Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH):
Quan ngại cách thu thập thông tin xếp hạng chống xâm hại tình dục trẻ em
(Dân trí) - “Việc xếp Việt Nam vào vị trí cuối nhóm 40 quốc gia bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục chưa thực sự rõ ràng về chỉ số đánh giá, nguồn dữ liệu, thời gian, mức độ cập nhật dữ liệu. Đặc biệt chưa rõ ràng về bộ công cụ phục vụ đánh giá…”.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), trao đổi với báo giới về một đánh giá xếp hạng được công bố hôm 16/1 từ tổ chức nghiên cứu thuộc một công ty truyền thông quốc tế về thực trạng bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục tại 40 quốc gia.
Bản đánh giá có tên là: "Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse" (tạm dịch: Ra khỏi vùng tối: Tìm hiểu về phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em).
Trong đó, tổ chức nghiên cứu trên đã chọn 40 quốc gia theo 4 tiêu chí phản ứng khi có sự xâm hại tình dục trẻ em. Việt Nam được xếp thứ 37/40 ở tiêu chí môi trường an toàn, sự ổn định quốc gia, chuẩn mực văn hoá được thảo luận; vị trí 28/40 về tiêu chí mức độ bảo vệ và cung cấp khuôn khổ pháp lý.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được xếp vị trí 35/40 về tiêu chí sự cam kết của chính phủ, đầu tư nguồn lực cho trẻ em; vị trí 38/40 về tiêu chí sự tham gia của các tổ chức xã hội, giới truyền thông xử lý rủi ro khi trẻ em đối mặt.
Về chấm điểm, báo cáo xếp Việt Nam đạt 42,9/100 điểm, đứng sau nhiều quốc gia trong bảng khảo sát như: Trung Quốc ở vị trí 36, Malaysia thứ 20, Campuchia vị trí 23, Indonesia đứng thứ 32…
Khoảng 1 triệu cuộc gọi về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em
Theo ông Đặng Hoa Nam, Chính phủ đã khai trương Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) từ năm 2017, trên cơ sở được nâng cấp từ Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 đã có lịch sử hơn 13 năm hoạt động. “Tổng đài đã tiếp nhận: 370.000 cuộc gọi đến trong năm 2017, tăng 70.000 cuộc so với năm 2016; khoảng 1.000.000 cuộc trong năm 2018. Đây là dịch vụ công đặc biệt, ghi nhận sự phản hồi của xã hội về xâm hại trẻ em” - ông Đặng Hoa Nam cho biết.
Đặc biệt, tổ chức trên còn đánh giá Việt Nam ở mức thấp điểm trong công tác thu thập thông tin về nạn xâm hại tình dục trẻ em, không có cơ quan chuyên trách để thi hành luật về chống xâm hại tình dục trẻ em, chương trình hỗ trợ dành cho đối tượng xâm hại…
Bày tỏ quan điểm về sự việc trên, ông Đặng Hoa Nam cho rằng: Việc đánh giá, xếp hạng các quốc gia về phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em nói riêng là cần thiết. Các số liệu đánh giá có tác động quan trọng đối với xã hội, thể hiện nỗ lực của các quốc gia trong công cuộc bảo vệ trẻ em.
“Tuy nhiên, điều đáng tiếc là thông tin đánh giá, xếp hạng tình trạng xử lý bạo lực tình dục trẻ em trong báo cáo hôm 16/1 chưa làm rõ được: Việc cập nhật thông tin tới tháng, năm nào? Nguồn gốc thông tin lấy ở đâu? Mức độ cập nhật thông tin ra sao? Cơ quan chức năng về bảo vệ trẻ em cũng chưa hề nhận được bảng khảo sát?...Chưa nói việc đánh giá này đúng hay sai nhưng cách thu thập thông tin để xây dựng bảng xếp hạng như trên là rất đáng quan ngại” - ông Đặng Hoa Nam nhận định.
Cũng theo Cục trưởng Cục Trẻ em, tình trạng xâm hại trẻ em thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và đã tồn tại từ rất lâu. Loài người tiến bộ không bao giờ chấp nhận.
“Thái độ của Cục Trẻ em là cầu thị. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các bộ công cụ đánh giá cần phải được công khai, minh bạch và làm rõ trước khi công bố” - ông Đặng Hoa Nam nói
Trên cơ sở đó, ông Đặng Hoa Nam cho rằng: “Đơn vị nghiên cứu khi thực hiện khảo sát cần liên hệ trực tiếp tới cơ quan chức năng bảo vệ trẻ em của các quốc gia liên quan để có nguồn thông tin, từ đó mới có thể xây dựng được những đánh giá chính xác”.
Thu hút sự tham gia của xã hội với công tác bảo vệ trẻ em
Ông Đặng Hoa Nam cho biết, cả nước hiện có 37 trung tâm công tác xã hội có hoạt động bảo vệ trẻ em, 116 cơ sở cung cấp dịch vụ trẻ em. Bên cạnh đó còn nhiều các trung tâm do tư nhân tổ chức với cùng mục đích. Cục Trẻ em và nhiều tổ chức quốc tế đã tổ chức nhiều hội thảo bàn về các chuẩn mực quốc tế khi bàn về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Về cơ sở pháp lý, Việt Nam đã thông qua Luật Trẻ em năm 2016 và các Nghị định liên quan đã quy định đẩy đủ quyền tham gia của trẻ em trong đời sống xã hội, việc quản lý các trường hợp khi có nguy cơ bị xâm hại tình dục.
Bên cạnh đó, sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế trong và ngoài nước về công tác trẻ em đã được triển khai từ nhiều năm qua. Ngoài sự tham gia nhiệt tình của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) từ hàng chục năm qua, nhiều tổ chức trong nước cũng đảm nhiệm công tác bảo vệ, hỗ trợ trẻ em như Hội Bảo vệ quyền trẻ em…
Hoàng Mạnh