1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhiều thông tin hấp dẫn từ hơn 120 câu hỏi đáp về BHXH, BHYT

(Dân trí) - Buổi Giao lưu trực tuyến giải đáp chính sách BHXH, BHYT do Bảo hiểm xã hội VN tổ chức hôm 14/12 đã thu hút 122 câu hỏi hấp dẫn. Nhằm giúp bạn đọc tiện theo dõi, Việc làm xin trích đăng một số nội dung hỏi đáp.

Có được chuyển tuyến đăng ký khám BHYT để sinh con tại nơi mình muốn?

Bạn đọc từ mail xinhk7.4@gmail.com hỏi: Tôi hiện đang đăng kí BHYT tại PKĐK Lĩnh Nam, Hoàng Mai (Hà Nội). Theo dự kiến cuối tháng 10/2017 này tôi sinh con và dự định sẽ sinh tại BV Phụ sản HN.

Vậy nếu tôi xin giấy chuyển viện lên BV PSHN để làm hồ sơ sinh thì có đúng tuyến không? Và đến khi sinh tôi có phải xin giấy chuyển viện tiếp không? Bởi vì thường thì tuần 36 đã phải đăng kí làm hồ sơ sinh và khoảng tuần 39, 40 mới đi sinh. Nếu trường hợp tôi sinh thường và sinh mổ thì sẽ được hưởng BHYT như thế nào?

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế quy định về chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh thì trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật, Bệnh viện phải chuyển người bệnh lên tuyến trên và việc chuyển người bệnh phải thực hiện theo đúng trình tự từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề.

Nhiều thông tin hấp dẫn từ hơn 120 câu hỏi đáp về BHXH, BHYT - 1

Như vậy, để được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi đi sinh con tại BV PSHN thì bạn phải thực hiện chuyển tuyến theo đúng quy định.

Khi làm hồ sơ sinh tại BV PSHN thì thủ tục phải kèm theo Giấy chuyển tuyến và người bệnh sẽ được bác sĩ hướng dẫn các thủ tục tiếp theo để được hưởng đầy đủ quyền lợi.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC thì mức giá của dịch vụ kĩ thuật đẻ thường là 675.000 đồng và đẻ mổ là 2.223.000 đồng. Như vậy, nếu bạn nhập viện đúng quy định sẽ được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ trong phạm vi và mức hưởng trên thẻ của bạn. Trường hợp bạn nhập viện không đúng quy định thì sẽ được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí sinh con tại BV PSHN.

Mức thanh toán theo BHYT khi khám chữa bệnh

Bạn đọc từ mail linhmiwon@gmail.com hỏi: Đồng nghiệp trong công ty tôi bị sốt xuất huyết và phải nằm viện điều trị gần 1 tuần và tham gia BHYT. Vậy có được thanh toán tất cả các dịch vụ khám chữa bệnh hay không (điều trị miễn phí) và quy trình thanh toán với bệnh sốt xuất huyết như thế nào? Trong trường hợp nghỉ để điều trị có được trả lương?

BHXH Việt Nam trả lời:

1. Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo chế độ BHYT (trong đó có chi phí điều trị bệnh sốt xuất huyết) phụ thuộc vào mức hưởng của đối tượng và phạm vi quyền lợi hưởng BHYT theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn. Theo đó:

- Trường hợp người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh đúng quy định thì được hưởng đầy đủ quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT;

- Trường hợp người tham gia đi khám chữa bệnh không đúng quy định thì được hưởng 100% chi phí điều trị tại các Bệnh viện tuyến huyện, 60% chi phí điều trị nội trú tại các Bệnh viện tuyến tỉnh và 40% chi phí điều trị nội tru tại các Bệnh viện tuyến Trung ương;

- Trường hợp cấp cứu thì được khám chữa bệnh tại bất kì cơ sở y tế nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng 1 giấy tờ chứng minh nhân thân trước khi ra viện để được hưởng đầy đủ quyền lợi khám chữa bệnh BHYT.

2. Về vấn đề trả lương khi nghỉ ốm để điều trị thì thực hiện theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn.

Cách tính mức tiền hưởng BHXH một lần ra sao?

Bạn đọc từ mail thanhnamngn@yahoo.com hỏi: Cho em hỏi là em nghỉ việc từ 20.09.2016. Giờ em muốn lãnh tiền BHXH một lần, thì em đến nơi đóng BHXH ở nơi đóng hay là phải tới BHXH theo sổ hộ khẩu. Cho em số tiền có thể nhận được khi em lãnh BHXH một lần.

Em có làm thời gian thế này:

08/2012-12/2013 (lương 3.720.000),

01/2014-11/2014 (lương 3.720.000),

12/2014-12/2015 (lương 3.700.000),

01/2016-09/2016 (lương 4.000.000)

Tổng thời gian BHXH bắt buộc là 4 năm 2 tháng.

BHXH Việt Nam trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 thì mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

+ 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

+ 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

- Theo quy định tại Khoản 2, Điều 62 Luật BHXH năm 2014, người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian. Trong đó tiền lương tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ.

- Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 2 và Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 42/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của các năm 2012; 2013; 2014; 2015; 2016 lần lượt là 1,15; 1,08; 1,03; 1,03; 1,0.

Đối chiếu các quy định nêu trên, mức hưởng BHXH một lần của Bạn được tính như sau:

- Mức bình quân tiền lương tháng để tính hưởng BHXH một lần:

+ Từ tháng 8/2012 đến tháng 12/2012:

3.720.000 x 1,15 x 5 (tháng) = 21.390.000 đồng;

+ Từ tháng 01/2013 đến tháng 12/2013:

3.720.000 x 1,08 x 12 (tháng) = 48.211.200 đồng;

+ Từ tháng 01/2014 đến tháng 11/2014:

3.720.000 x 1,03 x 11 (tháng) = 42.147.600 đồng;

+ Từ tháng 12/2014 đến tháng 12/2014:

3.700.000 x 1,03 x 1 (tháng) = 3.811.000 đồng;

+ Từ tháng 01/2015 đến tháng 12/2015:

3.700.000 x 1,03 x 12 (tháng) = 45.732.000 đồng;

+ Từ tháng 01/2016 đến tháng 9/2016:

4.000.000 x 1,0 x 9 (tháng) = 36.000.000 đồng

Tổng thời gian: 5+12+11+1+12+9 = 50 tháng

Tổng số tiền: 21.390.000 + 48.211.200 + 42.147.600 + 3.811.000 +

45.732.000 + 36.000.000 = 197.291.800 đồng;

Lương bình quân là: 197.291.800/50 = 3.945.836 đồng

- Mức hưởng BHXH một lần

+ Bạn có thời gian đóng BHXH là 04 năm 02 tháng (trong đó 01 năm 05 tháng đóng BHXH trước ngày 01/01/2014); 5 tháng lẻ sẽ được chuyển sang giai đoạn từ năm 2014. Như vậy, số tháng đóng BHXH để tính BHXH một lần của Bạn được tính là 01 trước năm 2014 và 02 năm 09 tháng đóng BHXH giai đoạn từ năm 2014 trở đi (được tính là 3.5 năm):

+ Ta có cách tính cụ thể như sau:

Mức hưởng đối với thời gian đóng BHXH trước năm 2014:

3.945.836 x 1 x 1,5 = 5.918.754 đồng.

Mức hưởng đối với thời gian đóng BHXH từ năm 2014 trở đi:

3.945.836 x 3.5 x 2 = 27.620.852 đồng.

Tổng số tiền hưởng trợ cấp là: 5.918.754 + 27.620.852 = 33.539.606 đồng

Hoàng Mạnh tổng hợp