(Dân trí) - "Bưng cỗ Tết" hay "giỗ sống" là phong tục có từ lâu đời, trở thành nét văn hóa truyền thống của người Nguồn ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Đây là cách để con cháu thể hiện lòng hiếu kính với cha mẹ.
Những ngày Tết đến Xuân về, chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình cụ Đinh Xuân Mỹ (90 tuổi), trú thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, đúng lúc vợ chồng anh Đinh Thanh Quán (SN 1977, con trai thứ 5 của cụ Mỹ) bưng cỗ Tết đến.
Theo anh Quán, người Nguồn ở huyện Minh Hóa gọi phong tục này là "bưng cỗ Tết" hoặc "giỗ sống". Những ngày cuối năm, các con trong gia đình sẽ lần lượt bưng mâm cỗ đến nhà bố mẹ đẻ để tỏ lòng hiếu kính. Người dân địa phương còn có cách gọi khác là "Tết báo hiếu".
Từ sáng sớm, vợ chồng anh Quán đã dậy chuẩn bị mâm cỗ, gần trưa bưng đến nhà bố mẹ để dâng lên đấng sinh thành. Sau khi chào bố mẹ, vợ chồng anh Quán dọn cỗ lên bàn.
Mâm cơm báo hiếu không đòi hỏi nhiều, ít, không bắt buộc phải là các món đặc sản quý hiếm mà chủ yếu là tình cảm con cháu dành cho ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, không thể thiếu các món ăn truyền thống của gia đình người Nguồn như: bánh chưng, cá khe, rau rừng, bánh po, chuối hầm…
Dọn xong cỗ, anh Quán đứng dậy lễ phép nói: "Năm hết, Tết đến, hôm nay chúng con làm mâm cơm dâng lên cha mẹ những món ăn ngon nhất. Mời cha mẹ dùng bữa. Chúc cha mẹ sức khỏe để sống lâu trăm tuổi cùng các con, các cháu".
Tiếp đến, vợ chồng cụ Mỹ sẽ ngồi vào bàn, con trai, con dâu đứng cạnh, người rót rượu, người gắp thức ăn phục vụ ông bà. Cụ Mỹ có tất cả 6 người con, cứ dịp cuối năm, vợ chồng cụ đón nhận 6 bữa cơm báo hiếu từ các con.
"Con cái dù ở xa, ở gần, cuối năm đều về "bưng cỗ Tết", đây là truyền thống văn hóa của cộng đồng chúng tôi. Với người làm cha, mẹ cũng không đòi hỏi mâm cao cỗ đầy nhưng luôn mong muốn con cái hiếu thuận, đoàn kết", cụ Mỹ chia sẻ.
Ngày nay, khi cuộc sống đầy đủ, no ấm hơn, ngoài những món ăn truyền thống, con cháu người Nguồn còn chuẩn bị thêm các món ăn được chế biến theo sở thích của ông bà, cha mẹ. Trong nhà có bao nhiêu người con có gia đình, sẽ có ngần ấy mâm cơm dâng lên báo hiếu.
Dù nhịp sống có nhiều đổi thay, song trong ý thức mỗi người dân Minh Hóa, tục "giỗ sống" là một nét đẹp văn hóa trong ứng xử, là một phần thước đo đạo đức của cá nhân trong cộng đồng làng xã cần được bảo tồn, lưu giữ và phát huy.
Nói về phong tục của người Nguồn, cụ Đinh Quang Dâng (71 tuổi), cho hay "bưng cỗ Tết" hay "giỗ sống" là nét đẹp văn hóa đặc trưng của người dân ở huyện Minh Hóa, nhưng nó có từ bao giờ, xuất phát từ đâu thì đến nay vẫn chưa thể xác định.
Cũng có câu chuyện kể lại rằng, ngày xưa, gia đình một vị quan ở vùng Minh Hóa có người con trai lười nhác, chẳng chịu làm ăn. Khi có vợ con nhưng vẫn giữ bản tính cũ không chịu thay đổi. Ông quan dù thương con nhưng muốn con nên người, liền bắt người con phải lên rừng tự lập nghiệp.
Khi cuộc sống ngày càng khấm khá, có của ăn của để, người con trai mới hiểu ra và nhớ đến công ơn sinh thành của cha mẹ. Sau bao ngày suy nghĩ, dịp Tết năm đó, người con làm mâm cỗ, bưng đến mời cha mẹ để báo hiếu, cảm ơn công ơn sinh thành, nuôi dạy. Từ đó, câu chuyện về cách báo hiếu này được người dân ở huyện Minh Hóa học và làm theo.
Cũng có người nói rằng, xa xưa người Nguồn sống cực khổ, thức ăn chính của họ là bồi (bột ngô trộn với sắn hấp lên) ăn với ốc khe nên không thể chăm lo bữa ăn chu tất hàng ngày cho cha mẹ. Chính vì thế mà người Nguồn cố gắng mỗi năm một lần làm mâm cơm thật ngon dâng cha mẹ vào dịp cuối năm.
"Cũng có nhiều câu chuyện khác nhau, nhưng tựu chung lại, phong tục mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhắc nhở con cái về công dưỡng dục, sinh thành. Ngày nay, khi cuộc sống đã đủ đầy, những người con đi làm ăn xa quanh năm, không có điều kiện chăm sóc cha mẹ, đến Tết họ về, mang những món ăn ngon nhất dâng lên cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo", cụ Dâng nói.
Ông Đinh Văn Đình, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa huyện Minh Hóa, cho hay, người Nguồn là cách gọi của một cộng đồng ở huyện miền núi Minh Hóa chứ không phải một tộc người hay một dân tộc.
Theo ông Đình, người Nguồn có nhiều phong tục, nét văn hóa đặc trưng. Họ quan niệm rằng, cha mẹ mỗi năm thêm tuổi, ngày càng già yếu, khi cha mẹ còn sống thì phải chăm sóc ăn uống tươm tất, chứ đến khi về với tổ tiên rồi, có muốn báo hiếu cũng chẳng được nên mới có tên gọi là "giỗ sống".
"Bưng cỗ Tết" là truyền thống lâu năm của người Nguồn, con cái dù giàu hay nghèo, cỗ to hay nhỏ không quan trọng, cốt lõi là sự hiếu thảo, tự tay làm cỗ để tỏ lòng với bố mẹ. Thường thì trong một gia đình, người con nào muốn "bưng cỗ Tết" phải thông báo trước cho cha mẹ biết để không nấu cơm và tránh trùng với người con khác", ông Đình nói.
Phong tục "bưng cỗ Tết" hay "giỗ sống" của người Nguồn có sức sống mãnh liệt, vượt cả thời gian, không gian. Các tộc người khác sống trên địa bàn nay cũng học theo và xem đó như một truyền thống tốt đẹp. Thậm chí những người dưới xuôi lên làm ăn, ở Minh Hóa cũng học theo và về thực hiện cho ông bà, cha mẹ mình.