1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

10 năm sau thảm họa Chanchu: Vẫn ngóng trông người thân trở về!

(Dân trí) - Đã 10 năm trôi qua, hàng chục người vợ, người mẹ ở “làng Chanchu” xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn bấu víu vào một niềm hy vọng mong manh, rằng một ngày nào đó, chồng con họ sẽ trở về...

Cách đây đúng 10 năm, ngày 18/5/2006, cơn bão Chanchu từ Philippines đổ bộ vào biển Đông và nhắm thẳng vào vùng biển miền Trung. Hàng ngàn ngư dân đang đánh bắt trên biển chạy lên phía Bắc tránh bão nhưng không may, cơn bão Chanchu không đổ bộ vào đất liền mà “đuổi” theo những ngư dân ở các tỉnh miền Trung. Hậu quả là hàng trăm ngư dân trên hàng chục tàu thuyền phải bỏ mạng lại biển khơi, đến nay vẫn không tìm thấy thi thể.

Những ngôi mộ gió trong nghĩa trang gia tộc

Trong các địa phương có ngư dân đi biển ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng… xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có nhiều ngư dân bị nạn nhất, lên đến 87 người. Xã Bình Minh vì thế cũng bị gọi “chết” với cái tên Chanchu kể từ đó.

Bà Nguyễn Thị Thang ra thăm mộ chồng. Dù là mộ gió nhưng được bà xây tươm tất
Bà Nguyễn Thị Thang ra thăm mộ chồng. Dù là mộ gió nhưng được bà xây tươm tất

Ngày 17/5, PV Dân trí về xã Bình Minh để thăm lại những người vợ, người mẹ ở “xóm Chanchu”.

Tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Thang (45 tuổi, thôn Hà Bình) vừa lúc bà đi chợ bán cá về. Bà dắt tôi ra bàn thờ chồng và dẫn ra ngôi mộ gió cách nhà gần 1km. Vừa đi, bà vừa tâm sự về cuộc sống, hoàn cảnh trong 10 năm qua sau thảm họa Chanchu.

Bà kể năm đó, chồng bà là ông Nguyễn Văn Lộc ra khi đi mới 36 tuổi đời - cái tuổi đang tràn đầy sức sống. Ông Lộc lúc đó là máy trưởng tàu cá cho người thân trong xóm, là lao động chính nuôi cả gia đình với vợ và 4 người con.


Hai ngôi mộ gió của 2 người cháu bà Thang cùng đi trên chuyến tàu với chồng.

Hai ngôi mộ gió của 2 người cháu bà Thang cùng đi trên chuyến tàu với chồng.

Bà Thang kể: “Hôm đó, cả xã nháo nhào chạy đến nhà chủ tàu để nghe Icom báo về. Không ai tin là “hắn” (bão Chanchu-PV) lại đuổi theo những tàu cá đã ngược lên phía Bắc để tránh “hắn”. Cuối cùng, tin dữ cũng báo về, hàng chục người trong xã bỏ mạng ngoài biển. Chồng tôi cũng không trở về…”.

Vừa kể, bà Thang vừa rơm rớm nước mắt. Sau khi tai họa ập xuống, bà một thân nuôi 4 đứa con. “Vất vả lắm. Trụ cột trong nhà không còn nữa thì một thân tôi làm sao nuôi nổi 4 đứa con nhỏ. Cũng may lúc đó cả xã hội quan tâm giúp đỡ nên gia đình tôi cũng như một số gia đình khác cũng qua được khó khăn”, bà Thang vừa kể vừa lau nước mắt.

Người vợ tâm sự về 10 năm sau khi mất chồng trong trận bão Chanchu.

Biết không thể đưa được thi thể chồng về, bà Thang lập một ngôi mộ gió để có nơi ra thăm viếng, thắp nhang cho lòng khuây khỏa. Dù là mộ gió nhưng bà cũng xây cất rất tươm tất, sạch sẽ.

Dắt tôi đến hai mộ gió của 2 đứa cháu cùng trên tàu với chồng mình hôm đó, bà Thang cho biết đây là 2 đứa cháu gọi bà bằng dì, cũng không tìm thấy thi thể...

Ánh nắng chiều cuối ngày đã dần tắt, trên đường từ nghĩa trang trở về nhà, bà Thang kể rằng chuyện của mình và của cái làng này cứ như là không xảy ra. “Mỗi ngày tôi vẫn trông chờ ổng về dù biết là không thể. Tôi cứ nghĩ chồng mình như đang đi biển và sẽ trở về chứ không nghĩ ổng đã chết, vì ổng chết là có thi thể thì lúc đó tôi mới tin là sự thật”, bà Thang tâm sự.

Cuộc sống mới ở làng Chanchu

Trong số 87 ngư dân bỏ mạng do bão Chanchu ở xã Bình Minh, đa số nạn nhân ở thôn Bình Tịnh với 62 nạn nhân. Ở đây, trong nghĩa trang Rừng Tràm của thôn có rất nhiều mộ gió.

Bà Nguyễn Thị Nhỏ cùng con gái út 12 tuổi ra thăm mộ gió của chồng
Bà Nguyễn Thị Nhỏ cùng con gái út 12 tuổi ra thăm mộ gió của chồng

Bà Nguyễn Thị Nhỏ có chồng là ông Nguyễn Hồng Nên cũng mất tích trong bão Chanchu. Bà Nhỏ năm nay gần 60 tuổi, còn chồng bà lúc bị nạn 53 tuổi. Dẫn đứa con nhỏ năm nay 12 tuổi ra thăm mộ gió của chồng, bà kể sau khi chồng mất, cuộc sống gia đình rất khó khăn.

Do chồng là lao động chính nên sau khi chồng mất, mọi việc chi tiêu trong nhà đều phụ thuộc vào đôi vai của bà. “Lúc đó, các tổ chức, cá nhân có đến chia sẻ giúp đỡ nên 5 đứa con của tôi cũng qua được khó khăn. Giờ 4 đứa đã có nơi có chốn, còn 1 đứa đang học lớp 6 tôi cũng ráng nuôi lớn rồi có nhắm mắt cũng an lòng”, bà Nhỏ tâm sự.

Bà nói, mỗi ngày thấy bạn tàu đi về mà lòng bà buồn không thể tả. Bà cũng ngóng trông chồng mình trở về nhưng đã 10 năm rồi, hy vọng mỗi ngày lại lụi tàn theo thời gian, nhưng bà vẫn bấu víu vào niềm hy vọng mong manh đó để cố gắng vươn lên.

Vì quan niệm của người dân ở đây, khi nhìn thấy thi thể mới tin là mình đã mất người thân thật sự, còn những ngôi mộ kia dù tươm tất, to đẹp bao nhiêu nhưng bên dưới chỉ là cát và hình nộm thì người nhà vẫn còn hy vọng.

Con đường về xã Bình Minh những ngày này rợp bóng cờ hoa chuẩn bị cho ngày bầu cử toàn quốc sắp đến (22/5). Đường sá trải nhựa phẳng lỳ về đến tận thôn xóm, nhiều nhà cao tầng mọc lên, xe máy đắt tiền chạy đầy đường, chứng tỏ cuộc sống của người dân nơi đây đã qua cơn nghèo khó.

Ngôi mộ gió của ông Đặng Ngọc Lợi cùng 2 người con của ông là Đặng Ngọc Tư và Đặng Ngọc Năm ở thôn Bình Tịnh
Ngôi mộ gió của ông Đặng Ngọc Lợi cùng 2 người con của ông là Đặng Ngọc Tư và Đặng Ngọc Năm ở thôn Bình Tịnh

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Tám – Phó Chủ tịch xã Bình Minh – cho biết, trong thảm họa Chanchu, xã có 87 người bị chết, trong đó có 50 người chồng, 37 người con; trong số đó chỉ có 7 người tìm được thi thể.

Cũng theo ông Tám, sau 10 năm, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ giúp đỡ vật chất, tinh thần cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nên con cái các nạn nhân đều được đi học và được cấp học bổng; cuộc sống người dân có thân nhân bị thiệt mạng trong cơn bão Chanchu đã cơ bản ổn định.

Địa phương cũng tạo điều kiện cho những người thân này vào các xí nghiệp, cơ sở làm công nhân để đảm bảo cuộc sống. Đến nay tỉ lệ hộ nghèo của các hộ Chanchu còn chưa đến 10%...

Cơn bão Chanchu xảy ra trong 2 ngày 17-18/5/2006 (tức ngày 20-21 tháng Tư âm lịch. Năm nay, tính theo lịch âm, ngày giỗ của các nạn nhân trùng vào các ngày 26-27/5/2016).

Theo những người dân ở xã Bình Minh, năm nào cũng vậy, trong 2 ngày giỗ, chợ ở xã Bình Minh và các xã xung quanh luôn “cháy” hoa cúng và trái cây. Người đi, người đến để làm giỗ đông nghịt.

Năm nay, đúng 10 năm xảy ra thảm họa, người dân cho biết ngày giỗ cho các nạn nhân sẽ tổ chức tươm tất hơn các năm trước.

Công Bính