4 con chuột túi ở Cao Bằng là loài chưa từng xuất hiện tại Việt Nam
(Dân trí) - Trung tâm Cứu hộ bảo tồn phát triển sinh vật Hoàng Liên (Lào Cai) đang đợi kết quả xét nghiệm loài đối với 4 cá thể chuột túi ở Cao Bằng, từ đó hoàn thiện các thủ tục nhận nuôi.
Trung tâm Hoàng Liên nhận nuôi chuột túi
Sáng 14/11, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ bảo tồn phát triển sinh vật Hoàng Liên, cho biết đơn vị đã hoàn tất thủ tục, chỉ chờ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng làm giám định loài đối với 4 cá thể chuột túi ở Cao Bằng.
Theo ông Tới, dự kiến trong khoảng 1-2 ngày tới, trung tâm sẽ cử cán bộ sang Cao Bằng để đưa 4 con chuột túi về nuôi.
"Chúng tôi dự kiến sẽ nuôi 4 cá thể chuột túi dưới dạng bán hoang dã, trong khu vực nuôi rộng khoảng 200m2, trong đó một nửa là sân chơi, còn lại là phần có mái che. Sắp tới một số tiểu cảnh, hang cũng được bổ sung để giúp chuột túi có chỗ trú ngụ, tránh rét", ông Tới nói.
Cũng theo ông Tới, thức ăn cho 4 con chuột túi sẽ là rau củ quả và lá cây.
"Loài chuột túi xuất hiện tại Cao Bằng là giống mới, loài chưa từng xuất hiện tại Việt Nam nên chúng tôi sẽ vừa nuôi vừa tìm hiểu và học hỏi, nhờ các chuyên gia, tổ chức động vật quốc tế tư vấn thêm", ông Tới thông tin.
Xử lý 4 con chuột túi như thế nào?
Theo Điều 10 Thông tư số 29/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng, động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp nhà nước, có 5 hình thức xử lý gồm:
Thả lại về môi trường tự nhiên; Cứu hộ; Chuyển giao cho vườn động vật, cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành; Bán; Tiêu hủy.
Đại diện Tổ chức Động vật châu Á (Animals Aisa) nhận định 4 con chuột túi nói trên là loài chuột túi lông xám, động vật ngoại lai có thể sống và sinh sản dễ dàng ở Úc, nhưng không có nghĩa về Việt Nam sẽ sống khỏe.
Theo vị đại diện, không nên thả 4 con chuột túi này ra tự nhiên mà nên đưa về sở thú hoặc vườn thú bán hoang dã (safari) vì chúng mang tính trưng bày.
"Các trung tâm cứu hộ thuộc nhà nước có cơ sở vật chất và nguồn lực hạn hẹp, nếu muốn nuôi dưỡng thì phải nuôi chúng đến cuối đời. Tuy nhiên, trên thực tế, nên ưu tiên nuôi dưỡng loài bản địa thay vì ngoại lai", đại diện tổ chức cho hay.
Theo tìm hiểu, đây là những cá thể chuột túi wallaby. Loài động vật này có ngoại hình và cách di chuyển bằng 2 chân sau giống chuột túi Kangaroo, nhưng kích thước nhỏ hơn rất nhiều.
Có hơn 50 loài wallaby, với kích thước và màu sắc khác nhau. Loài lớn nhất là wallaby đỏ, có thể cao tới 1,6m và nặng tới 30kg. Loài nhỏ nhất là wallaby lùn, chỉ dài khoảng 30cm và nặng khoảng 1kg.
Wallaby là loài động vật ăn tạp, chủ yếu ăn thực vật như cỏ, lá và quả mọng. Chúng cũng có thể ăn côn trùng hoặc các loài động vật nhỏ. Đây là loài động vật bản địa của Úc và New Guinea, nhưng thường được nhiều người mua về để làm thú cảnh.
Trước đó, con chuột túi đầu tiên được người dân trên địa bàn xã Đức Long, huyện Thạch An (Cao Bằng) phát hiện và bắt giữ tối 8/11. Đến sáng 9/11, công an xã cùng người dân bắt được thêm 2 con chuột túi khác.
Ngày 11/11, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng phát hiện thêm một con chuột túi ở ngoài tự nhiên.
Cả 4 con vật này đều do nhóm buôn lậu vứt lại trên đường vận chuyển trái phép qua biên giới. Tạm thời 4 cá thể đang được nuôi nhốt tại Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An.
Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên được thành lập năm 2014, tổng diện tích tự nhiên 29,6ha, cách trung tâm thị trấn Sa Pa 3km.
Hiện đơn vị chăm sóc khoảng 30 loài với hơn 100 cá thể, 80% trong số này thuộc danh mục loài đặc hữu tại Việt Nam, còn lại là ngoại lai như rùa cá sấu, rùa tai đỏ...