1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Trợ cấp thất nghiệp: Hơn 14.700 người được hỗ trợ học nghề

Qua 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có hơn 14.700 người được nhận quyết định hỗ trợ học nghề, bằng 4,6% so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người có quyết định hỗ trợ học nghề cũng tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2015.


Học nghề là một kênh giúp người thất nghiệp quay về với thị trường lao động bền vững (ảnh: LT)

Học nghề là một kênh giúp người thất nghiệp quay về với thị trường lao động bền vững (ảnh: LT)

Đây là thống kê của Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH) về công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2017.

Chi trả hơn 47,6 tỉ đồng hỗ trợ học nghề

Theo ông Nguyến Thế Hà - Phó Giám đốc Trung tâm, số tiền chi trả hỗ trợ học nghề tính theo quyết định hỗ trợ học nghề 47,644 tỉ đồng. Có 58/63 địa phương có hỗ trợ học nghề đối với người lao động 6 tháng đầu năm 2017.

Những địa phương dẫn đầu về tỷ lệ người có quyết định học nghề so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp lần lượt là: TP. Hồ Chí Minh 12,3% (8.549 người được hỗ trợ học nghề); Bình Thuận 8,4% (293 người); Bắc Giang 7,0% (286 người); Hà Nam 6,4% (95 người); Hà Giang 5,7% (19 người); Lào Cai 5,1% (24 người)…

Đánh giá chung cho thấy, công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2016. Những ngành nghề chủ yếu thu hút người lao động đăng ký học là: Lái xe, tin học văn phòng, các nghề về ẩm thực và thẩm mỹ, sửa chữa máy vi tính, điện dân dụng, điện công nghiệp, thiết kế quảng cáo, may công nghiệp.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá về ý nghĩa của chính sách học nghề cho người thất nghiệp.

Tuy nhiên tại một số địa phương, công tác hỗ trợ học nghề còn yếu, có vùng không có hoặc có rất ít lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề như: Tây Bắc (chỉ có 10 người), Tây Nguyên (113 người), Bắc Trung Bộ (230 người).

Theo báo cáo từ các địa phương, mặc dù người lao động được cán bộ trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn cụ thể về các chế độ trong chính sách bảo hiêm thất nghiệp nhưng vì đối tượng thất nghiệp phần lớn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo và có tâm lý ngại học, nên số lượng đăng ký tư vấn học nghề còn hạn chế.

Tỉ lệ học nghề thấp - do đâu?

Khảo sát của Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm cho thấy, số người được hỗ trợ học nghề tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn thấp. Thực tế này có nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên là do đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn nên khi bị mất việc người lao động chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do vậy, tâm lý chung của người lao động thất nghiệp là dành thời gian kiếm sống tìm các công việc khác để duy trì cuộc sống rồi mới tính đến việc học nghề.

Theo ông Nguyễn Thế Hà, một số công ty ở các khu công nghiệp khi tuyển dụng chủ yếu là tuyển lao động phổ thông nên người lao động có thể kiếm được việc làm mới ngay sau khi mất việc mà không cần học nghề khác;

Việc thu hút học nghề chưa nhiều còn do tâm lý của người lao động khi nghỉ việc về làm nông nghiệp hoặc tự tạo việc làm như mở tạp hóa, buôn bán nhỏ. Mặt khác, một bộ phận lao động lớn tuổi, vì lý do sức khỏe hay trở về quê làm nông nghiệp hoặc nội trợ nên không có nhu cầu học nghề.

Người lao động ít có cơ hội lựa chọn nghề đào tạo vì các danh mục nghề đào tạo của cơ sở dạy nghề chưa phong phú, nghề đào tạo lạc hậu, mức phí đào tạo cao. Cơ sở dạy nghề không mặn mà tiếp nhận do chiêu sinh không đủ, người lao động đăng ký học nghề nhưng không đi học;

Thủ tục thanh toán học phí còn rườm rà nên khó thu hút được các cơ sở dạy nghề tư nhân tham gia đào tạo nghề cho lao động.

Nhiều khó khăn trong triển khai dạy nghề

Theo Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, công tác tư vấn việc làm, học nghề chưa đạt được hiệu quả do kỹ năng tư vấn của cán bộ trung tâm dịch vụ việc làm chưa đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người lao động khi họ có nhu cầu quay trở lại thị trường lao động, cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu (chủ yếu tự đào tạo trong nội bộ Trung tâm).

Trong khi đó, số lượng cán bộ chưa đủ để tổ chức tư vấn việc làm, tư vấn học nghề trực tiếp cho từng người thất nghiệp, do đó chưa nắm bắt hết được nhu cầu việc làm và học nghề của người lao động.

Ngoài ra, thông tin về việc làm trống chưa được bổ sung, cập nhật kịp thời để đáp ứng công tác tư vấn, giới thiệu việc làm do cơ sở dữ liệu về thị trường lao động hiện chưa hoàn chỉnh, chuyên sâu, phản ánh không chính xác và kịp thời tình hình tại địa phương do công tác thu thập cung, cầu lao động gặp nhiều khó khăn.

Việc theo dõi thời gian tham gia học nghề của người lao động, chương trình đào tạo thực tế của CSDN rất khó khăn do chưa có quy chế và công cụ theo dõi, giám sát.

Doanh nghiệp không thực hiện khai báo biến động lao động khiến công tác thu thập dữ liệu việc làm trống của Trung tâm chưa hiệu quả. Một bộ phận người lao động bị mất việc làm có xu hướng trở về địa phương sinh sống, làm nông nghiệp; không có nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm hay hỗ trợ học nghề.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Cà Mau và Bạc Liêu

Từ ngày 15/05 - 20/05, tại tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) kết hợp với Sở LĐ-TB&XH Cà Mau và Bạc Liệu tổ chức Hội nghị tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.


Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu phát biểu khai mạc Hội nghị tại Bạc Liêu

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu phát biểu khai mạc Hội nghị tại Bạc Liêu

Hội nghị đã thu hút hơn 300 đại biểu đại diện cho người sử dụng lao động, người lao động, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương về tham dự hội nghị. Tại Hội nghị các đại biểu đã được đại diện các cơ quan trình bày về những quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp, những lợi ích đối với người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, quyền và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động và những vấn đề lưu ý trong quá trình thực hiện. Những vấn đề mới trong Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Hội nghị được tổ chức nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

H.T

Hà Nam: Tổ chức Phiên giao dịch việc làm tháng 6 năm 2017

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam (Sở LĐ-TB&XH Hà Nam) vừa tổ chức phiên giao dịch việc làm tháng 6 năm 2017.

Trợ cấp thất nghiệp: Hơn 14.700 người được hỗ trợ học nghề - 3

Phiên giao dịch thu hút hơn 200 lao động tới tìm kiếm cơ hội việc làm, khoảng 25 doanh nghiệp tham gia. Tổng số chỉ tiêu của Phiên giao dịch việc làm là khoảng 600 chỉ tiêu tuyển dụng. Các doanh nghiệp tuyển dụng thuộc nhiều thành phần như: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp trong nước đóng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Trong đó có doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng lao động và doanh nghiệp tuyển dụng lao động gián tiếp qua sàn giao dịch.

Theo Ban giám đốc Trung tâm, Phiên giao dịch là cơ hội để người lao động được hướng dẫn, tư vấn và cung cấp các thông tin miễn phí liên quan đến công việc, như: Kinh doanh, bảo vệ, cơ điện, thợ hàn, kế toán, điện cơ công nghiệp, lái xe và xuất khẩu lao động... Với hàng trăm chỉ tiêu tuyển dụng, người lao động đến phiên giao dịch có cơ hội được hướng nghiệp và tìm được việc làm phù hợp với trình độ, đồng thời các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tìm được lao động phù hợp. Thống kê sơ bộ sau Phiên Giao dịch việc làm, có khoảng 150 lao động đã được tư vấn, giới thiệu việc làm.

P.N