6 sai lầm nhân viên trẻ nên tránh

(Dân trí) - Nhân viên trẻ thường có vô số ưu điểm của tuổi trẻ như năng động, nhiệt huyết, tự tin, thích tìm tòi, khám phá, thậm chí ưa mạo hiểm, dám nghĩ dám làm… Nhưng tuổi trẻ cũng dễ mắc phải những sai lầm mà nếu bạn biết và sớm tránh được thì thành công của bạn không cần phải đợi quá lâu như 10 hay 20 năm sau mới đến, điển hình là 6 điều sau đây.

6 sai lầm nhân viên trẻ nên tránh - 1

Tham khảo các việc làm hấp dẫn tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-tai/ha-noi/HN

Không có mục tiêu

Đây là bài học quan trọng đầu tiên mỗi nhân viên trẻ nên biết. Mục tiêu để bạn phấn đấu, là căn cứ để ra các quyết định, đánh giá kết quả công việc. Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink chia sẻ, có mục tiêu bạn sẽ có thể căn cứ vào đó kiểm soát các hoạt động của bản thân, kiểm soát việc thực hiện cũng như tiến độ… trong sự nghiệp của bạn.

Không học cách lập kế hoạch

Việc lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết cho công việc, sự nghiệp và cuộc sống của bạn cần làm càng sớm càng tốt. Không lập kế hoạch bạn sẽ không biết việc tiếp theo mình nên làm là gì. Bạn cần chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng gì để đương đầu với các sự kiện sắp tới trong sự nghiệp của mình.

6 sai lầm nhân viên trẻ nên tránh - 2

Nhân viên trẻ cần biết, không lập kế hoạch là bạn chuẩn bị sẵn cho sự thất bại trong tương lai. Không lập kế hoạch cũng đồng nghĩa bạn sẽ không thấy được con đường nào là con đường ngắn nhất bạn cần đi để hướng đến mơ ước, hoài bão của bạn.

Không học cách quản lý tài chính

Sự khác biệt lớn nhất giữa người giàu và người nghèo là cách thức quản lý tiền bạc. Sự khác biệt giữa những người hiểu biết, có ý tưởng hữu dụng gắn liền với thực tế cuộc sống so với những người ở “trên mây trên gió” chính là khả năng quản lý tài chính.

Bạn là nhân viên trẻ, con đường tương lai còn dài, việc học cách quản lý tài chính vô cùng quan trọng và cần thiết. Trong công việc, tất cả các phần việc dù ít hay nhiều đều có mục tài chính. Học cách quản lý tài chính sẽ giúp bạn làm việc thực tế hơn, không xa rời cuộc sống.

Để quản lý được số tiền lớn bạn phải có thói quen, kỹ năng quản lý số tiền nhỏ. Thói quen quản lý tiền bạc của bạn quan trọng hơn số tiền bạn đang có.

Vì vậy, nhân viên trẻ, hay người trẻ nên học và biến việc quản lý tài chính trở thành kỹ năng, thói quen của mình.

Chỉ biết lắng nghe mà không phản hồi

6 sai lầm nhân viên trẻ nên tránh - 3

Câu tục ngữ “Học ăn - học nói, học gói - học mở” không chỉ có ý nói về việc mỗi một việc trong cuộc sống con người đều phải học, mà học rồi còn phải hiểu và biết cách “mở” ra những điều mình biết và hiểu đó để áp dụng vào cuộc sống.

Là nhân viên trẻ, nếu bạn chỉ biết tiếp nhận thông tin một chiều, luôn luôn lắng nghe mà không biết suy nghĩ, trình bày và phản biện, bạn sẽ dần biến mình thành một cái máy, thụ động và có thể bị thay thế bất cứ lúc nào.

Bạn cần mạnh dạn trình bày những suy nghĩ, ý tưởng bạn có và vận dụng linh hoạt những điều đã biết.

Không biết quản lý thời gian

Nếu bạn cho rằng mình trẻ, thời gian là thứ mình giàu có nhất thì bạn đã sai lầm. Thời gian tưởng chừng vô hạn mà thực tế lại là hữu hạn. Một ngày bạn chỉ có 24 giờ, bạn có thể làm việc 8 tiếng, 10 tiếng, 16 tiếng, nhưng bạn có chắc trong khoảng thời gian đó, bạn đã phát huy hết công suất của mình?

Nếu bạn không biết cách quản lí thời gian, bạn sẽ luôn cảm thấy mình bận rộn, làm không hết việc, nhưng thực chất bạn đã lãng phí vào nhiều việc vô bổ, không tên. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự thành công trong tương lai và khiến bạn cảm thấy nuối tiếc.

Vì vậy, bạn cần lên kế hoạch cho cuộc sống và quản ý thời gian hiệu quả.

Mọi thứ đều biết nhưng không thực sự giỏi một điều gì cả

Nếu bạn mỗi thứ biết một ít, học cái gì cũng nửa vời, giống như bạn chinh phục rất nhiều ngọn núi nhưng đi được một phần thì bỏ cuộc. Tất cả các đỉnh núi đều không có lá cờ ghi dấu bước chân của bạn.

Đây cũng là một sai lầm mà một nhân viên trẻ nên tránh. Vì thời gian cứ trôi qua, đến khi bạn đã già thành công vẫn đang ở rất xa phía trước bạn. Điều cần làm của bạn lúc này là tập trung vào thế mạnh của bạn, đầu tư công sức, tiền bạc và thời gian vào đó thay vì sự tràn lan, dàn trải.

“Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” chính là điều nhân viên trẻ nên hướng đến.

Thanh Thủy