1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ trưởng Lao động: Sẽ đề xuất Luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em

(Dân trí) - “Đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em thì cần phải đảm bảo xử lý nhanh nhất, nghiêm minh nhất… thì chắc chắc dân sẽ ủng hộ”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu quan điểm tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu chiều 23/4.

Đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn đầu, vừa có chuyến làm việc với tỉnh Bạc Liêu.

Bộ trưởng Lao động nói về xâm hại tình dục trẻ em.

Xử lý mức cao nhất dân sẽ ủng hộ

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có số vụ trẻ em bị đuối nước, tai nạn thương tích nói chung cao. Tuy nhiên, tử vong do đuối nước thì không cao.

Qua thống kê năm 2017, 2018 có 4 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước, riêng 3 tháng đầu năm 2019 có 4 trường hợp. Năm 2018 có 8 trẻ em bị xâm hại tình dục, riêng 3 tháng đầu năm 2019 có 4 trường hợp.

“Ở đây cho thấy số vụ không cao nhưng lại có xu hướng tăng. Do đó, tỉnh cần quan tâm, có biện pháp tăng cường phòng ngừa, phân công người theo dõi làm sao giải quyết được 2 vấn đề “nóng” này”, ông Hoa nói.

Bộ trưởng Lao động: Sẽ đề xuất Luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Đối với các vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục thì phải đảm bảo 3 cái nhất. Đó là xử lý nhanh nhất, ở đây là khởi tố nhanh nhất, không để chậm trễ, vừa qua có nhiều vụ quá chậm thành ra dư luận bức xúc.

“Thứ 2 cần phải xử lý ở mức độ nghiêm minh nhất. Tất cả những đối tượng xâm hại tình dục trẻ em bị xử lý ở mức cao nhất thì chắc chắn dân sẽ ủng hộ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Thứ ba là hỗ trợ tốt nhất các trường hợp bạo lực, xâm hại, bao gồm nhanh nhất và chu đáo nhất. “Qua tổng kết chỉ có khoảng 30% trẻ em được hỗ trợ khi xảy ra, nhiều trường hợp không biết nhà nước hỗ trợ gì”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, sắp tới đang xem xét sẽ đề xuất Quốc hội ban hành hẳn một Luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phải cụ thể hóa bằng Luật, sẽ xử lý ở mức cao nhất hành vi này.

Một người nghiện ma túy, cả gia đình, dòng họ sẽ “liêu xiêu”

Trao đổi với đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết: "Gần đây thông tin đại chúng đưa tin chúng ta phá rất nhiều vụ án về ma túy. Cùng với cả nước, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bạc Liêu cũng phá liên tục mấy vụ ma túy, bắt hơn 2kg".

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, từ trước tới nay, tỉnh chưa có nhiều số lượng ma túy bị bắt như vậy.

"Điều đó cho thấy ma túy không chỉ ở các thành phố lớn, mà tràn về cả các tỉnh nhỏ lẻ. Đây là một vấn nạn có biểu hiện không bình thường”, ông Trung nói.

Bộ trưởng Lao động: Sẽ đề xuất Luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em - 2

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung: Bạc Liêu cũng bắt ma túy với số lượng lớn từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.

Ông Vương Phương Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố đáng lo ngại. Các đối tượng có biểu hiện hoạt động ngày càng tinh vi, thủ đoạn để đối phó với các lực lượng chức năng; đáng chú ý là việc câu kết, móc nối giữa tội phạm ma túy với các loại tội phạm khác.

Theo ông Nam, người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa, một số người nghiện sẵn sàng tiếp tay hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động phạm tội, sự xuất hiện của các loại ma túy mới, tình trạng lợi dụng các nhà nghỉ, nhà cho thuê để mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy còn xảy ra nhiều.

Bộ trưởng Lao động: Sẽ đề xuất Luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em - 3

Một số lượng lớn ma túy đá mà lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu vừa bắt đây.

Theo đại diện Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ), với con số thống kê trong 5 năm qua, nếu tỉnh Bạc Liêu không quan tâm đến vấn nạn ma túy và người nghiện thì tình hình còn diễn biến phức tạp hơn.

Cụ thể, năm 2014, toàn tỉnh có 606 người nghiện ma túy, trong đó có 473 người nghiện heroin (chiếm khoảng 78%). Sau 5 năm, đến năm 2019 đã có 1.117 người nghiện ma túy, so với năm 2014 thì gấp đôi. Đặc biệt, trong 1.117 người thì có 948 người nghiện ma túy tổng hợp (ma túy đá, chiếm 85%).

“Tức là hiện nay tỷ lệ đảo ngược, trước đây khoảng 80% nghiện heroin, đến nay 85% là nghiện ma túy đá. Số ngời nghiện tăng gấp đôi trong vòng 5 năm, như thế cảnh báo tình hình rất phức tạp”, đại diện Vụ Khoa giáo - Văn xã nói.

Trong khi đó, tại cơ cở cai nghiện hiện nay tỉnh đang quản lý 375 đối tượng, trong đó bắt buộc 356 người và tự nguyện chỉ có 19 người. Con số này nói lên một điều rất đặc biệt chủ yếu là bắt buộc qua tòa, chứ không phải người nghiện tự đến cai nghiện, nên cũng rất đáng báo động.

Bộ trưởng Lao động: Sẽ đề xuất Luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em - 4

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (áo xanh) đến thăm cơ sở cai nghiện ma túy Bạc Liêu.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, ma túy hiện nay thật sự là hiểm họa, cả nước bây giờ có hơn 240.000 người nghiện, riêng Bạc Liêu hơn 1.100 người, đây là con số thống kê quản lý được. Đấy là chưa kể di biến động, chuyển từ vùng này sang vùng khác, nay nhiều, mai ít,…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao tỉnh Bạc Liêu xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy, điều trị Methedone khang trang, sạch sẽ, chú ý đến việc vừa quản lý cộng với giáo dục nghề nghiệp cho các học viên. Đặc biệt, tỉnh không để xảy ra tình trạng vỡ trại như ở một số nơi, đây là điều quan trọng nhất để đảm bảo vấn đề chính trị, xã hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh Bạc Liêu không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả ban đầu, bởi ma túy lúc nào cũng rình rập. “Có một người nghiện thôi là cả một gia đình, dòng họ liêu xiêu, nên cố gắng làm sao chặn được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu”, Bộ trưởng Dung yêu cầu.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, ma túy tổng hợp (ma túy đá) đang là vấn đề “nóng” của tỉnh. Do đó, tỉnh cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, không chủ quan, trên tinh thần phấn đấu giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại.

Huỳnh Hải