1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lương tối thiểu vùng 2016: Tranh luận chưa dừng ở mức 12,4%!

(Dân trí) - Tiếp sau đề xuất giãn thời gian đóng BHXH trong năm 2016 của VCCI, liên quan tới mức tăng lương tối thiểu vùng 2016. Mới đây, Tổng LĐLĐ VN đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2016 lên 14,4 %.


Tranh cãi mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 chưa dừng ở con số 12,4%.

Tranh cãi mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 chưa dừng ở con số 12,4%.

Trước đó, hôm 3/9 tại Hà Nội, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất Thủ tướng chính phủ về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 lên mức trung bình 12,4%.

4 lý do của Tổng LĐLĐ VN

Lý giải việc đề xuất tăng lương tối thiểu lên 14,4 %, ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN - đưa ra 4 lý do:

Tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm 2015 đã khởi sắc, các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đã có sự tăng trưởng đáng kể, GDP đạt 6,5%.

Quy định của Điều 91 Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 đã nêu: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến dư luận về Dự thảo nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2016. Theo lộ trình, Dự thảo sau khi lấy ý kiến sẽ trình Chính phủ ban hành cuối năm 2015. Dự thảo Nghị định sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016.

Lý do thứ 3, đời sống công nhân lao động còn nhiều khó khăn, theo điều tra của Tổng LĐLĐ VN, có 19,9% người lao động cho biết tiền lương hiện nay không đủ sống.

Cuối cùng, doanh nghiệp có khả năng chi trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 20-40%.

Phản biện ý kiến cho rằng năng suất lao động thấp khiến mức lương chưa cao, ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng: Năng xuất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp.

“Thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp không đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị; sử dụng công nghệ lạc hậu; quản trị doanh nghiệp không hiệu quả, bộ máy nhân sự cồng kềnh dẫn đến năng xuất lao động thấp. Yếu tố lao động cũng có vai trò quan trọng để nâng cao năng xuất lao động” - trích đề xuất kiến nghị của Tổng LĐLĐ VN.

Đây cũng là phản hồi của Tổng LĐLĐ VN xung quanh một số đề xuất của Phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI) và một số hiệp hội doanh nghiệp về mức tăng lương tối thiểu vùng cũng như việc đóng BHXH năm 2016.

VCCI lo DN dừng hoạt động

Theo ông Đặng Ngọc Tùng: “Một khi tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu thì rất khó có thể yêu cầu người lao động làm việc với năng xuất cao và chất lượng tốt”.

Trước đó, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - trao đổi với PV Dân trí về đề xuất giãn mức đóng BHXH: “VCCI đề xuất giãn lộ trình thực hiện mức lương làm căn cứ đóng các chế độ bảo hiểm, công đoàn cho người lao động. Cụ thể, tiền lương và các khoản phụ cấp từ 3 năm lên 4 năm hoặc 5 năm, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của doanh nghiệp”.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, từ 1/1/2016, doanh nghiệp phải đóng các khoản chi phí cho người lao động tăng thêm 35% - 40% so với năm 2015. Do đó, mức lương làm căn cứ đóng BHXH và kinh phí công đoàn cho người lao động không chỉ tiền lương mà có thể các khoản phụ cấp.

Việc bổ sung thêm căn cứ đóng BHXH là bước đầu trong lộ trình điều chỉnh đóng BHXH theo quy định pháp luật. Tới năm 2018, mức đóng BHXH sẽ bao gồm cả tiền lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ phải đóng thêm các chi phí liên quan tới lao động nữ, chính sách về an toàn vệ sinh lao động từ năm 2016.

VCCI cảnh báo, mức điều chỉnh đưa ra không hợp lý có thể làm số doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Liên quan tới việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2016, Hiệp Hội dệt may VN cũng đề xuất giữ mức đóng BHXH cũ.

Lý giải điều này, Hiệp hội cho biết: Lương tối thiểu vùng từ năm 2010 tới nay đã tăng 2,95 - 3,16 lần (doanh nghiệp trong nước) và 2,15 - 2,3 lần (đối với doanh nghiệp FDI).

Đồng thời, tỉ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động đã tăng từ 18 % lên 22% trong giai đoạn giai đoạn 2010 - 2014, người lao động đóng trong thời gian tương ứng tăng từ 7% lên 10%.

Liên minh VBF lên tiếng về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016.  

Trước đó, bà Virginia B. Foote - Đồng Chủ tịch, Liên minh VBF Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp VN, đại diện cho Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và 12 Hiệp hội Thương mại trong và ngoài nước cũng gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ, bày tỏ quan điểm đồng ý về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 ở mức 9-10 %:

“Theo đó, lạm phát tại VN đang nằm trong tầm kiểm soát ở mức 2.5% trong năm 2015, do đó việc tăng lương tối thiểu gấp nhiều lần mức lạm phát là hoàn toàn không tương xứng với mức tăng chi phí sinh hoạt thực tế và là không cần thiết.

Hơn nữa, mục tiêu tạo việc làm mới có thể bị chững lại bởi các nhà sản xuất và đầu tư nước ngoài sẽ xem xét, cân nhắc lại kế hoạch chuyển hoạt động kinh doanh đến Việt Nam.

Mức gia tăng đáng kể này sẽ đẩy lạm phát tăng cao, thậm chí là cả giảm việc làm, có thể tạo ra mất cân bằng xã hội.

Tính cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam đối với việc thu hút đầu tư sản xuất xuất khẩu từ nước ngoài sẽ bị giảm đi, đặc biệt trong bối cảnh gần đây Trung Quốc đang tiến hành cắt giảm nhiều chi phí, và thực tế việc tăng lương tối thiểu trong các nước trong khu vực đã giảm đi rất nhiều.

Doanh nghiệp đã và đang đối mặt với việc tăng chi phí cho lao động bao gồm các khoản đóng góp cho an sinh xã hội cao hơn và nhiều lợi ích bắt buộc hơn. Chúng tôi cho rằng các yếu tố tăng trưởng chi phí này cần được đưa vào cân nhắc, thay vì chỉ nhìn vào mỗi mức lương tối thiểu.

Những chi phí này dễ dàng tăng gấp đôi chi phí thực tế mà người sử dụng lao động phải trả và chi phí này nhìn chung cao hơn ở các nước lân cận. Đặc biệt, mức tăng đề xuất 18% bảo hiểm xã hội cũng cần được xem xét, cân nhắc lại” - trích công văn của VBF.

Hoàng Mạnh