5 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An
(Dân trí) - Đề xuất 5 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. "Nếu tỉnh Nghệ An không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tỉnh không thực hiện được các bước đột phá để phát triển nhanh, bền vững".
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An đang được Bộ Tư pháp thẩm định, đưa ra 5 nhóm chính sách về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường; quản lý đầu tư; phát triển kinh tế biển; tổ chức bộ máy và biên chế.
Trong đó, về quản lý tài chính - ngân sách, HĐND tỉnh Nghệ An có thể quyết định áp dụng trên địa bàn phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí (trừ án phí, lệ phí tòa án và các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%).
Việc thí điểm được yêu cầu phải đảm bảo có lộ trình, phù hợp với khả năng và yêu cầu phát triển của tỉnh Nghệ An; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ.
Nghệ An được cho phép phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các chi nhánh, đơn vị trực thuộc, địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài tỉnh thuộc lĩnh vực dịch vụ, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, hàng không hoạt động trên địa bàn.
Đối với lĩnh vực quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường, dự thảo nghị quyết đề xuất HĐND tỉnh Nghệ An quyết định việc thu hồi đất vùng phụ cận tiếp giáp các tuyến đường giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh ngoài phạm vi chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch và quy định pháp luật; được sử dụng ngân sách địa phương để bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích đất vùng phụ cận của dự án để phục vụ tái định cư, tạo quỹ đất đấu giá lựa chọn nhà đầu tư.
UBND tỉnh Nghệ An được điều chỉnh cục bộ các quy hoạch đối với khu vực dự kiến thu hồi; quyết định mật độ xây dựng, các chỉ tiêu xây dựng khác quy chuẩn xây dựng khu vực thuộc phạm vi vùng phụ cận.
UBND tỉnh Nghệ An tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cấp giấy phép môi trường đối với các dự án thứ cấp nhóm I nằm trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM.
Về quản lý đầu tư, dự thảo nghị quyết đề xuất phân cấp cho UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I.
Ngoài các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại Luật PPP, Nghệ An được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa.
Nghệ An được thực hiện hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí; bãi đỗ xe; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Vinh.
Căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng trong phạm vi mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm thực hiện.
Đối với chính sách phát triển kinh tế, theo dự thảo, trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Nghệ An giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản trên biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho nhà đầu tư trong nước trong khu vực ngoài 6 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý.
Nghệ An được áp dụng chính sách ưu đãi miễn tiền sử dụng khu vực biển trong 15 năm và giảm 50% tiền sử dụng khu vực biển cho thời gian còn lại đối với diện tích khu vực biển được giao để thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản trên biển của tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước.
Về tổ chức bộ máy và biên chế, HĐND tỉnh Nghệ An quyết định tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc UBND TP Vinh.
HĐND tỉnh Nghệ An được quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của tỉnh; quyết định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, mức thu nhập và chính sách khuyến khích khác để tuyển dụng công chức, viên chức đối với người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.
UBND tỉnh Nghệ An được bổ sung thêm một Phó chủ tịch tỉnh so với quy định hiện hành để phụ trách địa bàn vùng miền núi.
HĐND TP Vinh được thành lập 3 ban, gồm Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội.
Biên chế HĐND TP Vinh có 8 cán bộ chuyên trách, trong đó có 2 phó chủ tịch HĐND TP. Ngoài ra, UBND TP Vinh có không quá 4 phó chủ tịch.
Không có cơ chế, chính sách đặc thù, tỉnh không thực hiện được các bước đột phá
Theo tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (chủ trì soạn thảo), Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế, hội tụ nhiều yếu tố về điều kiện thuận lợi để phát triển.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước và dân số đứng thứ tư với hơn 3,4 triệu người; TP Vinh là đô thị loại 1 với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa.
Tuy nhiên đến nay Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông trọng yếu, tốc độ đô thị hóa chậm, đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn,…
"Nếu tỉnh Nghệ An không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tỉnh không thực hiện được các bước đột phá để phát triển nhanh, bền vững và rất khó để triển khai, hoàn thành được các mục tiêu nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra", tờ trình nêu.