1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

5 người chết, hơn 400 tỷ đồng trôi cùng lũ lớn

(Dân trí) - Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn một số huyện của tỉnh Thanh Hóa. Đến thời điểm này, đã có ít nhất 6 người chết và bị thương vì lũ, thiệt hại về tài sản ước tính trên 400 tỷ đồng.

Từ ngày 5 - 7/9, trên địa bàn Thanh Hóa có mưa rất to, lượng mưa phổ biến đo được từ 180 - 290mm; một số nơi có lượng mưa lớn lên đến 456,9mm. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Thanh Hoá, trong 24 giờ tới thời tiết còn có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.

Nhiều khu vực ở huyện Lang Chánh vẫn còn bị chia cắt bởi nước lũ.
Nhiều khu vực ở huyện Lang Chánh vẫn còn bị chia cắt bởi nước lũ.

Mưa lớn khiến lũ trên các sông lên nhanh, trên mức báo động II. Trong tổng số 35 hồ đập lớn và vừa, đến nay đã có 21 hồ tích đầy nước và đã bắt đầu tràn. Riêng các hồ nhỏ ở các huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Thanh có nhiều hồ bị tràn, sạt.

Do mưa với cường độ lớn nên ở nhiều huyện miền núi đã xảy ra ngập lụt, nhiều khu vực bị chia cắt cô lập.

Nhà dân ở huyện Lang Chánh bị lũ cuốn sập.
Nhà dân ở huyện Lang Chánh bị lũ cuốn sập.

Tính đến 7h ngày 7/9, đã có 5 người chết, 1 người bị thương do lũ cuốn trôi hoặc bị đất đá sạt lở vùi lấp. Theo thống kê chưa đầy đủ, số nhà bị sập, cuốn trôi: 45 cái, hơn 1.700 nhà bị ngập; gần 9.300 ha lúa bị ngập;... 22 hồ đập nhỏ bị vỡ. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập, sạt lở, ách tắc giao thông... Tổng thiệt hại ước tính 413 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đã có các công điện yêu cầu các huyện và các ngành: Cử cán bộ đi kiểm tra, chỉ đạo công tác tiêu úng tại cơ sở. Đối với các huyện miền núi, kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, những vùng ven sông, ven suối, vùng thấp trũng bị chia cắt khi có lũ để có kế hoạch chủ động sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm; theo dõi chặt chẽ các hồ chứa nhỏ, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du.

Nhà dân ở huyện Lang Chánh bị lũ cuốn sập.
Lãnh đạo huyện Lang Chánh thăm hỏi, động viên các gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ (Ảnh: Nguyễn Hồng).

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh đã phát lệnh báo động lũ trên tất cả các triền sông; yêu cầu Chủ tịch UBND các ven đê: Triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động; rà soát, kiểm tra và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho các đoạn đê xung yếu trên địa bàn; thông báo cho nhân dân sống vùng ngoại đê biết để chủ động sơ tán khi mực nước lên cao.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo: Chi cục Thuỷ lợi và các Công ty, xí nghiệp thuỷ nông phân công các cán bộ đi xuống cơ sở chỉ đạo công tác tiêu úng. Chi cục Đê điều và PCLB chỉ đạo các Hạt quản lý đê phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình, để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố xảy ra.

Người dân bơi trong nước lũ.
Người dân bơi trong nước lũ.

Ngành giao thông phối hợp với các địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tập trung xử lý các điểm bị sạt lở, ách tắc trên các tuyến đường giao thông quan trọng ở các huyện miền núi như quốc lộ 217, QL 45, TL 507...

Để chỉ đạo, động viên nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã xuống cơ sở, thăm hỏi, động viên và chỉ đạo công tác khắc phục hậu qua bước đầu do mưa lũ gây ra. Tại các huyện Lang Chánh, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, nhiều đoàn cán bộ và các ngành chức năng cũng đã đến thăm hỏi, động viên nhân dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Liên quan đến hậu quả mưa lũ, tại Hà Tĩnh, theo báo cáo nhanh của BCH PCLB tỉnh, nhiều địa phương bị ngập lụt, chia cắt. Tại huyện Hương Khê nước lũ dâng lên trên mức báo động 3, làm ngập 1.500 ngôi nhà cùng các trụ sở trạm y tế, trường học,... Lũ cũng khiến trên 30 trường tiểu học, THCS và mầm non tại địa phương phải đóng cửa, gần 10.000 học sinh phải nghỉ học.

Vết nước lũ và bùn đất còn sót lại sau khi lũ rút tại trường tiểu học Hương Đô
Vết nước lũ và bùn đất còn sót lại sau khi lũ rút tại trường tiểu học Hương Đô
 
Lũ cũng đã nhấn chìm gần 2.900 ha lúa hè thu trên toàn tỉnh. Nhiều nơi bà con nông dân phải hối hả gặt lúa chạy lũ. Ngoài ra lũ lụt cũng gây nguy cơ lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. 

Những cánh đồng mênh mông nước trắng xóa (Ảnh: Nguyễn Duy)

Những cánh đồng mênh mông nước trắng xóa (Ảnh: Nguyễn Duy)
Nông dân hối hả gặt lúa chạy lũ (Ảnh: Nguyễn Duy)

Nông dân hối hả gặt lúa chạy lũ (Ảnh: Nguyễn Duy)
 
Sáng nay 7/9, nhiều lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã có mặt tại các địa phương để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục mưa lũ. Hiện nhiều nơi đã được vét bùn, đường sá được khắc phục.

Vết nước lũ và bùn đất còn sót lại sau khi lũ rút tại trường tiểu học Hương Đô
 
 
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với huyện Hương khê kiểm tra việc cung cấp nước sạch, hướng dẫn từng hộ cách khử trùng nguồn nước sinh hoạt sau lũ, vệ sinh môi trường, phun hoá chất tiêu độc khử trùng. 

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh giúp người dân khử trùng nguồn nước sinh hoạt sau lũ.
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh giúp người dân khử trùng nguồn nước sinh hoạt sau lũ.
 
Duy Tuyên - Thái Bá - Phương Hà - Văn Dũng