1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làm gì để khởi nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long có hiệu quả?

(Dân trí) - Đối tượng khởi nghiệp là ai? nên chọn ngành gì để khởi nghiệp? Chính sách nào giúp khởi nghiệp tại ĐBSCL phát triển? Đồng thời, các địa phương cần làm gì để thúc đẩy khởi nghiệp?... Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Để khởi nghiệp ĐBSCL thêm hiệu quả”, diễn ra tại Bến Tre sáng 11/9.

Ông Nguyễn Phương Lam - Phó giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ
Ông Nguyễn Phương Lam - Phó giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phụ trách VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho biết: Trong 2 năm qua (2015-2017), ĐBSCL tăng 12% số doanh nghiệp thành lập mới, một số tỉnh vượt trội như Bến Tre bình quân 32%, Hậu Giang 35%, Long An 16%, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An tăng 11%.

Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên nếu so về tốc độ phát triển doanh nghiệp, ĐBSCL còn đang mức thấp hơn mức 16% bình quân cả nước.

Ông Lam nhận xét: Nếu xét về điều kiện để khởi nghiệp, ĐBSCL có thể nói đang hội đủ các yếu tố cho việc thúc đẩy quá trình khởi sự kinh doanh. Bởi, chủ trương chính sách từ Trung ương, và đặc biệt từ địa phương và sự quan tâm của chính quyền cấp tỉnh là yếu tố then chốt, chúng ta đang có.

Bên cạnh đó, điều kiện hạ tầng cho khởi nghiệp thuận lợi, hệ thống trường đại học, cao đẳng, các trung tâm nghiên cứu được hình thành đủ điều kiện cho khuyến khích và hỗ trợ khởi nghiệp. Lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường của vùng là cơ hội lớn cho khởi nghiệp trong các ngành chế biến, chế tạo, công nghệ sinh học, giống, lương thực thực phẩm, nông nghiệp kỹ thuật cao, vật liệu kỹ thuật mới...

Yếu tố con người của nhà khởi nghiệp “anh Hai miền Tây dám chơi” cũng là yếu tố tích cực.

"Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tiễn, chúng ta đang cần thêm những yếu tố như: Tư duy sáng tạo, tầm nhìn và tinh thần kinh doanh của những chuyên gia, những người đi trước; Các kỹ năng cần có cho startup; Nối kết thị trường và doanh nghiệp dẫn dắt; Nguồn lực tài chính cho quá trình khởi nghiệp và các yếu tố bổ trợ khác" - ông Lam lưu ý.


Ông Phan Văn Mãi - Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Khởi nghiệp Bến Tre.

Ông Phan Văn Mãi - Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Khởi nghiệp Bến Tre.

Đồng quan điểm trên, ông Phan Văn Mãi - Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Khởi nghiệp Bến Tre, cho rằng: Hoạt động khởi nghiệp truyền thống tại địa phương phát triển rất mạnh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang dần lớn mạnh.

" Cần tiếp tục tạo lập môi trường khởi nghiệp thông thoáng, tạo điều kiện cho khởi nghiệp sáng tạo phát triển dựa trên nền tảng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, phát huy vai trò của các tổ chức trong cộng đồng khởi nghiệp tỉnh..." - ông Mãi cho biết.

Theo đó, chương trình chú trọng đến sự phát triển của các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chú trọng phát triển yếu tố con người, và xây dựng đội ngũ nhân lực hiện có.

Chương trình có 3 đối tượng tham gia chính: đối tượng khởi nghiệp thoát nghèo, mong muốn đến năm 2020, tỉnh sẽ hỗ trợ 16 hộ thoát nghèo; nhóm khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp mới và nhóm phát triển doanh nghiệp. Với mỗi nhóm sẽ có những biện pháp riêng để hỗ trợ hiệu quả.

Qua hai năm phát động chương trình, đã đạt được những kết quả nhất định như: Tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa rộng khắp, góp phần rất lớn vào việc thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy phát triển sản xuất và kinh doanh; Môi trường khởi nghiệp phát triển, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương.

Ông Mãi cũng cho biết, trong 2 năm qua, Bến Tre đã tiếp nhận và hỗ trợ cho 387 ý tưởng, dự án khởi nghiệp; qua chọn lọc đã hỗ trợ trực tiếp cho 168 ý tưởng, dự án. Đồng thời, tổ chức tốt các diễn đàn, đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và thông tin kịp thời những chính sách, cơ hội đầu tư kinh doanh. Công tác kết nối, hỗ trợ vốn cho khởi nghiệp được quan tâm thực hiện tốt.

Đến nay, đã hỗ trợ vốn 774 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp với tổng kinh phí khoảng 802 tỷ đồng.

“Hướng đến mục tiêu bền vững lâu dài, tỉnh sẽ đẩy mạnh khởi nghiệp dựa vào tài nguyên bản địa, ứng dụng khoa học và công nghệ gắn với thực hiện đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” để tận dụng lợi thế và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ...”- ông Mãi cho biết.

Trong 2 năm qua, ĐBSCL có hơn 12.000 hộ kinh doanh cá thể được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp của tỉnh lên 3.920 trong đó có 4 doanh nghiệp khoa học công nghệ; tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp mới đạt 28%, quy mô vốn trong doanh nghiệp tăng 1,7 lần. Đóng góp của các doanh nghiệp từ 3,4% lên 13,1% trong năm 2017; tỉ lệ doanh nghiệp giải thể trên doanh nghiệp thành lập mới là trên 40%, thấp hơn tỉ lệ chung của toàn quốc năm 2017.

Đối với hoạt động khởi nghiệp thoát nghèo, có trên 12.000 hộ tham gia, có trên 4.000 hộ thoát nghèo thành công. Trong 2 năm qua, Bến Tre cũng thu hút 68 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký đạt 22.630,5 tỉ đồng, điều chỉnh 33 dự án; toàn tỉnh có 195 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 36.350,97 tỉ đồng.

Hoàng Tùng