, ít khi xảy ra ùn tắc giao thông.

Ám ảnh kẹt xe trên 2 cầu sắt lâu đời ở cửa ngõ khu nam TPHCM - 4

Cầu Rạch Dơi đã được TPHCM lên kế hoạch đầu tư xây dựng mới, dự kiến hoàn thành năm 2028 (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Theo Sở GTVT TPHCM, đến nay đơn vị này đã đề xuất UBND TPHCM đưa vào kế hoạch ưu tiên đầu tư xây mới 5 cây cầu trên địa bàn quận 8 và huyện Nhà Bè trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Cụ thể, cầu Rạch Tôm trên đường Lê Văn Lương có tổng mức đầu tư gần 497 tỷ đồng. Tổng chiều dài dự án hơn 683m, trong đó cầu dài 171m, rộng 15m và đường dẫn dài hơn 512m, rộng 29m. Cầu dự kiến thi công và hoàn thành cuối năm 2026.

Dự án cầu Rạch Dơi (nối Long An và TPHCM) dài khoảng 452m, rộng 15m. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 781 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 265 tỷ đồng. Riêng đoạn đầu cầu qua tỉnh Long An khoảng 85 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng gần 40 tỷ đồng) sẽ do địa phương này thực hiện.

Sở GTVT TPHCM đề xuất xây dựng cầu Phú Xuân 2B nối từ đường 15B (huyện Nhà Bè), bắc qua Rạch Đĩa sang đường 15B (quận 7). Cầu Phú Xuân 2B dài khoảng 660m, rộng 30m, tổng mức đầu tư khoảng 754 tỷ đồng bằng vốn ngân sách TPHCM.

Trên địa bàn quận 8, Sở GTVT TPHCM cũng đề xuất xây cầu Rạch Cát trên đường Lưu Hữu Phước, bắc qua kênh Lò Gốm với kinh phí 1.165 tỷ đồng. Cầu dài 261m, rộng 14m và đường dẫn dài 797m, rộng 20-28m, triển khai giai đoạn 2024-2028.

Dự án cầu Kênh Ngang số 3dài 400m, rộng 10,5m trên đường Lương Hữu Phước. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 350 tỷ đồng. Nhu cầu vốn giai đoạn 2024 - 2025 thực hiện hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 80 tỷ đồng.

Ám ảnh kẹt xe trên 2 cầu sắt lâu đời ở cửa ngõ khu nam TPHCM - 5

Một ô tô bất chấp biển báo cấm, chạy xe qua cầu Rạch Tôm vào giờ cao điểm gây ùn tắc (Ảnh: An Huy).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết, nên nhìn nhận những cây cầu sắt cũ trên địa bàn TPHCM ở góc độ kỹ thuật và an toàn giao thông, chứ không phải giữ làm di tích lịch sử.

"Trước đây, cầu Bến Lức (Long An), cầu Nguyễn Văn Trỗi (quận 3)… cũng gắn liền sự kiện lịch sử, không phải vì thế mà ta giữ lại cầu cũ. Khi xây dựng mới, ta chỉ cần dựng một bia đá để ghi lại những sự kiện này là được", ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, đối với các cây cầu sắt cũ, thành phố nên đầu tư kinh phí để xây mới cho đồng bộ giao thông hiện đại ngày nay. Người dân cũng cần cầu đủ rộng, chịu trọng tải lớn để lái xe chở hàng, phát triển kinh tế. Cầu phải qua sông, mà dưới sông hoặc kênh, rạch cần có không gian để phương tiện đường thủy qua lại. "Cầu mới hiện đại sẽ ngăn rủi ro sập cầu khi xe tải trọng lớn đi qua", TS Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ.

Ám ảnh kẹt xe trên 2 cầu sắt lâu đời ở cửa ngõ khu nam TPHCM - 6

Vị trí 4 cây cầu Rạch Đĩa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi trên trục đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè (Đồ họa: An Huy).