Chủ tịch Hà Nội:
1.800 tỷ cải tạo tập thể Nguyễn Công Trứ, bằng tiền xây cả khu đô thị mới!
(Dân trí) - Than khó, “tắc” trong hướng cải tạo các khu chung cư cũ của Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho biết, để xử lý khu tập thể Nguyễn Công Trứ phải mất 1.800 tỷ đồng, bằng tiền xây cả khu đô thị mới cho người dân ở đây chuyển đi…
Chiều 12/8, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng có cuộc kiểm tra thực tế tại khu tập thể thuộc diện nguy hiểm, đã có quyết định phải di dời dân - nhà C8 Giảng Võ và làm việc với UBND Hà Nội về tiến độ cải tạo các chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Nhà C8 có 3 đơn nguyên, đơn nguyên III đã xuống cấp nghiêm trọng, được kiểm định và xếp diện nguy hiểm hạng D nhưng vẫn chưa di chuyển được người dân đến khu tạm cư để tiến hành cải tạo, sửa chữa. Hà Nội có biện pháp tạm thời là gia cố cầu thang bằng hệ thống cột chống, giằng thép.
Cầu thang tại đơn nguyên III nhà C8 Giảng Võ Hà Nội được gia cố bằng cột chống, giằng thép như thế này.
Báo cáo về tình hình, tiến độ cải tạo các khu chung cư cũ của Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng cho biết, từ năm 2009 đến nay, công việc không có bước tiến nào đáng kể. Trong số 1.155 khu chung cư cũ, trong đó có 165 khu nhà được xếp vào diện xuống cấp nguy hiểm, cần di dời dân, phá bỏ, cải tạo, thực tế, hiện mới chỉ có nhà B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, 1, 2, 3 Thái Hà, P3 Phương Liệt được cải tạo hoàn thành, đưa vào sử dụng; C7, B6 Giảng Võ, C1 Thành Công đang thi công, 51 Huỳnh Thúc Kháng, 148-10 Sơn Tây đã tổ chức di dời, tạm cư…
Rất nhiều điểm vướng được nêu ra. Đầu tiên, về quy hoạch kiến trúc, theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt, ở 4 quận nội thành cũ phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu người xuống còn 0,8 triệu người; trong khi các chung cư cũ lại tập trung ở khu vực này. Bên cạnh đó, các công trình bị khống chế chiều cao, nên việc xây dựng lại mất cân đối lớn về tài chính (như nhà N3 Nguyễn Công Trứ mất cân đối 300 tỷ đồng, nếu làm toàn bộ khu vực là 1.800 tỷ đồng).
Chính sách GPMB, tái định cư không được sự đồng thuận của nhân dân. Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng cho biết: “Vướng mắc lớn trong quá trình triển khai là cân đối lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và nhân dân. TP đã nghiên cứu hệ số tái định cư cao lên đến 1,4 nhưng vẫn rất khó khăn. Các chung cư cũ đang ngày càng xuống cấp, gây nhiều lo ngại cho công tác quản lý”.
Ngoài ra, tình hình kinh tế không thuận (đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản), giá cả nguyên vật liệu tăng cao… cũng là nguyên nhân tác động trực tiếp đến nhà đầu tư, khiến công tác cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ chưa thực hiện quyết liệt được.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Phạm Quý Tiên dẫn chứng cụ thể về dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ đang được thí điểm với nhà N3. Tổng mức đầu tư để cải tạo khu nhà nhà đầu tư đưa ra là 503 tỷ, trong đó dự kiến kinh phí thu hồi lại từ 300 hộ dân được tái định cư tại chỗ chỉ khoảng 200 tỷ. Mức mất cân đối tài chính như vậy lên tới 302 tỷ đồng.
Góp lời, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phân tích, nếu làm cả khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Hà Nội phải chi 1.800 tỷ đồng. Số tiền đó đủ để xây dựng cả một khu đô thị mới ngoài khu vực nội thành để đưa toàn bộ dân sinh sống tại khu vực này ra ngoài. Thành phố thì còn lại được một khu đất vàng ở nội đô để thực hiện dự án hạ tầng, đối trừ vốn đầu tư và thậm chí làm thêm công viên cây xanh tại đây… Tuy nhiên, nan giải là người dân không chấp nhận phương án di dời mà chỉ muốn được tái định cư tại chỗ.
Chia sẻ những khó khăn, ách tắc Hà Nội phải đối diện trong nhiệm vụ này, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng ghi nhận những nỗ lực của thành phố để giải quyết vấn đề. Theo ông Dũng, nhà C8 Giảng Võ cho thấy cơ quan quản lý đã tỏ rõ trách nhiệm khi chưa di dời được dân thì cũng đã tiến hành gia cố khẩn cấp toà nhà bằng cách hàn cột chống, giằng thép… để chống đỡ thêm, phòng ngừa khả năng xảy ra mất an toàn đối với công trình. Cuộc sống của người dân, theo đó, đến thời điểm này vẫn được đảm bảo.
Người đứng đầu ngành Xây dựng bày tỏ lo lắng, số khu chung cư mất an toàn thực tế có thể vượt hơn nhiều con số 165 khu nhà mà UBND Hà Nội kiểm định đưa ra. Ông Dũng đề nghị thực hiện nghiêm công văn của Bộ về vấn đề kiểm định chung cư cũ, nếu trung tâm kiểm định của Sở Xây dựng quá tải thì cần nhờ đơn vị bên ngoài hỗ trợ thêm.
Bộ trưởng Xây dựng ủng hộ đề xuất của thành phố về phương thức huy động đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp tham gia cải tạo chung cư cũ với hướng xem xét lại quy định về tầng cao công trình, cho phép bán phần dôi dư cho dân nội đô để vừa đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư, vừa bảo toàn, không làm tăng thêm dân số khu vực nội thành.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có khoảng 1.155 nhà chung cư cao từ 4-6 tầng và 10 khu thấp tầng, từ 1-3 tầng (những nhà thấp tầng này đến nay hầu hết đã bán theo Nghị định 61/CP và người dân đã tự bỏ kinh phí để cải tạo lại do TP quản lý, ký hợp đồng cho các hộ dân thuê với diện tích 1,7 triệu m2 cần cải tạo, xây dựng lại; ngoài ra còn có các khu nhà tập thể đơn lẻ, chưa bàn giao cho TP. Các nhà chung cư cũ trên địa bàn TP đa phần được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước. Trong quá trình sử dụng các hộ đã tự cơi nới, phát triển trên diện tích đất trống, ngoài sân nên đa số dân và diện tích các khu chung cư đã tăng hơn 1,5 lần so với thiết kế ban đầu. |
P.Thảo