1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

4 trẻ sơ sinh tử vong: “Nói thật, lãnh đạo Bộ Y tế cũng có trách nhiệm”

(Dân trí) - “Sự cố 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bắc Ninh và thông tin Vụ trưởng Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em của Bộ Y tế nêu ra là mỗi ngày, cả nước có 400 trẻ sơ sinh tử vong theo kiểu này làm cho tôi rất suy nghĩ” – GS.TS Nguyễn Anh Trí, Nguyên Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chia sẻ tâm tư…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện huyết học và truyền máu TƯ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện huyết học và truyền máu TƯ.

- Thêm một sự cố nghiêm trọng vừa xảy ra với ngành y tế khi có 4 trẻ sơ sinh cùng lúc tử vong tại bệnh viện ở Bắc Ninh. Với tư cách một người trong ngành, ông nhìn nhận thế nào về sự việc này?

- Trước hết, tôi chia sẻ mất mát lớn của các gia đình và cũng rất thương các cháu. Cụ thể trường hợp 4 trẻ tử vong này thì nguyên nhân được kết luận do nhiễm khuẩn bệnh viện, lý do là bệnh viện chật hẹp, nhiều bệnh nhi bị bệnh nặng quá...

Chúng ta không nên quá hoảng hốt về việc này. Bệnh viện đó cần xử lý vấn đề vệ sinh thật tốt, và việc này không khó, tốn kém không nhiều. Ý thức, nhất là của thủ trưởng bệnh viện, về nhiễm khuẩn bệnh viện phải luôn được đề cao. Viện huyết học chúng tôi, cũng từng có trường hợp nhiễm khuẩn khi ghép tế bào gốc. Sau đó chúng tôi chỉnh đốn lại, tỷ lệ bị nhiễm khuẩn giảm ngay. Phải nhấn mạnh việc đầu tiên là các bệnh viện có ý thức và phải quyết tâm xử lý vấn đề nhiễm khuẩn theo đúng quy định.

- Nói như vậy thì sự cố với cả 4 cháu bé như này, lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được, thưa ông?

- Hôm qua, tôi có đọc được thông tin Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em của Bộ Y tế cũng nói rằng hiện mỗi ngày có 400 trẻ sơ sinh tử vong theo kiểu này. Sự cố tại Bắc Ninh và thông tin Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em đưa ra làm cho tôi rất suy nghĩ.

Để bệnh nhi tử vong với con số toàn quốc lớn như vậy, rõ ràng lãnh đạo Bộ Y tế phải có biện pháp rất cụ thể, mang tính toàn quốc để giải quyết vấn đề này, không được xem thường. Tôi nghĩ chúng ta không nệ vào việc đưa ra số liệu so sánh nước này nước khác, hoặc nói rằng các nước phát triển cũng xảy ra vấn đề này, tỷ lệ sự cố xảy ra với chúng ta ở mức trung bình chung của thế giới...

Phải nghĩ rằng mọi việc đang được cải thiện tốt hơn, điều kiện y tế công bằng mà nói đã được cải thiện rất nhiều, điều kiện kháng sinh cơ bản rất tốt và chúng ta phải cố gắng giảm tỷ lệ này xuống. Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế, là trách nhiệm của các lãnh đạo ngành.

- Nhiều ý kiến liên hệ sự cố lần này với vụ việc khiến hàng loạt bệnh nhân chạy thận thiệt mạng tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình xảy ra giữa năm nay. Ông có cho rằng sự cố lần này cũng có nhiều yếu tố bất thường tương tự vụ chạy thận?

- Sự việc rõ ràng là quá bất thường, Bộ trưởng Bộ Y tế đã kết luận và chúng tôi rất đồng tình. Tuy nhiên, vụ này khác với vụ chạy thận. Vụ đó là do việc xúc rửa thiết bị, sử dụng hóa chất không chuẩn mực và quy trình bàn giao máy móc xúc rửa với người sử dụng không chặt chẽ, vì những người vận hành làm đã quen tay mấy năm rồi nên thủ tục, nguyên tắc bị bình thường hóa, sự nghiêm ngặt của quy trình bị lãng quên.

Còn nhiễm khuẩn bệnh viện, như tôi nói, là vấn đề cấu trúc khoa phòng; vệ sinh, trật tự; vấn đề chăm sóc như: ăn uống, khẩu trang... và vấn đề kháng kháng sinh... Có khoảng 5 lý do cho việc này.

- Cũng liên quan đến sự cố này, đại diện Bộ Y tế có nói về tình trạng kháng kháng sinh diễn ra phổ biến. Có cách nào khắc phục được tình trạng này để hạn chế bớt nguy cơ thầy thuốc cũng phải bó tay với các ca nhiễm trùng, nhiễm khuẩn?

- Đó cũng là một lý do và phải nói lý do đó là khá chính đáng. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy đây không phải lý do bao trùm, là nguyên nhân chính làm 4 trẻ tử vong tại Bắc Ninh, cũng như 400 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày ở Việt Nam. Còn nhiều lý do khác nữa. Với kinh nghiệm riêng của tôi khi làm quản lý bệnh viện thì lãnh đạo các bệnh viện phải thực sự có ý thức về vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện, trong đó có cả kháng kháng sinh.

- Về vấn đề xác định trách nhiệm sau sự cố, ông có kiến giải gì?

- Trước hết là khoa, phòng đó, bác sỹ đó, và nói thật, lãnh đạo Bộ Y tế cũng phải chịu trách nhiệm.

- Một sự cố xảy ra có thể là ngẫu nhiên, đơn lẻ, nhưng nhiều sự cố xảy ra liên tiếp nhau như vừa qua làm người hoang mang. Sự cố liên tiếp như vậy có phải một dấu hiệu báo động nào đó về chất lượng của dịch vụ y tế?

- Trước hết, phải khẳng định là trong y khoa nói chung, các tai biến, các sai sót, dù có cố hết sức. thì vẫn cứ xảy ra. Nhưng công bằng mà nói thì đúng là các sự cố vừa qua xảy ra khá liên tục. Đọc trên báo, không ngày nào không có trẻ sơ sinh, bà mẹ đang thai nghén tử vong, rồi tai biến từ ca mổ nọ, ca mổ kia... Ngay con số 400 trẻ sơ sinh tử vong một ngày cũng làm chúng ta rất suy nghĩ. Do đó, tôi cho rằng lãnh đạo Bộ Y tế phải hết sức quan tâm. Rõ ràng không thể xử lý mang tính vụ việc như thế này mà phải xử lý có hệ thống.

- Xin cảm ơn ông!

P.Thảo