1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Ký ức hào hùng

(Dân trí) - Mỗi dịp Tết đến Xuân về, ký ức một thời máu lửa lại ùa về với những chiến binh đã tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới mùa Xuân Kỷ Mùi 1979.

Trong không khí tưng bừng đón Xuân mới Kỷ Hợi 2019, chúng tôi có dịp đến thăm Đại tá Triệu Văn Điện tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. 

cong-an.jpg

Đại tá Triệu Văn Điện, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ bảo vệ biên giới phía Bắc. Ảnh: baolangson.vn 

Sau những câu chào hỏi ân tình, nghe qua giới thiệu, ông sôi nổi kể: Đúng dịp này của 40 năm trước, khi vừa mới hoàn thành huấn luyện thuộc đại đội I Cảnh sát cơ động - Công an tỉnh Cao Lạng, ông được cử về để bảo vệ đồng bào các dân tộc tại khu vực Đồng Đăng, Lạng Sơn. Sau Tết, cuộc chiến nổ ra khi đó ông còn thiếu 1 tuần nữa là tròn 20 tuổi. 

Buổi sáng kinh hoàng - bình minh bị xé nát bởi tiếng pháo dồn dập suốt từ 5 đến 7 giờ. Sau 1 giờ chiến đấu, trước hỏa lực rát của địch, toàn bộ lực lượng của Binh nhì Triệu Văn Điện được lệnh rút xuống hang Đền Mẫu. Trên đường rút quân, đại đội còn giúp gần 500 người dân sơ tán vào hang ẩn nấp. 

anh6-1487303158285-45-0-455-660-crop-1487303168445.jpg

Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979. Ảnh tư liệu của báo Quân đội nhân dân.

Trước tình thế bị bao vây và tấn công liên tục từ ngoài cửa hang, có đồng đội của Binh nhì Triệu Văn Điện đã ngã xuống. Đêm tối ngày 17/2, Triệu Văn Điện và một số đồng đội còn sống bí mật đột nhập thị trấn để lấy thực phẩm và nước uống mang vào hang phục vụ người dân. Ngày 18/2, địch tiếp tục bao vây. Từ trong hang, chọn vị trí thuận lợi, Triệu Văn Điện đã tiêu diệt được nhiều tên địch định xông vào tấn công. 

Trong lúc đó, kế hoạch phá vòng vây được triển khai ngay trong hang. Đêm ngày 18/2, lợi dụng lúc địch dừng bắn, đoàn gần 500 người lặng lẽ rời hang dưới sự bảo vệ của các chiến sĩ. Dù có cả người già, trẻ em, nhưng cả đoàn nhất tề cứ có tiếng đạn pháo, pháo sáng là tất cả đều nằm rạp xuống đất. Gặp toán phục kích, dân chạy trước, các bộ đội vừa chống trả vừa rút lui. 

Ngày 19/2, cả đoàn chạy ra đến cầu Khánh Khê, đến tận chiều 22/2 mới về đến Văn Quan an toàn. Binh nhì Triệu Văn Điện được cử trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, anh dõng dạc: “Tôi, Binh nhì Triệu Văn Điện, chiến sỹ cảnh sát cơ động, từ ngày 17 đến 22/2 chúng tôi đã đưa được 4 chiến sỹ bị thương và gần 500 người dân ra khỏi vòng vây, đến tuyến sau được an toàn. Báo cáo hết.”

Năm 1980, chiến sỹ Triệu Văn Điện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trải qua gần 30 năm công tác trong ngành Công an, Đại tá Triệu Văn Điện vinh dự được 3 lần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 lần được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen. Năm 2017 ông về hưu.

Trong quá trình công tác, ông Triệu Văn Điện được coi là nỗi khiếp đảm của các loại tội phạm vùng biên trong giai đoạn đầu mở cửa. Không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, lập nhiều thành tích trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, ông còn đúc rút được nhiều kinh nghiệm, nhiều phương pháp, lý thuyết quý báu để vận dụng vào đào tạo cán bộ, chiến sỹ công an trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. 

Kinh qua những khốc liệt của chiến tranh, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá Triệu Văn Điện cho rằng, chính sự phẫn nộ sục sôi tạo nên chất thép để chiến thắng. Hiện cả 4 người con đã trưởng thành, ông luôn tìm đến gia đình của những đồng đội năm xưa để hỗ trợ những người còn khó khăn, cùng với đó ông còn bốc thuốc nam gia truyền chữa bệnh cho nhân dân quanh vùng./.

Thái Thuần
TTXVN

Dòng sự kiện: Biên giới 1979

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm