8 con hổ bị chết sau "giải cứu" ở Nghệ An dự kiến được chuyển ra Hà Nội
(Dân trí) - Theo đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), dự kiến 8 con hổ bị chết sau "giải cứu" ở Nghệ An sẽ chuyển giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Cầu Giấy, Hà Nội).
Nỗ lực giải cứu chưa được ghi nhận đúng đắn
ENV cho biết, trong nhiều năm qua, 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu của tỉnh Nghệ An nổi tiếng là những điểm nóng nhất ở Việt Nam về nuôi nhốt và buôn bán hổ trái phép.
Chiến công giải cứu, triệt phá điểm nuôi nhốt với số lượng hổ lớn vừa qua của lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An là bằng chứng cho một bước đột phá lớn trong những nỗ lực nhằm loại bỏ tình trạng nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép đã và đang diễn ra rất phức tạp tại tỉnh này.
Theo ENV, điều đáng tiếc là những nỗ lực và những thành công lớn của lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An dường như chưa được ghi nhận một cách đúng đắn trong vụ việc này và đang bị "lu mờ" do một số dư luận tiêu cực xung quanh cái chết của 8 cá thể hổ xảy ra trong quá trình tịch thu.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: "Chúng ta cần phải nhìn nhận toàn bộ vấn đề chứ không chỉ dừng lại ở câu chuyện hổ chết. Ở đây, việc phát hiện những cá thể hổ và các đối tượng chuyên nuôi nhốt, buôn bán hổ là một bước tiến lớn của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An trong nỗ lực triệt phá các đường dây nuôi nhốt và buôn bán hổ lớn trên địa bàn tỉnh. Nếu không có các vụ bắt giữ như vậy thì không những toàn bộ những cá thể hổ này bị giết mà đã và sẽ còn có hàng trăm cá thể hổ khác tiếp tục bị các đối tượng nuôi nhốt rồi giết hại để thu lợi bất chính".
Đồng quan điểm với bà Hà, Tiến sỹ Benjamin Rawson, Giám đốc Bảo tồn và Phát triển Chương trình của WWF - Việt Nam cho biết, WWF - Việt Nam chúc mừng Công An tỉnh Nghệ An đã bắt giữ số lượng hổ nuôi nhốt và vận chuyển bất hợp pháp lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Các vụ bắt giữ này là hành động rất tích cực của lực lượng chức năng.
Theo Tiến sĩ Benjamin Rawson, qua các vụ bắt giữ nói trên cho thấy, vấn đề nuôi nhốt hổ bất hợp pháp vẫn tồn tại lâu nay để cung cấp các sản phẩm từ hổ cho thị trường bất hơp pháp. Do đó cần thiết phải chấm dứt các cơ sở nuôi sinh sản hổ trên toàn quốc, đặc biệt là ở Nghệ An.
"Chúng tôi khuyến khích các lực lượng chức năng tiếp tục phát huy các thành tựu đã đạt được và những kẻ phạm tội sẽ bị truy tố ở mức hình phạt cao nhất của khung pháp luật hiện hành", Tiến sĩ Benjamin Rawson nói.
Hổ giải cứu không thể thả về tự nhiên
Theo ENV, những cá thể hổ còn sống, đặc biệt là những cá thể đã bị nuôi nhốt lâu ngày cũng không có giá trị bảo tồn và không thể tái thả về tự nhiên. Vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu ở đây là các đối tượng liên quan đến những vụ bắt giữ này không thể tiếp tục làm giàu bằng hoạt động nuôi nhốt, giết mổ và buôn bán hổ bất hợp pháp. Các vụ bắt giữ lớn này đi cùng với những bản án nghiêm khắc cho các đối tượng vi phạm sẽ là một đòn răn đe với các đối tượng buôn bán hổ khác đang hoạt động trên các địa bàn này nhiều năm nay.
Theo Tiến sỹ Benjamin Rawson, WWF cho rằng các trang trại nuôi nhốt hổ này không những không có giá trị về bảo tồn mà còn làm hủy hoại những nỗ lực bảo tồn và thực thi pháp luật. Những cá thể hổ bị nuôi nhốt này không thể tái thả lại tự nhiên nơi loài hổ một thời đã hiện diện. Đã đến lúc Việt Nam cần tập trung đóng cửa các trại nuôi hổ bất hợp pháp và chấm dứt các cơ sở nuôi nhốt hổ không hỗ trợ gì cho mục đích bảo tồn loài hổ.
"Để đảm bảo rằng các cá thể hổ sống bị bắt không bị tuồn trở lại chợ đen, chúng cần được cấy chip điện tử, lấy mẫu AND, chụp ảnh các sọc vằn nhận diện từng cá thể và xây dựng một cơ sở dữ liệu nhận dạng hổ. WWF sẵn sàng đồng hành cùng chính phủ trong tiến trình này", Tiến sỹ Benjamin Rawson nêu quan điểm.
Trong những ngày vừa qua, Công an tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục nỗ lực kết nối các cơ quan, đơn vị cần thiết để thực hiện việc chuyển giao số tang vật hổ tịch thu được. Theo đó, ENV được biết, toàn bộ 8 cá thể hổ chết hiện đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để sớm được chuyển giao tới Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Trong khi đó, 9 cá thể còn lại sẽ được chuyển đến Vườn thú Hà Nội hoặc các vườn thú, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã hợp pháp khác.
Cũng liên quan đến việc xử lý 8 cá thể hổ bị chết nói trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS. Phan Kế Long, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nói: "Giữa tuần trước, chúng tôi đã làm công văn đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An chuyển 8 cá thể hổ bị chết về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Việc này sẽ do Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An quyết định".