DMagazine

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp

(Dân trí) - Nếu chỉ nói đam mê không thì chưa đủ, đội kịch sinh viên CKT của trường ĐH KH XH&NV TPHCM cho người xem thấy được sự đam mê kịch nói xuất phát từ cái "tình" với nghệ thuật.

Nếu chỉ nói đam mê không thì chưa đủ, đội kịch sinh viên CKT của trường ĐH KH XH&NV TPHCM cho người xem thấy được sự đam mê kịch nói xuất phát từ cái "tình" với nghệ thuật.

Kịch nói "Sông nuốt người": Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp

Đã gần mười năm, đội kịch sinh viên CKT với nòng cốt là sinh viên trường vẫn duy trì đều đặn mỗi năm hai suất diễn. Nếu nghe qua sinh viên diễn kịch, ít ai có thể nghĩ rằng sản phẩm của các bạn đạt yêu cầu về độ chuyên nghiệp lẫn chuyên môn. Nhưng nếu đã một lần thưởng thức, khán giả sẽ có cái nhìn khác.

Những sinh viên ngày đi học, đêm đi làm thêm, vun vén thời gian đi tập kịch, chạy chương trình, ghép nhạc vào thoại, chạy phục trang, ráp cảnh trí, chia đạo cụ… các bạn làm bằng cái tình với nghệ thuật, bằng sự chân thành với kịch nói, nghiêm túc và thực tâm, để rồi thu hút hàng ngàn khán giả đến xem kịch trong ngần ấy năm, suất diễn nào cũng tràn ngập tiếng vỗ tay và những vòng hoa…

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 1

 Không gian phòng thay đồ của sân khấu nhà văn hóa Sinh viên chính là nơi các bạn tận dụng làm phòng hóa trang, chuẩn bị cho vở kịch xã hội "Sông nuốt người".

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 2

Tận dụng mọi khả năng, các bạn hỗ trợ nhau từ chuyện trang điểm, làm tóc, thay phục trang…

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 3

Mỗi cá nhân tự thực hiện những công đoạn có thể làm trước, những bước hóa trang khó sẽ nhờ bạn diễn.

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 4

Không có khu biệt lập, bộ phận phục trang ủi quần áo ngay phía sau phông màn nên chỉ có thể bật đèn flash điện thoại để không ảnh hưởng đến khoảng tối của sân khấu.

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 5

Phân đoạn đầu tiên mở màn, toàn bộ nhân lực phục vụ tập trung cao nhất để cố gắng hoàn thành suất diễn. Cảnh trí được thiết kế khá thông minh, từng tiểu cảnh không phải đẩy ra hay đẩy vô phía cánh gà mà được xoay tròn tại chỗ, có thể thấy kinh nghiệm của các bạn sau gần mười năm làm kịch nói.

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 6

Nữ diễn viên Ngọc Thảo vai bà Hai Gạo, thành tâm chắp tay khấn Tổ sân khấu mong cho suất diễn thuận thành trước khi ra sân khấu…

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 7

Bộ phận ánh sáng theo dõi sát sao kịch bản và diễn biến vở diễn, thái độ làm việc vô cùng chuyên nghiệp.

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 8

Theo bạn Huỳnh Tân, chịu trách nhiệm nội dung và biên kịch tâm sự: "Cái khó của tụi em chính là kinh nghiệm sống của diễn viên do đa phần các bạn đều là sinh viên, có nhiều tình tiết mà các bạn chưa bao giờ trải qua trong cuộc sống. Tất cả những phương án xử lý cảm xúc đều do các bạn tự mày mò, nghiên cứu. Về mặt tài chính, vật lực, nhân sự tất cả đều tự lực cánh sinh. Thường thì sẽ làm theo phương thức gối đầu, ứng ra một khoảng quỹ giải quyết các vấn đề trước mắt, sau đó sẽ thu lại từ tiền bán vé rồi vận hành những khâu tiếp theo".

Bạn Nguyễn Thị Thảo Trăm, hiện đang là sinh viên năm 3, Đại học KH-XH-NV TPHCM, thủ vai Tám Đò, một nhân vật xuyên suốt gắn liền với cù lao Đắng. 

"Nhóm diễn viên chỉ có khoảng một tháng để có thể tập với nhau nhưng không xuyên suốt vì các bạn sinh viên vướng nhiều lịch cá nhân, có bạn đụng vào giờ làm thêm nên thực sự tụi em đã rất nỗ lực. Thường thì mọi người sẽ học vào ban ngày và dành các buổi tối để tập với nhau. Thật ra, khi tham gia vào câu lạc bộ xung kích CKT và làm diễn viên cho đội kịch thì thù lao là một con số không tròn trĩnh. Một số phụ kiện, tóc giả, trang điểm thì phải tự mua hoặc mượn của nhau. Làm công việc này, thứ nhất chính là thỏa được đam mê kịch, thứ hai chính là gia đình CKT, em cảm nhận mọi người đối xử với nhau như một gia đình, nhiều kinh nghiệm sống em được học từ tập thể này", Thảo Trăm kể với giọng vô tư.

Đảm trách vai Dũng trong vở diễn, bạn Trần Phước Thiện nhớ như in từng thời điểm mình tham gia qua các năm. Hầu như từ quần chúng đến hiện tại là vai chính, Thiện đã kinh qua hết. Bạn sinh viên này mê kịch từ thời còn học du lịch trên giảng đường. Hiện tại Thiện đang theo học tại sân khấu kịch Minh Nhí.

"Thực sự nếu làm việc với các ekip chuyên nghiệp và so sánh với việc mà các bạn ở đây đang làm thì em không dám tin, nó quá sức với sinh viên. So với các diễn viên chuyên nghiệp, sự nghiệp dư của các bạn sinh viên mang đến cái chất tự do trong cách diễn với những mảng miếng tung hứng trên sân khấu mà ngay cả em cũng bất ngờ", Thiện chia sẻ.

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 9

Thiện đảm nhận vai Dũng có tính cách phức tạp, căng thẳng nhất chính là phần thay đổi ngoại hình nam thành nữ trong chưa đầy 5 phút. Đây là chi tiết bất ngờ, tạo sự tò mò cho khán giả theo dõi phần 2 vì cảnh kết thúc phần một, nhân vật Dũng xuất hiện trước mắt Tám Đò, người yêu thầm Dũng từ thời trẻ. Cảnh này, khán giả vỗ tay không ngớt.

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 10

Là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực sân khấu, Thiện đang theo học kịch nói tại sân khấu kịch Minh Nhí nhưng cũng không khỏi ngỡ ngàng khi nói về những người bạn diễn sinh viên của mình.

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 11

Thảo Trăm, sinh viên năm ba đang thể hiện tâm trạng đau khổ của nhân vật Tám Đò khi phải cầm cây son kẻ môi cho chính người trong mộng từ thời còn xuân sắc.

Theo kịch bản, từ thời trẻ, bà Tám Đò yêu thầm ông Dũng nhưng ông Dũng không muốn mình là kẻ sống bám khi ngày ngày cứ ăn cơm của bà Tám Đò. Ông Dũng không thể chịu nỗi sự dằn vặt nên âm thầm bỏ xứ ra đi, dòng sông đã lấy mất đi người thương của bà Tám Đò. Bẵng đi vài năm, dòng sông đưa ông Dũng về lại với bà nhưng trong bộ dạng một người đồng tính, mọi cảm xúc cứ dở dang…

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 12

Thủ vai bà Tám Đò lúc trẻ, Ngọc Trăm quẩy tưng bừng "hoa lá hẹ".

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 13

Tám Đò phối hợp cùng Huỳnh Thy (vai Năm Đời) diễn cảnh đứa con của bà Năm Đời thất lạc từ nhỏ do lỗi của bà Tám Đò về tìm mẹ trong sự hận thù, oán trách. Dòng sông lấy đi đứa con của bà Năm Đời, mang đến cho bà Năm Đò sự day dứt đến tột cùng.

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 14

Dũng và cháu gái (vai Quế) nảy sinh mâu thuẫn trong chính căn nhà đang chung sống. Quế mặc cảm với xã hội thường xuyên đay nghiến Dũng: "Giờ con kêu Dũng là cậu, hay cô?!". Dòng sông lấy đi tình thân của gia đình này, và rồi mang về một người cậu "bán nam, bán nữ".

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 15

Cảnh kết, bốn nhân vật nữ do sinh viên thủ vai ngồi trước dòng sông, nơi mang đến cho họ hy vọng rồi cũng lấy đi của họ niềm tin, đoạn cuối không kết quả nhưng khiến khán giả phải suy nghĩ… những tràng pháo tay vang lên hồi dài tưởng thưởng cho công sức của các diễn viên là sinh viên đội kịch CKT.

Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 16
Khán giả hầu như theo dõi hết vở kịch trong suốt gần 4 giờ
Bất ngờ khoảnh khắc: Khi sinh viên làm kịch chuyên nghiệp - 17
Diễn viên Thảo Trăm òa khóc trong vòng tay chúc mừng của bạn bè khi kết thúc 

Bạn Nguyễn Bảo Minh, sinh viên trường ĐH KH XH&NV: "Vở diễn mang lại cho em rất nhiều cảm xúc. Em xúc động với từng nhân vật, có những đoạn em đã khóc. Em không nghĩ các bạn là sinh viên khi xem các bạn diễn. Với em, các bạn là những diễn viên chuyên nghiệp".

Phạm Nguyễn