1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm khó xảy ra

(Dân trí) - Số người đăng ký thất nghiệp năm 2011 tăng 77% so với năm 2010, nhất là quý I/2012 (tăng 68% so với quý I/2011), tuy nhiên, nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn được đảm bảo.

Theo báo cáo từ Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2011 và quý I/2012 vẫn diễn ra tình trạng nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển được lao động trong khi lao động đăng ký thất nghiệp gia tăng mạnh. Nguyên nhân do doanh nghiệp trả lương thấp, điều kiện làm việc không đảm bảo nên không thu hút được người lao động đến làm việc.
 
Còn diễn ra tình trạng, một số doanh nghiệp thông báo tuyển dụng lao động với số lượng lớn, nhưng thực tế không phải do nhu cầu mở rộng sản xuất mà tuyển dụng để dự phòng, nhằm thay thế lao động hiện đang làm việc tại doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề nhiều người có thu nhập cao vẫn hưởng bảo hiểm thất nghiệp, theo báo cáo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thanh tra đã kiểm tra ở một số địa phương. Kết quả cho thấy, số người đóng ở mức tối đa (bằng 20 lần tiền lương tối thiểu) đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp không cao hơn các đối tượng khác.

Ví dụ, TP Hồ Chí Minh là nơi có  nhiều người đóng bảo hiểm thất nghiệp với mức tối  đa nhất là 38.000 người, chiếm tỷ lệ 2,6% so với tổng số người đóng, những người đang ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đầu năm 2012 cũng chỉ chiếm 2,7%; tỉnh Bình Dương cũng chỉ có 1,01%, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 1,15% số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp mức tối đa. Nguyên nhân nghỉ việc của các đối tượng này là do các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài… tại Việt Nam thu hẹp hoặc chấm dứt hoạt động.

Khả năng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp như người lao động và người sử dụng thông đồng để làm các thủ tục thôi việc để hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng thực tế vẫn làm việc tại doanh nghiệp; người lao động trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp đã có việc làm những vẫn nộp hồ sơ và hưởng trợ cấp… cũng đã được các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra và chưa phát hiện trường hợp nào trục lợi.

Cũng trong thời đã có thông tin Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có nguy cơ vỡ quỹ. Tuy nhiên, theo ngành Bảo hiểm khẳng định, hiện, số dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp là hơn 14,6 nghìn tỷ đồng. Cùng đó, trong phương án tài chính khi xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội thì Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp an toàn với các yếu tố về thu – chi.
 
Theo tính toán của chuyên gia, tỷ lệ thất nghiệp bình quân tại khu vực thành thị (nơi có  tỷ lệ thất nghiệp cao nhất cả nước) dao động trong khoảng 4,7% và nếu tỷ lệ thất nghiệp của những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp này thì vẫn thấp hơn so với con số trong dự báo an toàn của quỹ. Như vậy, nguy cơ vỡ quỹ không thể xảy ra.

P. Thanh