Lâm Đồng:
Chàng kỹ sư người K’ho về quê khởi nghiệp kiếm hàng trăm triệu đồng
(Dân trí) - Là người con của đồng bào dân tộc thiểu số K’ho, K’Brooke (28 tuổi, ngụ xã Gung Ré, Di Linh, Lâm Đồng) đã nỗ lực thi đỗ đại học. Ra trường có công ăn việc làm nhưng K'Brooke lại trở về quê làm nông nghiệp “thuận theo tự nhiên”. Sự quyết đoán đó đã giúp anh có một cơ ngơi ổn định và thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 2013, K'Brooke tốt nghiệp loại khá, chuyên ngành quản lý đất đai (trường Đại học Tây Nguyên). May mắn hơn nhiều bạn bè, K'Brooke còn có duyên được làm công việc đúng chuyên ngành ở một doanh nghiệp với mức lương tháng hơn 10 triệu đồng.
Dù công việc ổn định nhưng K'Brooke vẫn ấp ủ giấc mơ về quê, tìm hướng đi mới để phụ giúp gia đình.
Sau 3 năm làm việc tại công ty, anh đã quyết định xin nghỉ việc trở về quê nhà.
Đất vườn nhà có tới hơn 3ha nhưng cách làm nông nghiệp truyền thống khiến mùa màng bấp bênh. Trong thời gian về nhà, K’Brooke đã nảy ra những ý tưởng làm nông nghiệp phù hợp với thực tế của địa phương.
Đầu năm 2017, K'Brooke gom hết vốn liếng tích lũy và kêu gọi thành lập tổ hợp tác gồm 5 thành viên để nuôi heo đen tập trung.
K’ Brooke cho biết lý do mua giống heo đồng bào về nuôi theo cách “thuận theo tự nhiên”: Vì loài heo này rất giống heo rừng, thích sống ở không gian rộng rãi hoang dã và dễ nuôi. Đồng thời, nuôi heo đen theo dạng sinh thái sẽ đem lại sự khác biệt trong chăn nuôi tạo ra một lợi thế cạnh tranh tốt về chất lượng và giá cả.
Sau một thời gian chăm sóc, đàn heo trong trang trại K'Brooke bắt đầu sinh sôi và tăng đàn. Hiện tại, với số lượng 45 con trong giai đoạn sinh sản, bình quân một năm sẽ sản sinh ít nhất trên 300 heo con/hai lứa.
Trang trại của anh xuất chồng heo hơi trên15kg với mức giá trung bình là 100.000 đồng/kg. Tổng doanh thu từ trang trại trong một năm khoảng là 450 triệu đồng.
“Chuồng nuôi nhốt đàn heo chỉ cần rào bên ngoài bằng loại lưới thép B40, sau đó gia cố tránh việc heo đào bới đất thoát ra ngoài. Thức ăn cho heo chủ yếu từ cây chuối, cây cỏ đặc biệt là có nguồn rau rừng dồi dào, không sử dụng kháng sinh cho đến khi xuất bán. Đặc biệt, loại heo này có khả năng chống chịu bệnh tật tốt và thịt săn chắc, nên được nhiều người ưa thích…”, K'Brooke cho biết thêm.
Ngoài chăn nuôi, chàng thanh niên này còn thực hiện trồng cà phê dưới tán cây lâm nghiệp, theo anh việc canh tác này giảm thiểu tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học.
Bởi đơn giản, anh canh tác theo hướng “thuận theo tự nhiên”, cỏ trong vườn mọc lên anh cắt sau đó ủ tại gốc để làm phân, bên cạnh đó sử dụng phân dê và bò để bón cho cây. Năng xuất từ vườn trồng cà phê của K'Brooke cũng cao hơn những vườn lân cận.
Ngoài ra, để tận dụng cỏ trong vườn, anh còn nuôi thêm khoảng 20 con dê bán thịt.
Sau 2 năm thực hiện mô hình chăn nuôi thuận theo tự nhiên đã cho anh K'Brooke mức thu nhập cao. Ngoài ra anh còn đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.
Bà Ka Phiu, mẹ K'Brooke cho hay: “Ngày xưa lúc nó bỏ việc với mức lương 10 triệu/tháng, cả nhà ai tôi ai cũng mắng, bỏ việc rồi sau này lấy gì làm ăn. Cuối cùng can ngăn không được nên gia đình đã phải chiều lòng để con trở về nhà làm nông. Nhưng may mắn, nhờ cần cù tìm tòi mà nó đã thành công vậy nên gia đình tôi mới đỡ vất vả”.
Được biết, trong thời gian mới nghỉ việc ở công ty về nhà, K’Brooke đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu riêng cho mình bằng cách thành lập một Website riêng mang tên dân tộc mình để giới thiệu đặc sản địa phương, như: Sản phẩm đan lát, nhạc cụ, thổ cẩm, thịt heo đen người đồng bào K’ho.
Trong năm 2018, K'Brooke đã tham gia chương trình khởi nghiệp của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Đại học Đà Lạt và đạt giải 3. Sau đó, anh tiếp tục đạt giải nhì trong chương trình “Thách thức thanh niên Việt Nam vì sáng tạo Xã hội” với dự án “Xây dựng cộng đồng người K’ho phát triển đặc sản Văn hóa địa phương”.
Ngọc Hà