1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

300 tỷ đồng tu bổ di tích lịch sử Đền Hùng

Thế Kha

(Dân trí) - Dự án tu bổ, tôn tạo hạ tầng Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ) có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương 88 tỷ đồng; ngân sách tỉnh và các nguồn khác 212 tỷ đồng.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án tu bổ, tôn tạo hạ tầng cảnh quan Khu di tích lịch sử Đền Hùng vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.

300 tỷ đồng tu bổ di tích lịch sử Đền Hùng - 1

Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Ảnh: Nguyễn Dương).

Dự án được HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX thông qua chủ trương đầu tư, gồm các hạng mục: Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới tuyến đường giao thông số 1 kéo dài từ điểm giao với đường 325 đến ngã 3 Khu công nghiệp Đồng Lạng (Quốc lộ 2); hoàn thiện hệ thống hạ tầng cảnh quan kết nối giữa khu vực Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với khu vực Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân.

Dự án còn bao gồm việc xử lý, chống xói mòn một số vị trí có nguy cơ sạt lở trên khu vực núi Nghĩa Lĩnh; tu bổ, tôn tạo hệ thống đường bậc lên xuống Đền Mẫu Âu Cơ; cải tạo, nâng cấp hệ thống cảnh quan khu vực trước đền Giếng; hoàn thiện hạ tầng cảnh quan khu vực Tháp Hùng Vương (dọc theo đường Nguyễn Tất Thành).

Dự án có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm B. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 88 tỷ đồng; ngân sách tỉnh Phú Thọ, công đức tu bổ xây dựng Đền Hùng và các nguồn huy động hợp pháp khác 212 tỷ đồng.

300 tỷ đồng tu bổ di tích lịch sử Đền Hùng - 2

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng là di tích đặc biệt quan trọng cấp Quốc gia thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP Việt Trì, Phú Thọ (Ảnh: Cổng TTĐT Việt Trì).

Theo báo cáo ĐTM, khu vực núi Nghĩa Lĩnh có một số vị trí sạt lở do ảnh hưởng của thời tiết. Tại đây từng xảy ra sạt lở năm 2017, được xử lý tạm bằng hệ thống cọc sắt, cọc tre, lưới B40 và trồng cỏ kết hợp biện pháp thu gom, hạn chế nước mặt chảy vào khu vực sạt lở.

Đặc biệt tại vị trí phía sau Nhà tu lễ vừa xảy ra sạt lở nhẹ (tháng 10/2020), vị trí sạt lở đã tiến sát phía sau cách chân tường nhà từ 0,5-1m. Đánh giá sơ bộ cho thấy vị trí này có nguy cơ rất cao tiếp tục xảy ra sạt lở, xâm hại đến các công trình di tích, cần phải sớm tổ chức thực hiện xử lý gia cố.

Vị trí khu vực giáp Chùa Thiên Quang có 2 điểm sạt lở nằm phía trái lối lên, dài khoảng 5m, taluy sâu khoảng 30m, chưa được xử lý. 2 điểm này được đánh giá có nguy cơ sạt lở cao, về lâu dài phải xử lý gia cố mái taluy đất.

ĐTM cho thấy, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã xây dựng 7 bãi tập kết chất thải tại các khu vực trung tâm lễ hội, khu đồi Gò Cong, khu vực núi Hình Nhân, khu vực Đền Mẫu, khu vực Gò Lặc và hồ Cây Xẻn…

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đền Hùng được giao trực tiếp quản lý dự án, có trách nhiệm giám sát các giai đoạn chuẩn bị, thi công và vận hành dự án.

Công ty TNHH Nhà Đẹp Cát Tường (trụ sở tại phường Hiệp Ninh, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) làm đơn vị tư vấn, xây dựng báo cáo ĐTM.

Đền Hùng là nơi tâm linh thiêng liêng thờ cúng các Vua Hùng có công dựng nước, Tổ tiên của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng là di tích đặc biệt quan trọng cấp Quốc gia thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP Việt Trì, Phú Thọ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư tổng thể tại Quyết định số 63//1994, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2009.

Năm 2012, UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chỉ đông du khách vào dịp lễ hội 10/3 âm lịch

Báo cáo ĐTM nêu thực tế, hàng năm chỉ có lễ hội chính vào ngày 10/3 âm lịch có rất đông du khách về tham dự; còn lại các ngày thường trong năm chưa thu hút được khách đến khu di tích.

Nguyên nhân, do tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng thiếu các thiết chế văn hóa hấp dẫn du khách, mặc dù tiềm năng phát triển du lịch rất lớn.

Để Khu di tích Đền Hùng không chỉ là Khu di tích Quốc gia đặc biệt mà còn xây dựng thành Khu du lịch Quốc gia đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách về với cội nguồn và khám phá văn hóa vùng Đất Tổ, "đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn", việc xây dựng dự án rất cần thiết.