1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lương tối thiểu: "Mức chênh về đề xuất tăng lương là bình thường!"

(Dân trí) - Đầu tháng 11, Dự thảo Nghị định tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ. Đây là kết quả của quá trình đàm phán cam go giữa các bên. Ông Phillip Hazelton - Cố vấn trưởng, Dự án Quan hệ Lao động ILO - đã trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này.

Tăng lương tối thiểu luôn thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và người lao động.
Tăng lương tối thiểu luôn thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và người lao động.

Thưa ông, với tư cách là cơ quan chuyên môn tham vấn về tiền lương, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đánh giá gì về mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 250.000-400.000 đồng/vùng (tương đương với tỉ lệ trung bình 12,4 %) vừa được Hội đồng tiền lương Quốc gia thông qua?

- ILO ủng hộ việc nâng tiền lương tối thiểu nhằm đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và quy trình đối thoại giữa người sử dụng lao động, công đoàn và Chính phủ như cách làm của Hội đồng.

Chúng tôi cũng ghi nhận các phiên thương lượng cởi mở và đầy tính xây dựng đã đưa người sử dụng lao động và công đoàn lại gần nhau hơn sau 3 phiên họp. Kết quả là trong lần bỏ phiếu cuối cùng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đạt được mức đồng thuận cao giữa các bên.

Tuy nhiên, chủ trương của ILO là không đánh giá cụ thể mức đề xuất tăng lương tổi thiểu được Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra.

Cuộc tranh luận khá căng thẳng qua 3 vòng đàm phán vừa qua, theo ILO thể hiện được điều gì trong quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động hiện nay? Trong suốt quá trình đó, điểm tích cực có được là gì, thưa ông?

- Chúng ta không nên bất ngờ trước sự khác nhau về mức tăng lương tối thiểu mà đại diện người sử dụng lao động và công đoàn đưa ra. Cả hai bên đều đang đại diện cho lợi ích của thành viên của họ nên đây là việc hết sức dễ hiểu.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đưa các bên chủ chốt lại ngồi lại gần nhau, cùng trình bày và thảo luận về quan điểm của họ, đánh giá những yếu tố kinh tế - xã hội quan trọng ảnh hưởng tới đất nước, lắng nghe luận điểm của đối phương và cố gắng đạt được một sự đồng thuận nào đó.

Quá trình đối thoại này là hết sức quan trọng và cũng không kém phần khó khăn để tìm được điểm cân bằng giữa các yếu tố kinh tế - xã hội.

Chúng ta đã thấy từ những năm 2013, khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia mới thành lập, người lao động và người sử dụng lao động đã đến gần với nhau hơn sau mỗi năm từ xuất phát điểm cho đến thoả thuận cuối cùng. Đây là một điều tích cực, cho thấy sức mạnh của quy trình thương lượng. Chính phủ cũng đã đóng vai trò then chốt trong việc điều phối hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Đặc biệt, tất cả các bên đều đồng ý rằng mức lương tổi thiểu cần phải được nâng lên theo thời gian nhằm đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của lao động vào gia đình họ.

Khoảng cách trong đề xuất của người sử dụng lao động và công đoàn trong những năm gần đây phần nào phản ánh sự khác biệt trong việc xác định thời hạn của lộ trình đó.

ILO ủng hộ các đề xuất được trình bày tại Hội đồng trên cơ sở các số liệu khoa học về các yếu tố kinh tế - xã hội ảnh hưởng tới đất nước và quá trình thương lượng nhằm tiến tới sự đồng thuận hoặc ít nhất là thu hẹp khoảng cách giữa các bên trong bản khuyến nghị cuối cùng.

Ông Phillip Hazelton - Cố vấn trưởng, Dự án Quan hệ Lao động ILO
Ông Phillip Hazelton - Cố vấn trưởng, Dự án Quan hệ Lao động ILO

Thưa ông, nhìn rộng ra quốc tế, ILO có thể chia sẻ thêm về xu hướng đàm phán lương tối thiểu vùng của các nước lân cận VN ra sao, câu chuyện đàm phán tăng lương của họ có khác gì VN?

- Từ năm 2005, tiền lương thực tế tại các nước ASEAN tăng trưởng nhẹ (sau khi tính đến lạm pháp). Trong suốt hai năm qua, ảnh hưởng một phần từ việc tiền lương tối thiểu tăng mạnh, mức lương thực tế cũng theo đà tăng lên tại Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Năm 2013, mức tăng lương thực tế hàng năm của Đông Nam Á đã đạt 5,3% và cả châu Á là 6%. Con số này cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác của thế giới như Châu Phi và Nam Mỹ với mức tăng vỏn vẹn chỉ trong khoảng từ 1% đến 3%.

Ở Việt Nam mức lương tối thiểu thực tế tăng gần 10% trong 2013 và 2014.  Tại Thái Lan, việc áp dụng chính sách lương tối thiểu là 300 baht trong giai đoạn 2012-2013 đã làm tăng mức lương thực tế lên 8,5% năm 2012 và 5,8% năm 2013. Năm 2014, lương tối thiểu tại Thái Lan là $237.

Xu hướng tăng lương tối thiểu tiếp tục diễn ra tại các quốc gia khác trong khu vực như Myanmar cũng bắt đầu áp dụng lương tối thiểu tháng 8 vừa qua. Campuchia cũng đang tiến tới việc tăng mức lương tối thiểu cho ngành may mặc bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2016.

Việc các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và công đoàn tham gia vào quá trình xác lập tiền lương tối thiểu là một thực hành phổ biến và được ILO ủng hộ.

Trong xu thế hội nhập sâu và rộng của VN, ILO đánh giá ra sao về câu chuyện tiền lương tối thiểu. Cụ thể, mức tăng lương tối thiểu vùng sẽ cần phải ở mức nào và vai trò của của việc đàm phán tăng lương của các bên sẽ ra sao khi VN gia nhập TPP, AEC?

- Với việc Việt Nam đang trên đà gia nhập kinh tế khu vực và thế giới, đã có nhiều dự đoán về những lợi ích kinh tế đáng kể mà Việt Nam sẽ thu nhận được trên nhiều lĩnh vực. Thách thức hiện nay là làm thế nào để biến những lợi ích này thành thịnh vượng chung và đem lại công bằng xã hội.

Nhiều quốc gia, ví dụ như Thái Lan từ 2001 - 2012 đã có những bước tiến mạnh mẽ trong năng suất nhưng sự tụt hậu trong mức lương lại xảy ra khiến tình trạng bất bình đẳng gia tăng.

Điểm đặc biệt cần chú ý là khi tiền lương tối thiểu tại Việt Nam đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu thì tốc độ tăng lương sẽ trở nên gắn kết với năng suất. Mối quan hệ này là rất quan trọng đối với các nước trong quá trình chuyển hóa lợi ích kinh tế thành thịnh vượng chung.

Trong nền kinh tế thị trường, tăng cường thương lượng tập thể về tiền lương giữa người sử dụng lao động, người lao động và đại diện của họ tại cấp doanh nghiệp, cấp vùng và cấp ngành có thể tạo ra hàng loạt lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Quá trình này giúp thiết lập mức lương linh hoạt cho người lao động phù hợp với những nhu cầu cụ thể của từng ngành và doanh nghiệp. Đồng thời đây cũng là giải pháp có lợi cho cả hai bên và tạo ra sự linh hoạt trong việc đối phó với các cú sốc kinh tế, thúc đẩy năng suất và chia sẻ lợi ích.

Vì vậy, sự kết hợp giữa mức lương tổi thiểu để bảo vệ người lao động khỏi việc bị trả lương quá thấp và thương lượng tập thể là hết sức quan trọng.

Để đạt được hiệu quả, thương lượng tập thể cần phải được dựa trên sự tự chủ, độc lập của các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và công đoàn.

- Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh (thực hiện)