Tổng quan bệnh Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt (tên tiếng anh là PMS - Premenstrual Syndrome) là một loạt các triệu chứng về những thay đổi, rối loạn tâm sinh lý, hành vi của nữ giới khoảng thời gian trước chu kỳ kinh nguyệt.
Hội chứng tiền kinh nguyệt kéo dài có thể gây khó chịu về mặt thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến cảm xúc, sinh hoạt hàng ngày của phụ nữ.
Tần suất và tỷ lệ
Hội chứng tiền kinh nguyệt chiếm tỉ lệ từ 85 - 90% phụ nữ với các mức độ từ rất nhẹ đến rất nặng. Có từ 20 - 40% triệu chứng rối loạn làm hạn chế khả năng tâm thần và sinh lý và khoảng 2,3% triệu chứng nặng gây mất khả năng hoạt động thực sự.
Hội chứng PMS tuy không nguy hiểm đến tính mạng chị em phụ nữ nhưng nếu không chú ý theo dõi, điều trị thì bệnh lý có thể diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân và hạnh phúc gia đình cũng như sinh hoạt hàng ngày.
Nguyên nhân bệnh Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hiện nguyên nhân chính gây ra Hội chứng tiền kinh nguyệt vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên các nhà khoa học tin rằng có 2 yếu tố chính có thể góp phần gây ra tình trạng này:
Sự thay đổi của nồng độ nội tiết tố nữ trước kỳ kinh (estrogen, progesterone) gây nên các dấu hiệu của hội chứng tiền kinh nguyệt. Ví dụ lượng hormone progesterone thường tiết ra nhiều hơn trước khi có kinh nguyệt và giảm đáng kể sau khi bắt đầu ra máu kinh.
Do những thay đổi về hóa chất trong não (serotonin). Không đủ lượng serotonin có thể góp phần gây trầm cảm tiền kinh nguyệt, cùng với đó là triệu chứng mất ngủ, mệt mỏi, thèm ăn.
Việc chế độ ăn uống mất cân bằng, thiếu hụt vitamin và khoáng chất; sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn, chứa cafein cũng có thể là nguyên nhân khiến cho các triệu chứng tiền kinh nguyệt trở nên nghiêm trọng hơn.
Triệu chứng bệnh Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể dẫn đến một số rối loạn về cơ thể như:
Thay đổi khẩu vị, thèm ăn
Căng tức vùng ngực
Phù và tăng cân
Đau đầu
Sưng phù tay hoặc chân
Đau nhức toàn thân (đặc biệt vùng bụng và thắt lưng)
Chướng bụng
Uể oải, mệt mỏi trước kỳ kinh
Xuất hiện các vấn đề về da (mụn, trứng cá..)
Xuất hiện các triệu chứng về tiêu hóa
Đau bụng tiền kinh nguyệt
Và một số rối loạn về mặt cảm xúc, hành vi như:
Cảm giác phiền muộn
Các cơn giận bộc phát, dễ cáu gắt, giận dữ
Cảm thấy lo âu, rối loạn
Trầm cảm trước kỳ kinh nguyệt
Hay nhầm lẫn
Cảm giác bị xa lánh, nhạy cảm
Dễ bị kích thích, dễ khóc
Thiếu tập trung, hay quên
Mất ngủ
Tăng cường độ ngủ ngày, chợp mắt giấc ngắn
Thay đổi ham muốn tình dục
Đôi khi các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt có thể nhẹ và khó thấy, nhưng cũng có lúc các triệu chứng thể hiện rõ ràng và nghiêm trọng hơn. Đa phần các dấu hiệu trên thường kéo dài trong khoảng từ 1-2 tuần trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt và sẽ biến mất ngay sau khi kết thúc kỳ.
Nếu cảm thấy các triệu chứng tiền kinh nguyệt làm cản trở các hoạt động hàng ngày hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc của bạn thì bạn nên đến gặp và trao đổi thêm với bác sĩ. Tùy vào cơ địa, yếu tố di truyền của mỗi người mà tình trạng bệnh lý có thể biểu hiện khác nhau. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chẩn đoán,chỉ định phương pháp điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Đối tượng nguy cơ bệnh Hội chứng tiền kinh nguyệt
Hội chứng tiền kinh nguyệt là tình trạng rất phổ biến mà bất cứ phụ nữ nào cũng có thể gặp phải. Tuy nhiên theo ghi nhận thì phụ nữ trong độ tuổi từ 20 - 40 có các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở những người từ 40 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, những phụ nữ đã mang thai thường ít nhất 1 lần bị hội chứng tiền kinh nguyệt, các phụ nữ có tiền sử trầm cảm hoặc các rối loạn tâm trạng khác cũng có khả năng tương tự.
Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị hội chứng tiền kinh nguyệt, bao gồm: di truyền (có người thân trong gia đình đã từng gặp vấn đề với hội chứng này). Những người có vấn đề về tâm thần như lo lắng, bất an, trầm cảm; không tập thể dục rèn luyện sức khỏe; chế độ ăn thiếu vitamin B6, canxi và magiê, sử dụng đồ uống có chứa cafein…đều có khả năng cao mắc hội chứng tiền kinh nguyệt.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hội chứng tiền kinh nguyệt
Để chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt, bác sĩ phải xác định được một số dấu hiệu sau đây ở bệnh nhân:
Triệu chứng xuất hiện trong 5 ngày trước khi kỳ kinh và lặp lại ít nhất 2 chu kỳ liên tiếp.
Triệu chứng kết thúc trong vòng 4 ngày sau khi bắt đầu có kinh nguyệt.
Ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống hàng ngày của bệnh nhân.
Để có thể hỗ trợ tốt nhất cho bác sĩ trong việc chẩn đoán nguyên nhân, diễn biến tình trạng bệnh, bạn nên sử dụng lịch theo dõi nguyệt san và ghi chú lại tất cả các triệu chứng trước khi đến thăm khám. Nếu các triệu chứng luôn xảy ra trong vòng 2 tuần trước khi hành kinh và ngưng trong hoặc sau khi hành kinh, có thể đó là PMS. Không có xét nghiệm máu hay phương pháp chẩn đoán hình ảnh nào có thể giúp ích cho việc chẩn đoán.
Các biện pháp điều trị bệnh Hội chứng tiền kinh nguyệt
Nếu hội chứng tiền kinh nguyệt diễn ra ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, tình trạng này có thể cải thiện bằng cách cải thiện lối sống hay điều chỉnh lại chế độ ăn uống. Nhưng trong trường hợp các triệu chứng bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh, các bác sĩ có thể cân nhắc tới việc điều trị bằng thuốc.
Dưới đây là một số cách giảm hội chứng tiền kinh nguyệt mà người bệnh có thể áp dụng:
Ngủ đủ giấc từ 7-8 tiếng/ngày
Ngủ đủ giấc là yếu tố rất quan trọng giúp phụ nữ có đủ sức khỏe để chống lại các cơn đau bụng tiền kinh nguyệt. Người bệnh nên tập thói quen đi ngủ đúng giờ, ngủ từ 7-8 tiếng/ngày có thể giúp giải tỏa tâm trạng căng thẳng và mệt mỏi.
Nếu bạn bị mất ngủ, khó ngủ, có thể uống một ly sữa ấm ít béo trước khi đi ngủ. Trong sữa giàu chất tryptophan, một loại axit amin làm tăng sản xuất serotonin giúp xoa dịu thần kinh để bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Chú ý đến chế độ ăn
Một số thay đổi về chế độ ăn có thể giảm nhẹ các triệu chứng của PMS:
Đa dạng hóa thực đơn bằng thực phẩm giàu carbohydrates có thể giúp hỗ trợ điều trị hội chứng này. Carbohydrate phức hợp thường có trong thực phẩm làm từ ngũ cốc nguyên hạt (bánh mì, mì ống, lúa mạch, gạo nâu, hạt ngũ cốc).
Bổ sung thực phẩm giàu canxi như sữa chua, bơ sữa vào thực đơn hàng ngày.
Giảm lượng muối và đường, chất béo trong khẩu phần ăn.
Tránh tiêu thụ đồ uống có cồn (bia, rượu) và các món có chứa cafein như trà đặc, cà phê.
Thay đổi tần suất bữa ăn: Ăn 6 bữa nhỏ mỗi ngày thay vì 3 bữa chính, hoặc ăn ít hơn một chút trong 3 bữa ăn chính và bổ sung thêm 3 bữa ăn nhẹ.
Giữ lượng đường trong máu luôn ổn định cũng là một cách giải quyết triệu chứng.
Tập thể dục thường xuyên
Khi bắt đầu thấy các dấu hiệu của hội chứng tiền này, chị em phụ nữ có thể vận động, tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội...để não tăng sản xuất chất endorphins có tác dụng giảm đau, tăng cảm giác hưng phấn, lạc quan vui vẻ.
Với một số phụ nữ, duy trì tập aerobic đều đặn có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng của PMS do làm tăng nhịp tim và chức năng phổi, giúp khí huyết trong cơ thể lưu thông.
Kết thân với yoga, khí công dưỡng sinh hoặc thiền để giúp các cơ cắp được thư giãn, kiểm soát căng thẳng và giảm thiểu các triệu chứng gây khó chịu.
Thư giãn và giải tỏa căng thẳng
Nếu thường xuyên bị hội chứng tiền kinh nguyệt, bạn cần tìm cách thư giãn và giảm căng thẳng. Một số liệu pháp thư giãn phổ biến là massage, thiền, yoga, tập hít thở nhẹ nhàng.
Ngoài ra phụ nữ cũng được khuyến khích là nên nghỉ ngơi, nếu tâm trạng bức bối có thể chia sẻ với gia đình, bạn bè để giải tỏa cảm xúc.
Sử dụng thuốc điều trị
Các thuốc kê đơn thường dùng trong điều trị các triệu chứng tiền kinh nguyệt gồm:
Thuốc chống trầm cảm: là nhóm thuốc ức chế chọn lọc tái hấp thu serotonin (SSRIs) bao gồm fluoxetine (Prozac, Sarafem), sertraline (Zoloft), paroxetine (Paxil, Pexeva)… được xác nhận có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng bất an về tâm lý.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): như ibuprofen, naproxen có thể được sử dụng để giảm đau bụng tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên thường các bác sĩ sẽ cân nhắc vì nhóm thuốc này có tác dụng phụ gây xuất huyết dạ dày hoặc loét dạ dày tá tràng.
Thuốc ngăn ngừa sự rụng trứng: ví dụ như thuốc tránh thai nội tiết tố có thể làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt liên quan đến thể chất.
Lưu ý trước khi dùng bất kỳ sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm bổ sung nào cần trao đổi kỹ với bác sĩ về các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Việc tự sử dụng thuốc và các chất bổ sung ngoài chỉ định có thể dẫn đến các tác hại ngoài ý muốn.