1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

6 năm chờ đợi, vợ chồng người Na Uy xúc động ôm bé trai người Việt vào lòng

Hoàng Lê

(Dân trí) - "Tôi đã đi nửa vòng trái đất, chờ đợi suốt 6 năm trời chỉ để nhận con nuôi Việt Nam" - cặp vợ chồng ở Na Uy vỡ òa cảm xúc khi ôm bé trai vào lòng và thốt lên hai tiếng con yêu!

Ngày 23/10, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ ngành và UBND 22 tỉnh, thành phố có trẻ em được giải quyết làm con nuôi nước ngoài, các cơ quan đại diện của 8 nước châu Âu đã tổ chức Lễ giao nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi cho hàng chục gia đình các nước châu Âu.

Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, buổi lễ diễn ra chậm so với dự kiến nhiều tháng. Đây là đợt giao nhận con nuôi thứ hai, có quy mô gấp 3 lần đợt trước, với 92 trẻ từ 23 địa phương. Trong đó, TPHCM có 31 trẻ.

6 năm chờ đợi, vợ chồng người Na Uy xúc động ôm bé trai người Việt vào lòng - 1

Ông Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp trao Quyết định nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cho các cặp vợ chồng (Ảnh: Hoàng Lê).

Chờ đợi suốt 6 năm trời chỉ để nhận con nuôi Việt Nam

91 gia đình cha mẹ nuôi từ các nước như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Điển… là ngần ấy câu chuyện xúc động về hành trình tìm con. Trong số này, không thể không nhắc đến vợ chồng anh Antonio (40 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hoài Thu, Việt kiều sinh sống tại Na Uy gần 40 năm.

Ôm bé N. trong tay, anh Antonio chia sẻ, từ khi một tuổi anh đã ở trời Tây. Lập gia đình suốt 14 năm trời, hai vợ chồng anh không thể có con. Kết quả thăm khám từ bác sĩ cũng xác định họ vô sinh.

Ba mẹ là người gốc Biên Hòa (Đồng Nai), lớn lên lại lấy vợ Việt, bản thân anh Antonio rất mong muốn có thể giữ gìn cội nguồn. Do đó mà từ 6 năm về trước khi nhen nhóm ý định xin con nuôi, trong đầu anh chỉ nghĩ đến chuyện xin em bé từ Việt Nam.

6 năm chờ đợi, vợ chồng người Na Uy xúc động ôm bé trai người Việt vào lòng - 2

Anh Antonio (bìa phải) rạng rỡ trong ngày đầu tiên làm cha (Ảnh: Hoàng Lê)

Vậy là họ liên hệ với Adopsjons Forum, mạng lưới duy nhất ở Na Uy có liên kết nhận con nuôi người Việt.

Khi mới bắt đầu, anh Antonio cứ nghĩ rất nhanh. Nhưng rồi thời gian bổ sung giấy tờ, thủ tục, đơn xin nhận con nuôi, theo các khóa học nuôi dạy con, phỏng vấn... đã biến thời gian chờ đợi tính bằng năm. 

"Tôi biết có người chờ đến 10 năm mới có con. Nên tôi phải kiên trì và không thể nào bỏ cuộc" - Antonio tâm sự.

6 năm chờ đợi, vợ chồng người Na Uy xúc động ôm bé trai người Việt vào lòng - 3

Hành trình 6 năm tìm con Việt của hai vợ chồng ở Na Uy đã thu về quả ngọt (Ảnh: Hoàng Lê).

Khoảng một năm rưỡi trước, quả ngọt tưởng đã xuất hiện khi vợ chồng người Na Uy gốc Việt được giới thiệu một trường hợp đang sống tại mái ấm ở Bình Dương. Đó là N., bé trai 4 tuổi không còn người thân từ lúc mới lọt lòng trong bệnh viện.

Trong tâm trạng phấn khởi nên vợ chồng anh Antonio có hơi hụt hẫng, vì đại dịch Covid-19 biến chuyển theo chiều hướng phức tạp, khiến mọi hoạt động bị dừng lại. Suốt thời gian đó, họ chỉ có thể nhìn bé qua ảnh, qua màn hình điện thoại và đếm ngược từng ngày đến lúc được gặp con  - như ngày hôm nay.

Ngày nhận được thông báo sẽ chính thức được đón con, anh Antonio vỡ òa cảm xúc.

Ngày 19/10, họ lên chuyến bay xuất phát tại Na Uy. Từ nửa vòng trái đất, hai vợ chồng phải dừng ở Đan Mạch 4 tiếng, quá cảnh ở Doha (Qatar) 12 giờ đồng hồ. Mười mấy tiếng đồng hồ với họ dài như thế kỷ.

Ngày 20/10, họ mới đến được TPHCM, Việt Nam. "Tối hôm qua tôi ngủ không được, vì biết hôm nay là ngày đầu tiên làm cha. Cảm giác rất sung sướng. Chắc bé đã hiểu chúng tôi là cha mẹ nuôi nên rất thân thiện, không khóc" - người đàn ông vui mừng.

6 năm chờ đợi, vợ chồng người Na Uy xúc động ôm bé trai người Việt vào lòng - 4

Vợ chồng anh Antonio ký các thủ tục cuối cùng để nhận bé N. làm con (Ảnh: Hoàng Lê).

Hai vợ chồng họ chia sẻ, khi sang châu Âu, N. sẽ được chăm sóc một thời gian cho hòa nhập với đại gia đình hai bên. Sau đó, bé cũng được theo dõi, kiểm tra sức khỏe kỹ, trước khi được cha mẹ đăng ký vào hệ thống giáo dục hoàn toàn miễn phí ở Na Uy.

"Mong muốn lớn nhất của 2 vợ chồng là có một mái ấm gia đình hạnh phúc, một đứa con ngoan ngoãn. Cái kết bây giờ đã rất hài lòng, nhưng nếu được thì tôi ao ước xin thêm một bé nữa" - anh Antonio nói rồi tiến nhanh tới vị trí làm thủ tục cuối cùng để bàn giao con nuôi.

Công sinh không bằng công dưỡng

Chị Hồ Thị Hiền, nhân viên Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Bình Dương cho biết, ngoài N., hôm nay cô còn đưa 2 bé khác đi nhận cha mẹ nuôi nước ngoài. "Không biết tương lai các bé thế nào, nhưng vẫn mong gia đình yêu thương trẻ đó như đứa con ruột của mình" - chị chia sẻ.

Như cặp cha mẹ trên, vợ chồng chị Emma (quốc tịch Pháp) thể hiện sự hạnh phúc bằng cách xăm tên con nuôi Minh Đức lên cánh tay của mình. "Bé rất duyên dáng, dễ thương. Chúng tôi sẽ ở lại TPHCM một tuần, sau đó sẽ đưa con về lại quê nhà chăm sóc thật tốt" - chị Emma cam đoan.

6 năm chờ đợi, vợ chồng người Na Uy xúc động ôm bé trai người Việt vào lòng - 5

Những đứa trẻ sắp có cuộc sống mới với cha mẹ nuôi tại trời Tây (Ảnh: Hoàng Lê).

Tại buổi lễ, ông Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp bày tỏ sự cảm kích đối với các cha mẹ nuôi đã không quản ngại khó khăn, vượt ngàn cây số trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 phức tạp trên toàn thế giới để sang Việt Nam, dang rộng vòng tay đón trẻ về với gia đình mình.

Bà Pilar Méndez Jiménez, đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam bày tỏ, buổi lễ giao nhận con nuôi này thể hiện sự đoàn kết của liên minh châu Âu và Việt Nam cũng như TPHCM nói riêng. Nó chứng minh rằng mối quan hệ này đã vượt qua mối quan hệ về thương mại, chính trị, xã hội.

Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chúc mừng các cháu có gia đình thứ 2, có điều kiện học tập, phát triển tốt. Ông Châu cho biết, TPHCM luôn quan tâm hỗ trợ tốt nhất trẻ em và cảm thấy tự hào vì Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em.

"Người Việt có câu công sinh không bằng công dưỡng. Hi vọng khi các cháu trưởng thành sẽ là một người tài đức, xứng đáng công lao dưỡng dục của các cha mẹ nuôi. Và hãy luôn nhớ về Việt Nam, nơi các cháu sinh ra" - lãnh đạo Thành phố mong mỏi.