1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

14 tuyến đường dang dở suốt nhiều năm vì chờ đấu nối ở Quảng Trị

Nhật Anh

(Dân trí) - 14 tuyến đường ở Quảng Trị dù đã xây dựng từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì chưa được đấu nối vào quốc lộ 1A. Nguyên nhân chính là bởi chủ đầu tư dự án BOT không đồng ý.

Đường Trần Phú, nối trung tâm thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) về Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong được khởi công xây dựng năm 2016.

Đến nay, tuyến đường cơ bản hoàn thành, tuy nhiên còn khoảng 50m tại điểm giao với quốc lộ 1A chưa thể thi công vì vướng mắc liên quan đến việc đấu nối.

"Cả tuyến đường dài nhà thầu họ đã làm xong từ lâu, nhưng đoạn đấu nối mãi để vậy, có 2 đống đá dăm chặn lại. Nhà nước đầu tư đường rộng, đẹp mà giờ không thể đi quá lãng phí", ông Hồ Văn Xuân, trú xã Triệu An, huyện Triệu Phong phản ánh.

14 tuyến đường dang dở suốt nhiều năm vì chờ đấu nối ở Quảng Trị - 1

Tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong có 14 tuyến đường chưa được đấu nối vào quốc lộ 1A (Ảnh: Nhật Anh).

Cách đường Trần Phú khoảng 500m, điểm đầu của đường Nguyễn Phúc Nguyên dẫn vào cụm công nghiệp Đông Ái Tử, thị trấn Ái Tử, cũng chưa được đấu nối vào quốc lộ 1A.

Ông Hồ Ngọc Hùng, đại diện doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Đông Ái Tử cho biết, do không được đấu nối vào quốc lộ nên tuyến đường nham nhở, không đèn tín hiệu khiến việc đi lại của hàng ngàn lao động, phương tiện vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nguy cơ mất an toàn giao thông.

"Mong muốn cơ quan chức năng làm sao đấu nối, hoàn thiện điểm giao nhau với quốc lộ 1A để công nhân đi lại thuận lợi, hàng hóa lưu thông mới phát triển được", ông Hùng bày tỏ.

Đường Trần Phú và Nguyễn Phú Nguyên là 2 trong 14 tuyến đường ở thị trấn Ái Tử chưa được đấu nối vào quốc lộ 1A. Nhiều năm qua, huyện Triệu Phong, UBND tỉnh Quảng Trị không ít lần đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho các tuyến đường được đấu nối vào quốc lộ, thế nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Nguyên nhân 14 đường ngang ở thị trấn Ái Tử không được đấu nối vào quốc lộ 1A là vì Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh (Tập đoàn Trường Thịnh), chủ đầu tư dự án đường BOT qua huyện Triệu Phong "sợ" việc đấu nối khiến các phương tiện tham gia giao thông né trạm thu phí.

14 tuyến đường dang dở suốt nhiều năm vì chờ đấu nối ở Quảng Trị - 2

Các tuyến đường dang dở khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Nhật Anh).

Để đảm bảo khả năng hoàn vốn theo phương án tài chính của hợp đồng BOT được ký kết giữa Bộ GTVT với nhà đầu tư, Tập đoàn Trường Thịnh chưa đồng ý việc bổ sung quy hoạch đấu nối các đường ngang vào quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Ái Tử.

Bà Hoàng Thị Hồng Huế, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Triệu Phong, cho biết, 6 năm qua chính quyền địa phương đã có nhiều kiến nghị liên quan đến vấn đề nêu trên.

Năm 2018, UBND huyện Triệu Phong trực tiếp làm việc với Bộ GTVT và Tổng Cục đường bộ Việt Nam để nộp hồ sơ đề xuất quy hoạch đấu nối các tuyến đường với quốc lộ. UBND huyện Triệu Phong cũng làm việc với các bên liên quan về việc bổ sung quy hoạch đấu nối.

Nhưng sau đó, Tập đoàn Trường Thịnh có văn bản gửi Tổng Cục đường bộ Việt Nam, không đồng ý bổ sung quy hoạch các điểm đấu nối vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư.

14 tuyến đường dang dở suốt nhiều năm vì chờ đấu nối ở Quảng Trị - 3

Chủ đầu tư dự án đường BOT "sợ" các phương tiện giao thông né trạm thu phí (Ảnh: Nhật Anh).

Bà Huế cho rằng, trong 14 tuyến đường cần đấu nối, có 12 tuyến hình thành trước khi dự án mở rộng quốc lộ 1A, được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Việc đấu nối các tuyến đường ở thị trấn Ái Tử không làm ảnh hưởng đến lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí.

Ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị, cho hay, có 2 khó khăn trong việc đấu nối 14 đoạn đường ở thị trấn Ái Tử, đầu tiên là quy hoạch, giải phóng mặt bằng của UBND huyện Triệu Phong và thứ 2 là chưa có sự thống nhất của Tập đoàn Trường Thịnh.

"Để giải quyết vấn đề này là rất khó, nhưng Sở sẽ phối hợp với UBND huyện Triệu Phong hoàn thành quy hoạch đấu nối, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định và đàm phán với nhà đầu tư BOT để đi đến thống nhất", ông Hùng nói.