1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

40% trụ cứu hỏa hỏng, cạn nước: Cháy thì không biết làm sao!

(Dân trí) - Khảo sát tại quận 11 (TPHCM), có gần 40% trụ nước cứu hỏa bị hư hỏng, mất nắp, mất ti, đặc biệt là không có nước, trong khi áp lực nước tại khu vực quận 11 là rất lớn… Khi Ban Pháp chế chất vấn thì phía quận trả lời là may chưa cháy, chứ cháy thì không biết làm sao?

Ngày 5/2, Ban Pháp chế HĐND TPHCM giám sát công tác phòng chống cháy nổ năm 2014 tại Cảnh sát PCCC TP.

Ông Phạm Văn Bá - Trưởng Ban Pháp chế
HĐND TP, Trưởng đoàn giám sát.
Ông Phạm Văn Bá - Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, Trưởng đoàn giám sát.

Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, cho biết, trong năm 2014 trên địa bàn thành phố xảy ra 295 vụ cháy, nổ, giảm 303 vụ so với năm 2013 (giảm gần 51%). Số vụ cháy xảy ra tại nhà dân (hơn 50%) và trong đó nguyên nhân cháy chủ yếu là sự cố vi phạm quy định trong sử dụng điện (chiếm khoảng 50%). Trong đó, chết do cháy nổ là 26 người.

Năm 2014, Cảnh sát PCCC TP lập 74.659 biên bản kiểm tra, trong đó có 29.733 lượt cơ sở có nguy cơ cháy, nổ. Qua kiểm tra, đã lập biên bản 7.381 biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định phạt tiền gần 8,8 tỷ đồng, đình chỉ 5 cơ sở, tạm đình chỉ 8 cơ sở.

Ông Trương Lâm Danh, Phó Ban Pháp chế cho rằng số lượng các doanh nghiệp bị tạm đình chỉ như báo cáo thì còn thấp. Theo khảo sát thì có nhiều cơ sở có nguy cơ cháy nổ gây chết người. Ông Danh lấy dẫn chứng là việc mua bán phế liệu rất dễ cháy, nổ. Khi đoàn đi khảo sát tại huyện Bình Chánh thì có tới 60% các doanh nghiệp không có giấy phép và việc PCCC tại các cơ sở này là rất nguy hiểm.

“Hay như năm qua thành phố có Chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố. Cụ thể là quảng cáo che kín mặt tiền không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Vừa qua có xảy ra vụ cháy gây chết người. Vấn đề này được thực hiện và xử lý như thế nào, nhất là karaoke”, ông Danh đặt vấn đề.

Ông Phạm Văn Bá - Trưởng Ban Pháp chế
HĐND TP, Trưởng đoàn giám sát.
Hàng loạt ngôi nhà liền kề bị thiêu rụi bởi vụ sự cố chập điện của biển quảng cáo quán karaoke New, 180 đường Trần Quốc Thảo, quận 3 (ảnh Đình Thảo)

Trong khi đó, ông Trần Trọng Dũng, thành viên Ban Pháp chế HĐND TP lo ngại về chất lượng thiết bị điện, dây dẫn đối với an toàn cháy nổ.  “Gần 50% nguyên nhân cháy liên quan đến chập điện. Theo như người dân đúng ra theo quy trình xây dựng, các nhà thầu thi công phải chú ý chất lượng dây dẫn. Hiện nay trên thị trường rất nhiều loại dây dỏm. Khi quá tải công suất là cháy. Nhưng không ai quan tâm chất lượng dây điện. Quản lý nhà nước về góc độ này như thế nào? Hay cứ để cho người dân? Trong khi người dân thì cứ thấy rẻ thì mua?”, ông Dũng băn khoăn vì chưa có giải pháp quản lý chất lượng thiết bị điện.

Ông Dũng cho biết khi khảo sát tại quận 11 thì có gần 40% trụ nước cứu hỏa bị hư hỏng, mất nắp, mất ti, đặc biệt là không có nước, trong khi áp lực nước tại khu vực quận 11 là rất lớn… Người dân rất bức xúc và lo lắng về vấn đề này.

“Khi Ban Pháp chế chất vấn thì phía quận trả lời là may chưa cháy chứ cháy thì không biết làm sao? Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Trong khi quận 11 trả lời việc lắp đặt trụ nước thuộc về ngành cấp nước chứ không phải của Cảnh sát PCCC. Trong 2 năm qua chỉ sửa được 2 trụ nước. Việc khắc phục tình trạng này như thế nào? Vì vấn đề này cũng nằm trong tầm tay”, ông Dũng đặt câu hỏi.

Đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết không riêng gì địa bàn quận 11 mà trên toàn địa bàn thành phố có rất nhiều trụ cứu hỏa bị hư hỏng, mất ti, mất nắp. Hiện đang thống kế số lượng các trụ hư hỏng để lập kinh phí sửa chữa. Trong những năm qua thì phía công ty đã bỏ tiền ra sửa chữa, nhưng kinh phí quá lớn cho đến nay vẫn chưa giải quyết hết. Để đối phó với thực tế này, ngành cấp nước thành phố cho biết phải dùng biện pháp khóa van để nước khỏi rò rỉ ra trụ. Khi có cháy thì sẽ phối hợp với Cảnh sát PCCC mở van nước ra vì bây giờ cứ thay chỗ này thì mất chỗ kia.

Ông Phạm Văn Bá, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP cho rằng công tác phối hợp giữa Cảnh sát PCCC với các ngành là chưa ổn. Theo quyết định 182 năm 2006 của UBND TP thì Cảnh sát PCCC TP có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, sử dụng và bảo quản trụ cứu hỏa; rồi trách nhiệm của ngành giao thông, ngành nước; đặc biệt là vai trò của UBND quận – huyện, phường – xã. Nhưng trong khi phía Công ty cấp nước chưa bàn giao thì ái quản lý? Nếu để càng lâu thì mất mát càng nhiều, rồi hư hỏng thì thiệt hại ai chịu trách nhiệm? “Tất nhiên là Tổng công ty cấp nước”, ông Bá cảnh báo.

“Tại sao quyết định của UBND TP mà các anh không thực hiện, cái đó là tôi rất bức xúc”, Trưởng Ban Pháp chế không hài lòng về cách giải thích của phía Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn và nêu rõ Ban Pháp chế sẽ kiến nghị UBND TP về vấn đề này.

Ông Bá cũng đề nghị đối với những cơ sở sản xuất không có giấy phép thì sau khi kiểm tra lần 2, lần 3 thì phải có kiến nghị xử lý. Kiến nghị lên Chủ tịch, Phó Chủ tịch nếu khổng xử lý thì mai mốt xảy ra cháy thì cán bộ mất chức.

“Trong công tác hành chính thì phải làm rõ trách nhiệm, nếu không sau này xảy ra chuyện cháy, nổ chết người thì lại đổ thừa cho nhau. Nếu như làm hết trách nhiệm thì sẽ không việc xảy ra vụ nổ tại công ty Đặng Huỳnh (quận 12), quán karaoke New (quận 3)”, ông Bá cho rằng nguyên nhân của nhiều vụ cháy, nổ lớn là do cán bộ không làm hết trách nhiệm.

Quốc Anh