Khách đến nhà mình phải tiếp, nhưng thật nản những người thiếu văn hóa
(Dân trí) - Từ câu chuyện của một số du khách Trung Quốc cư xử thiếu văn minh, văn hóa như đốt tiền Việt trong quán bar, thô lỗ với người bán hàng rong trên đường phố..., nhiều người hoạt động kinh doạnh dịch vụ du lịch bày tỏ cảm thán rằng khách đến nhà mình phái tiếp, nhưng thật nản những người thiếu văn hóa.
Trước câu chuyện về người bán hàng rong ở Đà Nẵng bị một số du khách Trung Quốc cư xử thô lổ khi từ chối nhận tiền tệ, chỉ lấy tiền Việt khi bán hàng, nhiều người chia sẻ những lần chứng kiến những du khách cư xử thiếu văn minh, văn hóa như vậy không phải là hiếm.
Anh H., chủ một cửa hàng thủy hải sản ở Đà Nẵng kể: “Hải sản của mình còn tươi sống, nguyên con. Họ cầm lên thả xuống ầm ầm, gãy cả càng cua càng tôm. Đến khi mình dọn những con gãy càng đó lên thì họ không chịu. Nhiều du khách Trung Quốc đòi trả tiền bằng tiền tệ của họ, mình phải kiên quyết từ chối tới thì họ mới chịu thanh toán bằng thẻ. Mình buôn bán người ta tới mua hàng mình phải đón tiếp, cảm ơn, không tiếp không được nhưng nhiều khi hãi quá”
Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn ở Hội An cũng có những cầu chuyện buồn đến nản với những người khách thiếu văn hóa, thiếu văn minh lịch sự. Không chỉ chủ nhà hàng, khách sạn lắc đầu ngao ngán, mà nhiều du khách khác, nhất là du khách phương Tây vốn ưa yên tĩnh, hành xử văn minh cũng rủ nhau “né” những đối tượng khách ăn nói thì quá ồn ào bất kể không gian cần yên tĩnh như trong khách sạn, ăn uống, sinh hoạt thì xả rác bừa bãi...
Một nhân viên nhà hàng ở trung tâm phố cổ Hội An (Quảng Nam) than thở: Mình làm dịch vụ mà. Khách nào chúng tôi cũng đều phải vui vẻ, nồng hậu đón tiếp, phục vụ. Nhưng thực tế là có nhiều khách phương Tây thích sự yên tĩnh, không gian thanh lịch, khi thấy những du khách vào ăn uống ồn ào quá, họ đã bỏ đi. Hoặc truyền miệng nhau những điểm ăn uống, dịch vụ nào những người khách quá ồn ào này hay đến để tránh”
Chủ một homestay ở Hội An kể, có những người khách đến ở rồi khi họ rời đi là dọn phòng muốn nản luôn. Phòng ở, ngoài sân đều có thùng rác, nhưng rác vương vải khắp cùng; rồi họ sử dụng đồ đạc thiếu ý thức giữ gìn giùm mình lắm, sử dụng bếp chung xong rồi vung vải khắp. Chị nói: "Nhiều khi thấy những du khách khác thấy vậy, họ lắc đầu ngán ngẩm rồi nhìn mình đầy chia sẻ, mình cũng chỉ biết cười buồn. Khách đến nhà mình phải tiếp, nhưng thật nản những người thiếu văn hóa. Nhiều khi phải từ chối khéo để giữ không gian chung yên tĩnh cho nhu cầu của đa số khách đang lưu trú trong nhà mình".
Trước hiện tượng một số du khách cư xử thổ lỗ, thiếu văn minh như trường hợp du khách Trung Quốc ứng xử với người bán hàng rong trên đường phố Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở Du lịch nói rằng đây là một hành vi ứng xử văn hóa của cá nhân.
Phải nhìn nhận rằng hành vi ứng xử thiếu văn minh, văn hóa ở chốn công cộng không chỉ gây phẫn nộ trong dư luận địa phương, mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh, môi trường du lịch địa phương.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giams đốc Công ti CP Du lịch Việt Nam - Vitours chia sẻ góp ý rằng Đà Nẵng đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch từ đầu năm 2016 này; nhưng các bản hình ảnh về Bộ Quy tắc này mới chủ yếu được phát hành bằng hai thứ tiếng là tiếng Việt và tiếng Anh. Nên chăng phổ biến Bộ Quy tắc này bằng nhiều thứ tiếng hơn, nhất là phát hành thêm các bản quy tắc bằng tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc... là những thị trường khách du lịch lớn ở Đà Nẵng.
Xin giới thiệu bộ 12 quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch của ngành du lịch Đà Nẵng thể hiện bằng hình ảnh, để độc giả cùng tham khảo:
Tâm An