Loạt cao tốc dần "thành hình" sau những chuyến thị sát của Thủ tướng
(Dân trí) - Thúc đẩy các dự án giao thông trọng điểm là một trong những mối quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi bắt đầu nhiệm kỳ mới trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.
Loạt cao tốc dần "thành hình" sau những chuyến thị sát của Thủ tướng
Thúc đẩy các dự án giao thông trọng điểm là một trong những mối quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi bắt đầu nhiệm kỳ mới trên cương vị người đứng đầu Chính phủ. Bóng dáng lãnh đạo Chính phủ xuất hiện trên các công trình thi công là động lực thúc đẩy khí thế xây dựng giúp hàng loạt tuyến cao tốc dần "thành hình".
Cơ hội phát triển mới khi có cao tốc
Sáng 29/4, hàng nghìn người dân hân hoan khi được lưu thông trên 2 tuyến cao tốc mới với tổng chiều dài hơn 160km, đi qua 4 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai. Nếu như trước đây đi từ Hà Nội đến Thanh Hóa mất khoảng 3 giờ đồng hồ thì nay, cao tốc Mai Sơn - QL45 đi qua Ninh Bình, Thanh Hóa (cùng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn) giúp tuyến đường được rút ngắn, thời gian di chuyển chỉ còn chưa đầy 2 tiếng.
Tương tự, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đến Bình Thuận chỉ còn chưa đầy 2 tiếng, thay vì hơn 4 tiếng như trước đây.
"Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển của Bình Thuận. Đây là dự án mà người dân mong chờ bấy lâu nay", Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An không giấu nổi sự vui mừng khi chia sẻ với Báo Dân trí.
Ông nói nhờ sự chủ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng cùng sự nỗ lực của địa phương và các đơn vị liên quan, dự án đã về đích, mang theo nhiều cơ hội phát triển mới cho Bình Thuận.
Với tuyến cao tốc này, ông An cho biết Bình Thuận đã có hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, gồm đường quốc lộ, đường sắt, đường cao tốc và cảng biển, và tới đây sẽ có cả sân bay. Đặc biệt, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây giúp rút ngắn thời gian đi từ Bình Thuận đến các tỉnh, thành nằm trong vùng kinh tế động lực phía nam như Đồng Nai TPHCM, Bình Dương… chỉ còn một nửa so với trước đây, tiết kiệm nhiều chi phí.
"Việc này tạo ra động lực mới thúc đẩy sự phát triển trên mọi lĩnh vực, từ sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp, phát triển du lịch và các loại hình thương mại, dịch vụ, bất động sản…", Bí thư Bình Thuận nhấn mạnh.
Cao tốc Mai Sơn - QL45 và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, là 2 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài 654km, gồm 11 dự án thành phần. Sau hơn 2 năm triển khai, 4 dự án thành phần đã hoàn thành, đưa vào khai thác, gồm các đoạn: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây, với tổng chiều dài gần 276 km.
Theo kế hoạch, 5 dự án thành phần khác với tổng chiều dài khoảng 250km sẽ tiếp tục được đưa vào khai thác vào cuối năm, gồm: QL45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Cầu Mỹ Thuận 2.
Hai tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo với tổng chiều dài 128 km dự kiến được hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2024 - sẽ là một bước đi tiếp theo nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng 5.000km cao tốc vào năm 2030.
"Giao thông đi trước mở đường", "đường mở đến đâu, dân giàu đến đó" là quan điểm được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần quán triệt trong các cuộc họp thúc đẩy loạt dự án giao thông trọng điểm.
Hành trình thị sát công trường cao tốc trên hàng nghìn cây số
Mối ưu tiên đặc biệt của Thủ tướng trong nhiệm kỳ này dành cho nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng - một trong ba đột phá chiến lược đã được Đảng, Nhà nước xác định, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải.
Bởi lẽ đó mà ngay từ mùng 4 Tết Quý Mão vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng đoàn công tác Chính phủ "xông đất" Phú Thọ, Tuyên Quang để thị sát dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Hành trình của đoàn công tác bắt đầu từ sáng mùng 4 Tết và trở về Hà Nội vào đêm mùng 9, sau khi Thủ tướng đi kiểm tra 10 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài gần 600km; dự khởi công 1 dự án đường sắt; kiểm tra, đôn đốc dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự phát lệnh xuất khẩu đầu năm tại cảng Cát Lái - cảng biển lớn nhất Việt Nam.
Chuyến thị sát đầu năm của người đứng đầu Chính phủ với hành trình hơn 1.100km trên đường bộ, chưa kể chặng đường di chuyển bằng máy bay vào Nam ra Bắc.
Chứng kiến khí thế làm việc hăng say trên các công trường dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các đơn vị, đội ngũ cán bộ, công nhân đã làm việc với tinh thần "xuyên Tết".
Trước đó, trong ngày 1/1 - ngày đầu tiên của năm mới 2023, tại Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Nhìn lại xa hơn vào quãng thời gian cách đây một năm, cũng trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, người đứng đầu Chính phủ đã thực hiện chuyến công tác "xuyên Việt, xuyên Tết" kiểm tra, đôn đốc loạt dự án trọng điểm của ngành giao thông, bằng hành trình hàng nghìn cây số trên cả đường bộ và đường hàng không.
Đúc kết kinh nghiệm sau hàng loạt công trình được xây dựng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Xây dựng các tuyến cao tốc thẳng nhất, ngắn nhất có thể; tránh tình trạng "ăn xổi, ở thì" như làm cao tốc chỉ có 2 làn xe hay chia nhỏ gói thầu.
Bên cạnh đó, phải rà soát, chấn chỉnh việc cấp các mỏ nguyên vật liệu; việc thi công các dự án bảo đảm an toàn, tiến độ, chất lượng. Đặc biệt, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, đội giá.
Song song với việc triển khai dự án, cần bảo đảm nơi tái định cư của người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ; tăng cường hợp tác công tư để huy động nguồn lực xã hội trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Từ việc nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án giao thông, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt được Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt là "không bàn lùi, không chần chừ, không do dự, phải làm bằng được và đạt kết quả cụ thể, có thể cân đong đo đếm được".
Tầm quan trọng của hạ tầng giao thông chiến lược cũng được minh chứng trong quyết sách của Quốc hội, khi ngay tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất (1/2022), Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết 44 về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.
Chỉ một tháng sau, Chính phủ ban hành Nghị quyết 18, Nghị quyết 119 để triển khai, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và ấn định thời gian hoàn thành dự án rất cụ thể.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh dự án đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, cùng sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng, sự vào cuộc rốt ráo của các bộ ngành, các địa phương cùng sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân vùng dự án đi qua.
Nhờ đó, chỉ trong gần một năm, một khối lượng công việc lớn đã được giải quyết, từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, đảm bảo đủ điều kiện khởi công toàn bộ 12 dự án, rút ngắn 1/2 thời gian làm thủ tục so với cách làm trước đây.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông với tổng chiều dài 2.063 km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau, kết nối Hà Nội và TPHCM, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, địa bàn chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước, có quy mô rất lớn, vai trò động lực, tác động lan tỏa mạnh mẽ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cùng với nhiều tuyến cao tốc khác đang được đầu tư trên khắp cả nước. Bởi vậy, việc đẩy nhanh các dự án thành phần trong tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và khởi công 12 dự án thành phần giai đoạn 2 được Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Ngay trong tháng đầu tiên của năm mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục đi thị sát và đôn đốc tiến độ các dự án.
Ngày 15/1, trong chương trình công tác tại Nam Định, Thủ tướng đã nghe báo cáo về quy hoạch phát triển, khảo sát thực địa một số dự án hạ tầng giao thông tại Nam Định, thúc đẩy tiến độ triển khai tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.
Thủ tướng nhìn nhận đây là tuyến đường có tầm quan trọng chiến lược và khi hoàn thành sẽ tạo đột phá cho toàn bộ khu vực ven biển, vùng Đông Nam Đồng bằng sông Hồng. Do đó, phải tập trung nguồn lực để đầu tư sớm xây dựng, hoàn thành tuyến đường, giúp các địa phương trong vùng có thêm động lực, không gian phát triển mới.
Chỉ đạo xây dựng tuyến đường này với tốc độ tối đa khoảng 120km/h, Thủ tướng lưu ý phương án tài chính cần tính toán kỹ, tránh "chưa làm đường đã đếm xe, chưa làm sân bay đã đếm khách". Ông dẫn chứng nhiều dự án giao thông sau khi hoàn thành có lưu lượng xe vượt xa dự tính ban đầu, có thể tăng hàng trăm phần trăm so với trước, nên cần tính toán kỹ.
Chiều 26/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đôn đốc dự án Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1.
Hầm Dốc Sạn và dự án Nha Trang - Cam Lâm cũng là những địa điểm mà trong chuyến công tác "xuyên Tết, xuyên Việt" đầu năm 2022, Thủ tướng đã tới kiểm tra, đôn đốc, động viên. Lần này, Thủ tướng quay lại và cùng lãnh đạo các bộ đã giải quyết ngay 4 đề xuất của nhà đầu tư, nhà thầu liên quan tới chi phí dự án, vấn đề kỹ thuật, thiết kế để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tối 28/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện 10 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017-2020) và giai đoạn 2 (2021-2025) từ Ninh Bình đến Quảng Trị, trong đó 1 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đang triển khai.
Trước đó, trong ngày, Thủ tướng và đoàn công tác đã di chuyển trên quãng đường gần 500 km qua các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, kiểm tra thực địa các dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc giai đoạn 1 và dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi thuộc giai đoạn 2.
Kết thúc cuộc họp lúc 21h tối, Thủ tướng yêu cầu với các dự án cao tốc nói chung cần tránh tình trạng chia quá nhỏ các gói thầu, có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực.
Rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, Thủ tướng đã yêu cầu mỗi gói thầu trong giai đoạn 2 ít nhất phải khoảng 50km. Từng cảnh báo vấn đề này cách đây một năm, ông đề nghị Bộ Công an vào cuộc để làm rõ, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.
Với các đơn vị tư vấn, Thủ tướng yêu cầu tránh tình trạng "ăn xổi ở thì", như cao tốc chỉ làm 2 làn đường, vừa làm xong đã phải làm lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Thủ tướng quán triệt cao tốc ít nhất phải có 4 làn xe hoàn chỉnh với các nút giao, điểm dừng, làn dừng…
Tháo gỡ kịp thời vướng mắc, quyết tâm thay đổi hệ thống giao thông
Làm bằng được 544km cao tốc, tháo gỡ nút thắt hạ tầng cho miền Tây, quyết tâm thay đổi hệ thống giao thông ĐBSCL trong nhiệm kỳ này… cũng là mục tiêu được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi đi kiểm tra hiện trường và làm việc với các bộ, ngành, địa phương để kiểm điểm, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ vướng mắc của các dự án đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL, hồi cuối tháng 1.
Nêu rõ ĐBSCL có 2 "nút thắt" phát triển về hạ tầng và nhân lực, Thủ tướng cho biết Nhà nước dành nguồn lực tương đối lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại ĐBSCL, quyết tâm trong nhiệm kỳ này với mục tiêu làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đường thủy nội địa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ ý tưởng phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó dự kiến sẽ làm trước đoạn TPHCM - Cần Thơ.
Bên cạnh các chuyến thị sát, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì nhiều cuộc họp nhằm giải quyết vướng mắc, đốc thúc tiến độ các công trình.
Chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT hồi giữa tháng 4, Thủ tướng đề cập từng dự án và từng vấn đề cần tháo gỡ.
Nhấn mạnh đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển đến đó, không có đường thì không thể phát triển công nghiệp, Thủ tướng quán triệt phải tập trung cho nhiệm vụ này, tạo tích cực kép, vừa đưa vốn vào nền kinh tế, tạo động lực tăng trưởng trong lúc này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh phải phê duyệt dự án nhanh, nhanh chóng khởi công các công trình; những dự án nào đã khởi công thì tập trung thi công "3 ca 4 kíp" và địa phương đó ưu tiên hỗ trợ công trình đó.
Tinh thần khẩn trương, quyết liệt là thế, song thực tế, nhiều dự án thành phần trong tuyến cao tốc Bắc - Nam thiếu trầm trọng nguồn nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là thiếu nguồn cung vật liệu đất đắp. Nếu không kịp thời tháo gỡ thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu, cao tốc Bắc - Nam sẽ đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ.
Việc hàng chục dự án đường cao tốc quy mô lớn được triển khai cùng lúc khiến nhu cầu về đất đắp, đá, cát xây dựng tăng đột biến, gây khó khăn cho cả chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền các địa phương.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, ngay cả khi được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, việc giải quyết bài toán nguồn cung vật liệu xây dựng không dễ có lời giải cho cả chính quyền địa phương và các nhà thầu.
Nắm bắt tình trạng qua các chuyến thị sát thực tế, ngay lập tức, Thủ tướng đã có chỉ đạo, Chính phủ cũng ban hành 2 nghị quyết cùng nhiều chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ, giải quyết vấn đề cấp phép mỏ vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam, trong đó có Nghị quyết 60 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020. Nhiều vướng mắc về cơ chế cơ bản được tháo gỡ - đây là "chìa khóa" giải quyết nút thắt về vật liệu phục vụ thi công dự án.
Dù có những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, nhiều cuộc làm việc của lãnh đạo Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương cùng những nghị quyết nhằm tháo gỡ, vấn đề về nguồn cung vật liệu vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Mới đây nhất, đầu tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục ban hành công điện giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị để tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng nhằm triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.
Trao đổi với Báo Dân trí, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An rất tâm đắc với những chỉ đạo quyết liệt, sát sao từ Chính phủ, Thủ tướng nhằm đốc thúc triển khai hàng loạt dự án cao tốc.
Theo ông An, trước những khó khăn từ việc triển khai trong thực tế, Chính phủ và các lãnh đạo Chính phủ đã nhanh chóng, kịp thời có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tháo gỡ.
Bí thư Bình Thuận dẫn chứng việc Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết tháo gỡ trong việc khai thác mỏ vật liệu để đắp đất nền. Đặc biệt, nghị quyết có sự sáng tạo giúp tiết kiệm chi phí quốc gia khi yêu cầu các địa phương giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công, tuyệt đối không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại các mỏ vật liệu.
Chính phủ quán triệt nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
"Chính phủ, Thủ tướng rất quyết liệt, rất sâu sát với chỉ đạo phải dành sự ưu tiên cao nhất các điều kiện về nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông, nhất là các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc. Nhờ vậy, các địa phương, bộ ngành cũng như đơn vị thi công gặp khó khăn, trở ngại đều được tháo gỡ kịp thời", theo lời ông An.
Bên cạnh đó, Bí thư Bình Thuận cho biết Chính phủ còn có cơ chế thúc đẩy các Ban quản lý đẩy nhanh tiến độ thi công bằng cơ chế thưởng - phạt đơn vị thi công. Theo đó, với những đơn vị thi công đảm bảo tiến độ sẽ được thưởng, xem xét cho thực hiện các gói thầu mới.
Ngược lại, những đơn vị chây ì, không có năng lực, nhận dự án nhưng để đó không triển khai, sẽ bị xử phạt và không có cơ hội tham gia các gói thầu sau.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần đi thị sát, thực tế trên các công trường thi công cao tốc và luôn chỉ đạo sát sao, theo Bí thư Bình Thuận, có ý nghĩa quan trọng trong việc đốc thúc tiến độ thi công.
Thậm chí, có những dự án Thủ tướng đến kiểm tra trong 2 năm liên tiếp vào cùng một thời điểm để đánh giá và đôn đốc tiến độ.
Riêng với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ông An cho biết Thủ tướng cũng 2 lần trực tiếp đi thị sát, kiểm tra.
"Người đứng đầu Chính phủ quyết liệt như vậy, liệu địa phương có cảm thấy áp lực?", PV Báo Dân trí đặt câu hỏi. Bí thư Bình Thuận nói rằng đó không phải áp lực, mà ngược lại, là động lực to lớn cho địa phương cũng như các đơn vị thi công.
"Khi Thủ tướng sâu sát, quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, địa phương phải tìm mọi cách thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm cho tốt. Bình Thuận cũng nhận thấy sớm hoàn thành cao tốc là cơ hội lớn nên địa phương rất cũng có trách nhiệm trong việc này", theo chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua, trong đó xác định một trong ba đột phá chiến lược là "tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Thực hiện: Hoài Thu