Thanh Hoá:

375 lô “đất vàng” đã có chủ sau 3 phiên đấu giá “ầm ĩ”

(Dân trí) - Sau hai lần đấu giá bất thành, lần thứ 3 thương vụ đấu giá gần 400 lô “đất vàng” (TP Thanh Hóa) đã được chốt hạ với giá trúng thầu 1.215 tỉ, tăng thu cho ngân sách Nhà nước thêm 548,6 tỉ đồng.

Sáng ngày 26/9, tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa (ở đường Lý Nam Đế, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã diễn ra cuộc đấu giá tài sản quyền sử dụng đất đợt 1, dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP Thanh Hóa (mặt bằng quy hoạch số 3241/QĐ-UBND ngày 7/6/2013 của UBND TP Thanh Hóa; gọi tắt là MB 3241).

Diện tích đấu giá là gần 58.000 m2 gồm 375 lô đất liền kề và biệt thự. Đáng chú ý lần này, giá khởi điểm là 666.420.000.000 đồng. So với lần đấu giá trước đó, cao hơn khoảng 145 tỉ đồng (tương đương hơn 11 triệu đồng/m2 đất ở).

375 lô “đất vàng” đã có chủ sau 3 phiên đấu giá “ầm ĩ” - 1

Cuộc đấu giá gần 400 lô đất vàng kéo dài từ 8h sáng đến 15h chiều cùng ngày mới kết thúc.

Cuộc đấu giá này do Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản – Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa đứng ra thực hiện. Có 13 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá khi đóng đủ số tiền 10% đặt trước là 66.6 tỉ đồng.

Khác với 2 lần đấu giá trước, cuộc đấu giá lần này diễn ra căng thẳng, kéo từ 8h sáng ngày 26/9 đến gần 15h cùng ngày. Sau 30 vòng đấu, Liên danh công ty cổ phần đầu tư và xây dựng ADI – Công ty cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa (có địa chỉ ở đường Lê Quy Đôn, TP Thanh Hóa) trúng đấu giá với số tiền hơn 1.215 tỉ đồng.

Như vậy, với giá khởi điểm hơn 666,4 tỉ đồng, cuộc đấu giá này đã tăng thu thêm cho ngân sách nhà nước là hơn 548 tỉ đồng.

Trước đó, vào năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có sự điều chỉnh giá khiến cho ngân sách nhà nước tăng gần 100 tỉ đồng so với mức giá đưa ra ban đầu cho 375 lô đất vàng này.

375 lô “đất vàng” đã có chủ sau 3 phiên đấu giá “ầm ĩ” - 2

Cuộc đấu giá đã tăng thu thêm cho ngân sách Nhà nước là 548,6 tỉ đồng.

Cụ thể, giá khởi điểm được đưa ra đấu giá cho gần 58.000 m2 đất trên là hơn 434 tỉ đồng, tính bình quân gần 7,5 triệu đồng/m2 đất.

Ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, UBND TP Thanh Hóa giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố tổ chức ký kết hợp đồng với Công ty bán đấu giá tài sản Năm Châu thực hiện việc bán đấu giá 375 lô đất trên.

Ngày 22/1/2018, Công ty Cổ phần Nakama Việt Nam đã trúng thầu với mức giá gần 438 tỉ đồng (chỉ cao hơn giá sàn gần 4 tỉ đồng).

Đây là thương vụ đấu giá đất gây nhiều bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân về giá đất cũng như cách tổ chức đấu giá. Ngay sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc xác minh quá trình tổ chức bán đấu giá, phát hiện có nhiều vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện nên đã cho hủy bỏ.

Sau một thời gian kiểm tra cũng như hoàn thiện các hồ sơ pháp lý của các cơ quan chức năng, ngày 23/7/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa lại một lần nữa quyết định phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá QSDĐ (đợt 1) ở dự án nói trên. Thay vì giá 7,5 triệu đồng/m2 như đã đưa ra trước đó, UBND tỉnh đã nâng giá khởi điểm lên 9 triệu đồng/m2 và giá khởi điểm để đấu giá QSDĐ cũng được nâng lên thành hơn 500 tỉ đồng.

Đến ngày 9/10/2018, phiên đấu giá được mở trở lại. Lần này, tổ chức đấu giá được “chọn mặt gửi vàng” là Công ty Đấu giá hợp danh Hoàng Nguyên. Tuy nhiên, vào khoảng 8h sáng ngày 9/10, thời điểm chỉ cách phiên đấu giá khoảng 6 giờ, nhiều doanh nghiệp nhận được thông báo bằng điện thoại của Công ty Hoàng Nguyên về việc bị loại hồ sơ vì không đủ điều kiện tham gia.

Cụ thể, có tới 15/18 đơn vị tham gia đấu giá bị loại hồ sơ, còn lại 3 hồ sơ, trong đó có đơn vị đã trúng kết quả đấu giá lần trước – Công ty CP Nakama Việt Nam nhưng đã hủy kết quả do phát hiện sai phạm.

Một số doanh nghiệp lớn ở Thanh Hóa ngay lập tức có đơn “tố” những việc làm mập mờ của Công ty đấu giá hợp danh Hoàng Nguyên gửi UBND tỉnh, UBND TP Thanh Hóa và các cơ quan chức năng. Phiên đấu giá lần thứ 2 vì thế đã không có hồi kết.

Bình Minh