2 đại biểu doanh nhân đề xuất xây dựng luật mới
(Dân trí) - Chủ tịch HĐQT Cty CP đầu tư Tân Đức Đặng Thị Hoàng Yến (đại biểu Long An) đề nghị làm Luật Bảo vệ quyền riêng tư. Giám đốc một BVĐK, một trung tâm khám chữa bệnh - đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) đề nghị soạn Luật Nhà văn ngay trong năm 2011.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến nêu thực tế để chứng minh tính cấp thiết của việc xât dựng một đạo luật Bảo vệ quyền riêng tư: “Hiện nay, tình trạng thông tin, hình ảnh cá nhân bị khai thác, sử dụng tràn lan nhưng không được sự cho phép của chủ nhân, dẫn đến những thiệt hại vật chất, tinh thần của công dân nhưng chưa có đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ”.
Tại văn bản gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Yến mong Ủy ban xem xét cân nhắc tính chất cần thiết của dự án luật trong việc bảo vệ quyền riêng tư, quyền con người đang bị nhiều phần tử xấu lợi dụng trục lợi trong khi luật pháp chưa có các quy định rõ ràng.
Theo đó, một trong những nội dung cơ bản của dự án luật là xây dựng cơ sở pháp lý thống nhất bảo đảm quyền bí mật riêng tư trên cở sở pháp điển hóa các quy định hiện hành về quyền bảo vệ bí mật riêng tư của tổ chức, cá nhân.
Nữ doanh nhân từng đối mặt với chuyện tố cáo, nghi ngờ tư cách đề nghị xem xét thông qua là từ khi trình dự án cho đến hết năm 2013 với một phần kinh phí huy động từ các nguồn tài trợ.
Đại biểu Nguyễn Minh Hồng, với tư cách hội viên Hội nhà văn nêu quan điểm cần có luật cho các hoạt động của nhà văn và đề nghị thông qua tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10 tới). Ông Hồng lý luận, thực trạng văn học đang đặt ra rất nhiều vấn đề như viết về các nhân vật lịch sử như nào (hiện nhiều tranh cãi vì bóp méo, xuyên tạc, làm biến dạng lịch sử), văn học ám chỉ - dòng văn học để hạ bệ, xâm hại cá nhân, tranh chấp bản quyền hồi ký, các hiện tượng đạo văn trắng trợn…
Ông Hồng cũng dẫn nhiều nước lân cận như Thái Lan đã có Luật Văn học từ năm 1993 để chứng minh cho tính cấp thiết phải xây dựng luật này.
Theo đó, đại biểu đề nghị UB Thường vụ chỉ đạo soạn thảo Luật, giao UB Pháp luật chủ trì cùng Hội nhà văn Việt Nam soạn thảo dự luật.
Nguồn lực xây dựng được đề xuất từ quỹ của Luật, từ Hội nhà văn và từ các nhà tài trợ.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, cá nhân liên quan tiếp tục chuẩn bị hồ sơ theo quy định và trình Quốc hội xem xét, quyết định khi có đủ điều kiện cần thiết theo luật định.
P.Thảo