Tiệm bánh mì gần 100 tuổi, đi vào thơ ca ở TPHCM
(Dân trí) - "Xe đạp chưa kịp nổ, nhưng đã cười nghe thật giòn, ta nói nó giòn như bánh mì Bảy Hổ...". Ít ai ngờ rằng một thương hiệu bánh mì đã tồn tại gần 100 năm qua và được đi vào thơ ca ở TPHCM.
"Xe đạp chưa kịp nổ, nhưng đã cười nghe thật giòn, ta nói nó giòn như bánh mì Bảy Hổ, Huỳnh Khương Ninh" - trích từ ca khúc "Hạnh phúc nơi Sài Gòn". Ít ai ngờ rằng một thương hiệu bánh mì đã được đi vào thơ ca.
Từ khoảng những năm 1930, ông Trần Văn Hậu có thùng bánh mì bán trên đường, gặp người phụ nữ tên Lý Thị Tư với hàng xôi nhỏ. Trên con đường nay là Huỳnh Khương Ninh - Đinh Tiên Hoàng, họ bán quà sáng và kết duyên vợ chồng. Cái tên bánh mì Bảy Hổ ra đời đó.
Sau này ông Hậu truyền lại cho con là bà Trần Lệ Sương. Đến năm 2007, ông Hồ Quốc Dũng (38 tuổi) - cháu ngoại đời thứ 3 của ông Hậu tiếp quản tiệm bánh mì.
Đúng 3h30, phóng viên Dân trí có mặt trước cửa tiệm của ông Dũng, ông đẩy chiếc xe máy ra ngoài, đi chợ, mua nguyên liệu. Ông Dũng đi chợ sớm để chọn những nguyên liệu tươi.
"Cứ mỗi sáng là tôi như con gà mắc tóc, chạy tới chạy lui" ông Dũng cười.
Ông Dũng cho biết, thời gian khó khăn khi mới tiếp quản tiệm bánh mì, ông phải học các bước căn bản như lựa rau củ, cách bán và chế biến nguyên liệu. Lúc đầu khách chê pa-tê không ngon, ông Dũng đã dày công, "nhồi" thêm kỹ năng của mình.
"Cũng nhờ có ông bà phù hộ, tôi đã có thể phát triển công thức pa-tê tốt hơn hồi xưa", ông Dũng tự hào.
Sau khi đi chợ về, ông Dũng chuẩn bị làm thịt và pa-tê còn vợ ông thái rau củ.
Đúng 5h30, các nguyên liệu đã được chuẩn bị đầy đủ, phục vụ cho khách. Giờ cao điểm của tiệm từ 6h-8h, buổi chiều từ 15h-18h.
"Món bánh mì truyền thống có đặc điểm là sử dụng "hàng nóng". Nghĩa là thịt, chả, pa-tê và bánh mì phải được chế biến xuyên suốt cả ngày. Tất cả nguyên liệu này là do nhà tôi tự làm" ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, bánh mì muốn ngon phải được ủ bột đủ 8 tiếng và đợi nở tự nhiên, nhờ đó mà bánh sẽ rất giòn. Tuy nhiên, vì thế mà kích cỡ của bánh sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Lúc trời lạnh thì bánh nhỏ còn lúc nóng thì bánh nở nhiều hơn.
"Một số khách thắc mắc là tại sao bánh mì ở đây lại bé như vậy? Chỉ có người ăn lâu năm họ mới biết được tại sao", ông Dũng cười.
Vào 7h sáng, đông khách đứng xếp hàng, chờ mua bánh mì. Trải qua gần một thế kỉ, ông Dũng cố gắng giữ ổ bánh ở mức giá từ 15 - 20.000 đồng/ổ. Thời ông ngoại ông Dũng, một ổ bánh mì chỉ có 2.000 - 2.500 đồng.
"Ông ngoại tôi quan niệm rằng bán giá rẻ và chất lượng để mọi người cùng ăn, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, tiệm luôn xem khách như người nhà của mình. Tôi nhớ khẩu vị của từng người, ai ăn mặn, cay, hay nhiều thịt mỡ. Tôi đều không quên", ông Dũng nói.
Ông Phan (bên trái) - một vị khách thâm niên của tiệm cho biết, ông bắt đầu ăn bánh mì ở đây vào những năm 90. Có hai điều giữ chân ông lại với tiệm bánh mì này: Thứ nhất là bánh mì giòn và ngon. Thứ hai, là thái độ của nhân viên của tiệm lúc nào cũng vui vẻ, tận tình với khách.
Kết thúc ngày làm việc, hai vợ chồng ông Dũng cùng nhau dọn dẹp. "Ở đây công việc tất bật, chẳng ai để ý đến thời gian, chỉ biết sáng và tối thôi", bà Bé (vợ ông Dũng) dí dỏm.
Dù bận rộn cả ngày nhưng khi rảnh, ông Dũng vẫn dành thời gian chơi đùa với cô con gái của mình.
Theo ông Dũng, ông không ép các con theo nghiệp của mình. Ông chỉ hỗ trợ và cho chúng nó tự quyết định tương lai của mình.
Mong muốn cháy bỏng nhất của ông Dũng là lưu truyền thương hiệu bánh mì của gia đình tiếp đến đời sau. Ông Dũng trăn trở: "92 năm trôi qua mà tiệm vẫn chưa có chi nhánh, cứ đứng bán ở một chỗ này hoài sao mà được".
"Chuyện ai đứng bán bây giờ không quan trọng nữa, quan trọng là mình tìm được đúng người để truyền lại nghề", ông Dũng trầm ngâm.
Gia đình ông Dũng khởi đầu mỗi ngày ở xóm hẻm Sài Gòn bằng xe bánh mì giòn, pa-tê thơm. Tất cả bằng cái tâm ông bà ngoại và mẹ ông để lại trong 92 năm di sản bánh mì Sài Gòn, yêu một nghề, thương thức quà sáng cho mỗi người ấm bụng.