Nghề mài sừng trâu, bò làm đồ mỹ nghệ ở Hà Nội
(Dân trí) - Nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ sừng trâu, bò ở Thuỵ Ứng (xã Hoà Bình, Thường Tín, Hà Nội) tồn tại đã hơn 400 năm, nhiều vật dụng tinh xảo, đẹp mắt được tạo ra dưới bàn tay những người thợ tài hoa.
Một người thợ làm việc trong xưởng chế tác đồ thủ công mỹ nghệ. Ngày nay, với sự giúp sức của máy móc công nghệ, sản phẩm làm ra nhanh, nhiều hơn, chất lượng tốt đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Ở Thuỵ Ứng, xưởng chế tác của gia đình anh Nguyễn Xuân Huy luôn có hàng chục lao động làm việc mỗi ngày. Trung bình một tháng gia đình anh nhập khẩu từ 1 đến 2 container sừng trâu bò từ châu Á, châu Phi.
"Từ khi sinh ra tôi đã thấy các cụ trong làng làm nghề này. Giải ngũ bộ đội, tôi về quê theo nghề cha ông. Thời điểm đó vô cùng khó khăn, cũng may khi đó nhà nước bắt đầu mở cửa, sự giao thương mở rộng. Ban đầu, sản phẩm làm hoàn toàn thủ công, chất lượng không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Tôi phải mất một năm lặn lội trong Sài Gòn để tìm ra ra một số máy móc phụ trợ ", anh Huy kể.
Sừng muốn chế tác được phải qua nhiều khâu như cưa, cắt, ngâm... sau đó mài nhẵn, đánh bóng mới tạo ra được sản phẩm hoàn hảo. Sản phẩm không chỉ được bán trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Nếu như trước đây, sản phẩm chính của làng nghề Thụy Ứng là lược sừng thì hiện nay các mặt hàng đa dạng hơn với hàng trăm mẫu như thìa, dĩa, muôi, đồ trang sức (vòng đeo tay, đeo tai...). Ngoài nguyên liệu sừng, người thợ Thụy Ứng còn tận dụng các phần khác của trâu, bò để tạo ra các sản phẩm dây lưng, bàn chải, túi xách... Đa số sản phẩm được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu.
Sừng một con trâu sau khi chế tác.
Đồ trang trí chế tác từ sừng trâu bò.
Lược sừng được tạo ra từ bàn tay nghệ nhân ở Thuỵ Ứng.
Đồ trang sức bằng sừng những năm gần đây được nhiều người ưa thích.
Trọng Trinh