1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Lắng nghe trẻ em từ trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”

(Dân trí) - “Ở nước ta, hơn 1/3 số người sử dụng internet là người chưa thành niên và thanh niên. Tuy nhiên, môi trường mạng internet cũng đã tạo ra những rủi ro, nguy hại cho trẻ em, nếu chúng ta không có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời”.


Các đại biểu chụp ảnh cùng thiếu nhi (Ảnh: M.D)

Các đại biểu chụp ảnh cùng thiếu nhi (Ảnh: M.D)

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2018. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH phát động sáng 27/5, tại Việt Trì (Phú Thọ).

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: “Sau hơn 20 năm tổ chức liên tục, Tháng hành động vì trẻ em là một minh chứng về sự chung tay của toàn xã hội góp phần thực hiện các quyền trẻ em tốt hơn, thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”.

Bên cạnh những nỗ lực và thành công đó, Phó Chủ tịch nước cũng nêu ra thách thức hiện hữu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro đối với trẻ em, như: An toàn thông tin trên mạng internet, bạo lực, xâm hại tình dục…"Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng hiện nay và thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó công nghệ thông tin, Internet đã làm thay đổi cuộc sống của nhân loại" - Phó Chủ tịch nước cho biết

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch nước cho rằng, các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, nhà trường, xã hội cũng như các tổ chức có liên quan về trẻ em cần phải hành động và quyết tâm nỗ lực nhiều hơn nữa để trẻ em được chăm sóc, giáo dục nhiều hơn, được sống, vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh hơn.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: “Từ thông điệp lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động, mỗi chúng ta có thể góp phần tạo lập môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em bằng chính tình yêu thương, trách nhiệm của mình”.


Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao quà tới các cháu thiếu nhi. (Ảnh: A.T)

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao quà tới các cháu thiếu nhi. (Ảnh: A.T)

Đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - cho rằng, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Tháng hành động vì trẻ em là mô hình hoạt động được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà trường, gia đình trong việc thực hiện quyền được bảo vệ, được sống an toàn, lành mạnh của trẻ em; thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích và thực hiện một mùa hè an toàn cho trẻ em.

"Năm 2018, Tháng hành động vì trẻ em có chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em" được triển khai cùng với mong muốn sẽ thực hiện tốt hơn các quy định của Luật trẻ em, đưa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định số 80 “về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường” và Chỉ thị số 18 “về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” vào cuộc sống..." - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Bộ LĐ-TB&XH trong thời gian gần đây đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản pháp luật, chính sách; triển khai các giải pháp, mô hình quản lý và dịch vụ công để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; đồng thời giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Các bộ, ngành, tổ chức và chính quyền các địa phương đã chủ động hơn trong chăm lo cho trẻ em.

Tuy nhiên, thứ trưởng cũng thừa nhận thực tế: Bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó có vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, trẻ em bị tử vong do đuối nước, do tai nạn giao thông vẫn xảy ra thường xuyên. Bạo lực trẻ em trong trường học, ở cộng đồng, xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em và gia đình, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

"Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng cần phải thực thi tốt hơn nữa các quy định của pháp luật về trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; thực hiện đầy đủ, đúng quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Chủ động thông tin, tố cáo những vụ việc, hành vi vi phạm quyền trẻ em với cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em. Đồng thời phải kịp thời xác minh, báo cáo những vấn đề, vụ việc nổi cộm, phức tạp để các tổ chức, gia đình, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết theo quy định của Luật trẻ em và các văn bản có liên quan" - thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết.

Chỉ một phần nhỏ vụ xâm hại trẻ em được điều tra

Ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho biết: “Bạo lực trẻ em đang xảy ra ở nhiều nơi, kể cả những nơi lẽ ra phải là an toàn cho trẻ em như trường học, gia đình. Bạo lực đôi khi lại do những người thân quen với trẻ gây ra. Điều đáng lo ngại hơn là chỉ một phần nhỏ vụ việc xâm hại, bóc lột trẻ em được các cơ quan báo cáo và điều tra”.

Ngoài việc nêu ra những băn khoăn, ông Youssouf Abdel-Jelil khuyến nghị: “Chính phủ Việt Nam cần tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em, lồng ghép mục tiêu bảo vệ trẻ em vào các ngân sách phát triển kinh tế xã hội ở trung ương và địa phương. Ngoài ra, cần có cơ chế hiệu quả báo cáo vụ việc trẻ em, tăng cường cơ quan thực thi pháp luật, bảo đảm các vụ xâm hại trẻ em được bảo vệ kịp thời, tuân thủ pháp luật, bảo đảm được quyền trẻ em”.

Hoàng Mạnh