1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

9 người chết, 5 bị thương, 2 mất tích

(Dân trí) - Đó là con số thống kê thiệt hại về người, tính đến sáng nay, 14/11, ở vùng “rốn lũ” Quảng Nam. Hiện vẫn còn hàng chục nghìn dân kiệt quệ trong nước lũ. Lũ lớn đang đẩy người dân vào chốn đường cùng: đói, rét, bệnh tật, không nhà…

Sáng nay, sông Vu Gia tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, và các vùng hạ lưu sông Thu Bồn, mực nước đã rút nhưng vẫn xấp xỉ mức báo động 3. Theo thống kê của Ban PCBL & TKCN tỉnh Quảng Nam, tính đến 7h sáng nay, toàn tỉnh có 9 người chết, 2 người mất tích và 5 người bị thương.

 

Trong ba ngày lũ lịch sử liên tiếp vừa qua, nước đã nhấn chìm hơn 50 ngàn hộ dân, hơn 18 ngàn hộ dân với hơn 80 ngàn người phải đi sơ tán tránh lũ. Toàn bộ các lực lượng chức năng của tỉnh đã gắng hết sức hạn chế những thiệt hại nặng nề không thể tránh khỏi trong cơn lũ dữ.

 

Đói, rét và bệnh tật

 

Tại huyện Đại Lộc chiều qua, lực lượng không quân đã rải hàng cứu trợ khẩn cấp cho người dân các xã bị lũ lớn cô lập hoàn toàn trong mấy ngày qua. Hiện máy bay là phương tiện duy nhất có thể tiếp cận với người dân vùng lũ đã chịu đói, chịu rét trong biển nước mênh mông, không thấy đâu là nhà. Người dân phải kéo nhau lên núi tránh lũ và chực chờ cấp cứu.

 

Tại huyện Tiên Phước, lũ lụt đã nhấn chìm hàng trăm nhà dân. Lũ rút, cầu sông Tiên bị lũ cuốn trôi hai dầm cầu chữ I, cầu sông Đông của huyện cũng bị xói lở hàng trăm mét. Đã có 3 nhà dân bị núi lở vùi lấp.

 

“Khuya 11/11, nghe tiếng đổ ầm sau nhà. Chạy ra nhà sau thì tường đã sập. Cả nhà chạy thoát nhưng sáng chạy về thì nhà cửa, lúa gạo, khoai mì đã bị vùi trong đất đá”, anh Nguyễn Văn Tâm, một trong những chủ nhân của 3 ngôi nhà bị núi đè, kể lại.

 

Vùng đông huyện Thăng Bình, những Bình Sa, Bình Hải, Bình đào, Bình Minh…, đâu đâu dân cũng khốn cùng vì hàng trăm hecta lúa và hàng trăm hecta hoa màu, tài sản mồ hôi nước mắt của người nông dân thiệt hại nặng nề trong cơn lũ dữ.

 

Trong cảnh ngập lụt, không nhà cửa, lương thực thiếu thốn, người dân lại nguy cơ đối mặt với dịch bệnh hoành hành.

 

Bằng mọi giá tiếp cận dân và khắc phục hậu quả lũ lụt

 

Lao đao nhất là các xã Quế Trung, Quế Phước, Quế Ninh, Quế Phú, Quế Lâm…, các xã vùng tây Quế Sơn. Mãi đến trưa hôm qua, sau hai ngày nỗ lực cứu dân, các lực lượng cứu hộ, cứu trợ của tỉnh mới lên được với dân khi nước lũ vẫn còn mênh mông chảy xiết. Những gói mì tôm, những thùng nước sạch lúc này với người dân đã chịu đói, chịu rét trong mưa lạnh, phải tránh lũ trên núi cao trong những ngày qua, thật quý hơn vàng.

 

Ông Hà Phước Trinh, Bí thư Huyện ủy Quế Sơn cho biết, huyện đã huy động 25 tấn gạo cứu trợ khẩn cấp và sẽ cố gắng tiếp cận, đưa gạo, mì lên cứu dân.

 

Thị xã Hội An, vùng “rốn lũ” hạ lưu sông Thu Bồn, nơi nước ngập sâu nhất, thuyền cứu trợ cũng đã đến nơi. Dân đứng trên nóc nhà phất cờ kêu cứu. Anh Hồ Văn Năm, người dân Ngọc Thành than: “Nhà có gạo trữ nhưng không có nước sạch, không có dầu lửa dự trữ. Mì tôm thì đã ăn gần hết trong mấy đận lụt suốt cả tháng trời ni”.

 

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thị uỷ thị xã Hội An cho biết, trong những ngày qua, anh em lực lượng cứu hộ cứu trợ phải ra lên vùng cao và vùng lũ liên tục để cứu hộ và tiếp tế cho dân. Sáng nay, một số tuyến đường trong khu phố cổ đã rút nước, nhưng vấn đề thị xã đang phải đối mặt là môi trường phố cổ sau lũ.

 

Dân quân đều huy động tối đa lực lượng để dọn dẹp vệ sinh môi trường giữ cho môi trường đô thị du lịch trong lành. Thêm vào đó một nỗi lo cho phố cổ Hội An là những ngôi nhà cổ đang xuống cấp trầm trọng, cần phải được gấp rút tu bổ sau ba lần bốn lượt oằn mình gắng gượng trong lũ. Rất may, thị xã Hội An không có thiệt hại về người.

 

Cũng từ chiều qua, tuyến quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh Quảng Nam đã thông đường. Hàng ngàn khách vãng lai thở dài trút những ngày giờ nặng nhọc trôi qua trong đợi chờ. Thức trắng với cùng những người hành khách không may mắn đó là lực lượng CSGT tỉnh, được huy động để bảo đảm an toàn giao thông và an ninh cho người dân.

 

Anh Trần Đình Hào đi trên xe khách Bắc Nam từ Quảng Bình về Bình Định, bị ách lại ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, cảm động: “Những ngày qua chúng tôi thực sự quá mệt mỏi, lo âu, nhưng xin cám ơn các ngành chức năng của tỉnh đã không quên chúng tôi với mì tôm, cá hộp cứu trợ kịp thời”.

 

Đà Nẵng: Huy động hàng trăm chiến sĩ giúp dân tổng vệ sinh

 

Đến trưa 14/11, thì hầu hết các tổ trên địa bàn phường Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng nước mới bắt đầu rút dần, để lại hàng trăm mét khối đất bùn đỏ ngàu, hàng tấn rác thải trên các tuyến đường, trường, trạm... bốc mùi hôi thối rất khó chịu.

 

Cùng với người dân, hơn 150 bộ đội vùng Hải quân 3 và 50 chiến sĩ Không quân trực tiếp xuống các trường học, trạm y tế, các cơ quan của phường xã thu dọn tổng vệ sinh một cách khẩn trương để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Thuốc men phòng dịch cũng đã được cấp phát tận tay người dân. (Phan Quân).

 

Khánh Hiền