1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Mức lương và số ngày nghỉ phép trong thời gian tập sự

Ông Đặng Văn Thám (Phú Yên) ký hợp đồng làm việc thời hạn 1 năm (từ ngày 1/9/2014 đến 31/8/2015) tại 1 đơn vị  sự nghiệp, hưởng 85% mức lương. Sau đó, ông tiếp tục ký hợp đồng thời hạn 36 tháng, bắt đầu từ ngày 1/9/2015.

Ông Thám hỏi, thời gian tập sự 12 tháng ông hưởng mức lương như vậy có đúng không? Thời gian tập sự (từ ngày 1/9/2014 đến 31/8/2015) ông có được nghỉ phép không? Thời gian ông thực hiện hợp đồng làm việc có thời hạn 36 tháng bắt đầu từ ngày 1/9/2015 thì ngày phép của ông được tính như thế nào?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời:

Theo Khoản 1, Điều 20 và  Khoản 1, Điều 22 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì, người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 27 Luật Viên chức. Trong thời gian tập sự, người tập sự được hưởng 85% mức lương của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng.

Theo quy định nêu trên, trường hợp ông Đặng Văn Thám, trong thời gian tập sự 12 tháng được hưởng 85% mức lương của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng là đúng quy định.

Về thời gian nghỉ hàng năm

Theo Khoản 1, Điều 13 Luật Viên chức thì viên chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ để giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

Khoản 1, Điều 111 Bộ luật Lao động quy định, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau: 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.

Theo Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, thì  thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm.

Sau khi hoàn thành chế độ tập sự 12 tháng, ông Đặng Văn Thám được đơn vị ký hợp đồng làm việc có thời hạn 36 tháng. Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP, thời gian tập sự, thử việc theo hợp đồng làm việc thời hạn 1 năm (từ ngày 1/9/2014 đến ngày 31/8/2015) của ông Thám được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hàng năm, tương ứng với 12 ngày làm việc hưởng nguyên lương.

Theo Khoản 2, Điều 114 của Bộ luật Lao động, người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc.

Cụ thể, trường hợp ông Thám, thời gian tập sự 12 tháng (từ ngày 1/9/2014 đến 31/8/2015) được coi là 12 tháng làm việc để tính ngày nghỉ hàng năm bằng 12 ngày hưởng nguyên lương.

Thời gian ông Thám thực hiện hợp đồng làm việc có thời hạn 36 tháng bắt đầu từ ngày 1/9/2015, tính đến tháng 10/2015 mới được 1 tháng, tương ứng với 1 ngày nghỉ hưởng nguyên lương.

Nếu ông Thám nghỉ phép vào tháng 10/2015, được tính nghỉ 12 ngày của thời gian tập sự. Nếu ông có nguyện vọng kết hợp nghỉ thêm tiêu chuẩn ngày nghỉ phép của tháng 10/2015 mà được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp đồng ý, thì cộng thêm 1 ngày, để nghỉ cùng một lúc 13 ngày.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.