DMagazine

20 người phụ nữ trong "gia đình một vú" và lời hứa chăm nhau đến lúc chết

(Dân trí) - Hơn 20 người phụ nữ, hơn 20 hoàn cảnh, nhưng nhiều năm nay họ có 3 điểm chung: Chung mái nhà, chung căn bệnh ung thư và chung lời hẹn thề chăm sóc nhau đến lúc mất.

Hơn 20 người phụ nữ, hơn 20 hoàn cảnh, nhưng nhiều năm nay họ có 3 điểm chung: Chung mái nhà, chung căn bệnh ung thư và chung lời hẹn thề chăm sóc nhau đến lúc mất.

Còn 30 phút nữa là 11h, giờ ăn trưa. Trên tay bà Hai Lệ (65 tuổi, quê Tiền Giang) vẫn còn 20 tớ vé số. Nếu không kịp bán hết, bà sẽ trễ bữa cơm trưa. Bà tất ta tất tưởi mời chào bệnh nhân vừa bước ra khỏi Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức).

5 phút sau, một anh thanh niên cầm phiếu kết quả khối u lành tính, ghé sát bà Hai Lệ, vui mừng bảo: "Con mua xem có hên như hôm nay không?". Nhưng bà vẫn còn hơn 9 tờ vé nữa.

Lúc sau, một người phụ nữ đưa cho bà Hai ly nước mía: "Uống đi, về ăn cơm sau". Đều đặn ngày nào cũng vậy, cứ hễ đồng hồ điểm gần 11 giờ mà bóng bà Hai Lệ chưa đổ dài thườn thượt trên chiếc cầu đi bộ trở về nhà, người phụ nữ lại sốt sắng. "Hôm nước mía, hôm bánh, hôm trái cây… Mấy lần vé dư, các cô còn đòi chia nhau mua để tui về ăn cơm, nhưng làm vậy hoài ngại lắm cậu ơi!" - bà nói.

20 người phụ nữ trong gia đình một vú và lời hứa chăm nhau đến lúc chết - 1

Ba năm trước, trong một lần khám tổng quát tại Bệnh viện Từ Dũ, bà Hai Lệ được chẩn đoán có khối u ác tính ở ruột non. Nghe xong, bà lùng bùng lỗ tai.

Cậu con trai gọi điện lên thành phố, bà chỉ kịp thông báo: "Má nhập viện, bác sĩ bảo cắt u rồi chuyển sang Ung Bướu. Khi nào hết bệnh má về"

Ấy mà, thấm thoắt đã 3 năm. Ba năm trời bà Hai Lệ bám trụ đất Sài Gòn, ngủ hành lang, ăn cơm từ thiện, và mải miết những bước chân kiên cường để đi bán từng tờ vé số tình thương.

Mãi cho đến khoảnh khắc bà bảo may mắn nhất đời, khi gặp gỡ 20 chị em đồng bệnh và cùng lập nên mái ấm: "Nhà một vú", nhằm che chở cho những phận đời bất hạnh.

20 người phụ nữ trong gia đình một vú và lời hứa chăm nhau đến lúc chết - 2

"Ban đầu ai qua đây, nhìn vào nhà cũng tò mò lắm! Hơn 20 mụ đàn bà đều trọc đầu, cộng tới cộng lui chỉ 20 cái vú…" - chị Phượng (56 tuổi) cười, giới thiệu với tôi.

Gọi là nhà nhưng thực chất đây là 2 căn phòng trọ liền kề rộng chừng 60m2, được xây dựng theo kiểu ki-ốt, nằm đối diện Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2.

20 người phụ nữ trong gia đình một vú và lời hứa chăm nhau đến lúc chết - 3

Ở Sài Gòn không thiếu những cơ sở dạng kí túc như thế này! Trong con hẻm số 5 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) nhiều năm nay vẫn được mệnh danh "Hẻm ung thư" có hàng chục ngôi nhà sát rạt, chung một mô hình: phòng riêng có vách ngăn, mức giá vài trăm nghìn đồng/ngày; ghế nằm thì 80.000-100.000 đồng/ngày; còn đúng khoảng sàn gạch đặt vừa lưng chỉ 50.000 đồng… 

Đây là cách bệnh nhân ung thư chọn để tham gia điều trị dài ngày, mặc dù điều kiện sinh hoạt vô cùng bất tiện. Nhưng kiểu nhà "nhận ít, cho nhiều" như của chị Phượng, ở Sài Gòn chỉ có một. 

Chị Phượng kể: Ba năm trước, chị được chẩn đoán mắc khối u ác tính. Mồ côi cha mẹ, không con cái, chị đã toan đầu hàng số phận. "Chị ngồi trước cổng bệnh viện, khóc hết buổi chiều. Lúc đó, chị em mới động viện, hứa sẽ chăm sóc cho đến hết đời nên chị khăn gói vào viện, cùng chung sống ở hành lang".

Tháng 5/2021, dịch Covid-19 bùng phát, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM yêu cầu bệnh nhân không tiếp tục cư ngụ tại đây. Ban đầu, chị Phượng cùng mọi người lui về sống trong căn nhà nghỉ gần đoạn đường phường Linh Trung (TP Thủ Đức). Thế nhưng, chi phí sinh hoạt cao khiến tất cả không trụ nổi. 

Chị Phượng bèn quyết định bán căn nhà bố mẹ để lại. Một phần dùng trị bệnh, một phần đặt cọc và dựng mái ấm cho bệnh nhân ung thư.

20 người phụ nữ trong gia đình một vú và lời hứa chăm nhau đến lúc chết - 5
20 người phụ nữ trong gia đình một vú và lời hứa chăm nhau đến lúc chết - 7

Chị Duyên (50 tuổi, ngụ quận Bình Tân) mắc ung thư vú vào tháng 11/2020. Chồng chạy xe ôm, con bị dị tật bẩm sinh, toàn bộ chi phí điều trị của chị đều được đổi bằng công việc chăm sóc cho bệnh nhân ung thư khác.

Mãi đến lúc gặp Phượng, chị quyết định ở viện để tiện bề giúp đỡ miễn phí. Nhiều lần chồng lên tiếng phản đối, chị Duyên vẫn tặc lưỡi: "Bệnh cũng bệnh rồi, em lấy đây làm niềm vui cuối đời".

Chị Duyên phụ trách nấu ăn cho 20 người ung thư ở "nhà một vú". Nhưng tùy lúc hóa trị, chạy tia, mổ xẻ,… sức khỏe chị em giảm sút, không thể tự ăn uống, nghỉ ngơi, chị Duyên vẫn thức trắng đêm.

"Miệng lở loét nhai cơm như ăn cát nên chị phải nấu cháo cho mọi người, khó thở thì ngồi đấm lưng, xoa bóp… Mỗi người một tay, có ca đi không nổi còn chạy xe đến rước. Ngay cả đợt dịch Covid-19 vừa rồi, nghe tin cả nhà phải ăn mì tôm, Bích dù đang bệnh vẫn một mình lặn lội chạy xe máy từ Mõ Cày (Bến Tre) đem đồ ăn lên đây để cứu trợ" - chị Duyên nói thêm.

20 người phụ nữ trong gia đình một vú và lời hứa chăm nhau đến lúc chết - 8

Ba năm sau khi ly hôn chồng, Hiếu (36 tuổi, quê ở Long An) phát hiện mình bị ung thư giai đoạn cuối. Lần đầu tiên gặp Hiếu, khuôn mặt già nua vì bệnh tật của cô gái khiến tất cả đều nghĩ Hiếu đã ngoài 60 tuổi.

"Vào toa thuốc đầu tiên, Hiếu già thêm chục tuổi. Mẹ nó có mỗi vườn rau ở quê, bao nhiêu tiền dồn hết đưa con lên Sài Gòn. Thấy bà khổ quá, tụi chị bảo bà về, Hiếu ở lại, tụi chị thay nhau chăm sóc đến nay" - chị Duyên kể thêm.

Bên cạnh, Nhị (36 tuổi, quê Phú Yên) đang ngồi ăn một mình. Dù đã ở "nhà một vú" hơn năm, nhưng cô gái vẫn ái ngại nghĩ mình là gánh nặng.

Nhị cho biết: Ba năm cô mắc bệnh ấy cũng bằng số tuổi đứa con gái. Sinh con xong, không dám dứt sữa vì thương, vậy mà qua năm cô đã bước vào giai đoạn 3B, di căn sang phổi.

"Số tiền vay 30 triệu để nằm viện không thể trả nổi, chị tính ở quê rồi mất! May mắn, chị em, hàng xóm nhất quyết bảo chị vào, góp tiền cho chị tiếp tục chạy chữa" - Nhị kể.

20 người phụ nữ trong gia đình một vú và lời hứa chăm nhau đến lúc chết - 10

Trong suốt quá trình làm báo, tôi đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân ung thư. Đứng trước câu hỏi: "Khoảng thời gian nào họ đau đớn nhất?", nhiều người cho rằng là thời khắc nhận kết quả sinh thiết, hóa trị lần đầu tiên, và đặc biệt là khi tóc họ rụng, bị mổ, sẹo chi chít khiến họ mặc cảm.

Nhưng ở "nhà một vú", 20 người phụ nữ đều sẵn lòng tháo áo cho tôi xem phần ngực chằng chịt sẹo như dây điện. Với bà Hai Lệ, chị Phượng, Duyên, Hiếu… nỗi thống khổ bệnh tật không đáng sợ bằng việc ngày mai họ còn điều kiện để tiếp tục điều trị hay không? Nhiều chị em ngày ngày vẫn đi bán vé số, nước mía, chăm sóc bệnh nhân… với mong mỏi: Đủ tiền thuốc.

20 người phụ nữ trong gia đình một vú và lời hứa chăm nhau đến lúc chết - 11

Nỗi sợ của bà Hai Lệ bắt đầu vào mỗi Chủ nhật. Bệnh viện đóng cửa buộc bà phải nghỉ bán. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ thiếu hụt chi phí thuốc. 65 tuổi, nhưng chỉ trừ trường hợp bất đắc dĩ chiếc chân lỏng lẽo ở tuổi già đau nhức, bà mới dám nghỉ ngơi. 

11h, mâm cơm trưa đã bày sẵn dưới đất. Tốp 10 người đầu tiên đã ngồi kín sàn nhà. Xong xuôi, tốp sau tiếp tục ăn cơm. Hiện "nhà một vú" có hơn 20 bệnh nhân, nhưng cũng tùy lúc có thể cùng sinh sống đến 25 người. Ngoài tiền sinh hoạt, 3 buổi cơm/ngày cho từng ấy bệnh nhân cũng là khoản chi phí vô cùng nặng nề.

"Bởi để đảm bảo sức khỏe cho chị em vào thuốc, chúng tôi đều cân nhắc các thực phẩm bổ dưỡng. Ai có kinh tế góp chung 100.000 đồng/ngày, bù trừ cho hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng vẫn có lúc không đủ…" - chị Phượng tâm sự.

Đầu năm 2022, may mắn được mạnh thường quân hỗ trợ chiếc xe nước mía, chị em chung tay buôn bán để cải thiện bữa ăn. Nếu có khách bệnh viện yêu cầu, mọi người sẽ thay phiên nhau ship hàng, chạy xe ôm với mong mỏi được đồng nào hay đồng ấy.

20 người phụ nữ trong gia đình một vú và lời hứa chăm nhau đến lúc chết - 13
20 người phụ nữ trong gia đình một vú và lời hứa chăm nhau đến lúc chết - 14

Hơn 20 người phụ nữ, hơn 20 hoàn cảnh đáng thương! Dù sự sống đang được tính bằng năm, bằng tháng, thậm chí là tuần, nhưng tất cả đều khát sống. 

"Ở chen chúc, đông đúc, chẳng có thời gian riêng, không gian riêng để buồn. Nhìn nhau tận cùng cái khổ cũng chả biết phải ganh tị gì thêm ở đời. Chết rồi rồi, đâu biết sau đó mình sẽ ra sao nên giờ tụi chị không lo sợ nữa" - chị Bích cười.

"Vậy điều gì mới khiến các chị sợ?" - tôi hỏi ngược lại chị.

"Tiễn đồng đội của mình chết". Chị Bích lặng hẳng.

Tính cả người vừa ra đi cách đây 3 ngày, "nhà một vú" đã tiễn biệt hết thảy 6 bệnh nhân. Già có, trẻ có. Cứ dăm ba hôm, một bệnh nhân thông báo "bác sĩ cho về", cả nhà đều nghẹn ngào. Chuyến đi cuối cùng đó không bao giờ trở lại, không một lời từ biệt, chị Duyên chỉ biết trích ít tiền gửi lên chùa cúng dường với mong mỏi "kiếp sau không còn đau đớn nữa".

Cả buổi chiều nắng không ngừng hắt qua ô cửa sắt. Trải qua 8 toa hóa chất, phẫu thuật rồi xạ trị, chị Phượng cả ngày nằm lả trên chiếc ghế xếp.

20 người phụ nữ trong gia đình một vú và lời hứa chăm nhau đến lúc chết - 15

Buổi chiều 21/2, chị Phượng nhờ luật sư đến nhà. Chị quyết định chuyển toàn bộ tài sản còn lại làm của chung cho "nhà một vú". Chị còn dặn chị Duyên: "Mai mốt có mất, em đưa tro cốt chị lên chùa. Còn cái nhà này, dù thế nào vẫn phải thay chị tiếp tục duy trì". 

Điều chị Phượng mong ước cuối cùng khiến tất cả nghẹn ngào…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 tại Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc ung thư mới, trong đó 122.690 ca tử vong, tương đương 336 người/ngày.

Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng với năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, tình hình mắc và tử vong do ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng tăng qua các năm. 

Nội dung: Huy Hậu

Ảnh: Hải Long      

Thiết kế: Khương Hiền.