Tổng quan Hội chứng Raynaud
Hội chứng Raynaud là gì?
Hội chứng Raynaud là tình trạng bệnh lý co thắt các mạch máu ngoại vi khi gặp lạnh hoặc các tình huống căng thẳng, giảm lưu lượng máu đến cung cấp cho các mô và tế bào. Ngón tay, ngón chân, tai, núm vú và chóp mũi là những vùng bị ảnh hưởng phổ biến nhất trong bệnh Raynaud với các biểu hiện lâm sàng như: thay đổi màu sắc da từ hồng hào sang trắng hoặc tím xanh, dị cảm, tê rần da, thay đổi cảm giác,… biến chứng hoại tử có thể xuất hiện nếu tình trạng co thắt mạch diễn ra trong thời gian dài.
Maurice Raynaud (1834 - 1881) là tên của một bác sĩ người pháp mô tả bệnh lần đầu tiên vào năm 1862 nên tên của ông được đặt cho tên của bệnh. Hội chứng Raynaud xảy ra trong khoảng 4% dân số, phổ biến hơn ở nữ giới. Độ tuổi thường khởi phát bệnh rơi vào khoảng 15 đến 30. Bệnh thường gặp ở những khu vực có khí hậu lạnh.
Hội chứng Raynaud được phân loại thành hai nhóm:
Raynaud nguyên phát: gọi được gọi là bệnh Raynaud. Đây là nhóm thường gặp và ít nghiêm trọng hơn.
Raynaud thứ phát: dạng này tuy không phổ biến như Raynaud nguyên phát nhưng có các biểu hiện nặng nề hơn và thường xảy ra ở nhóm người lớn tuổi.
Nguyên nhân Hội chứng Raynaud
Hiện nay, nguyên nhân gây ra dạng Raynaud nguyên phát vẫn chưa được biết rõ.
Ngược lại, đối với nhóm Raynaud thứ phát, bất kỳ bất thường nào liên quan đến mạch máu và các dây thần kinh chi phối mạch máu đều có thể dẫn tới hội chứng Raynaud. Nhiều bệnh lý nền đã được chứng minh là nguyên nhân gây bệnh như:
Xơ cứng bì: đây là một bệnh lý liên quan đến mô liên kết, trong đó xuất hiện các tổn thương xơ cứng và sẹo trên da, cản trở dòng máu đến nuôi dưỡng
Lupus: là một bệnh lý tự miễn, ảnh hưởng đến toàn thân, bao gồm cả da và các mạch máu.
Các bệnh lý rối loạn về máu như cryoglobulinemia và đa hồng cầu;
Hội chứng Sjogren: thường đi kèm với xơ cứng bì hay lupus.
Bệnh Buerger: bệnh lý tự miễn liên quan đến tình trạng viêm các mạch máu vừa và nhỏ ở các vùng chi.
Bệnh lý tuyến giáp
Các hành động lặp đi lặp lại làm tổn thương động mạch ở tay và chân như đánh máy, chơi piano
Chấn thương ở tay, chân cũng có thể dẫn đến hội chứng Raynaud.
Chất hóa học: Phơi nhiễm với một số chất hóa học như vanyl cloric có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng Raynaud.
Hút thuốc lá: chất nicotine trong thuốc lá có thể gây ra hội chứng Raynaud.
Thuốc: các thuốc giảm đau đầu hay nhóm thuốc điều trị ung thư, dị ứng, ăn kiêng, thuốc tránh thai và thuốc chẹn beta có thể gây ra hội chứng Raynaud.
Triệu chứng Hội chứng Raynaud
Hội chứng Raynaud có các biểu hiện lâm sàng không giống nhau giữa các người bệnh, thay đổi tùy theo mức độ nặng nhẹ, tần suất và khoảng thời gian xảy ra các đợt co thắt mạch.
Triệu chứng của bệnh bao gồm:
Thay đổi màu sắc da ở vị trí bị ảnh hưởng: khi gặp lạnh hoặc căng thẳng, mạch máu co thắt làm giảm lượng máu lưu thông nên da ngón tay, ngón chân thường chuyển sang màu trắng, sau chuyển sang màu xanh, đỏ tím và sưng lên. Tai, chóp mũi hay núm vú là những khu vực khác có thể bị ảnh hưởng cùng với tay và chân. Biến đổi màu sắc da không nhất thiết phải trải qua theo thứ tự hay đầy đủ cả ba màu kể trên. Những người bệnh khác nhau sẽ có các thay đổi màu sắc da khác nhau. Về sau khi tuần hoàn lưu thông trở lại các ngón sẽ khôi phục lại màu sắc như bình thường kèm theo cảm giác nóng rát.
Rối loạn cảm giác: những khu vực bị ảnh hưởng sẽ có cảm giác tê, dị cảm hay đau nhức, xảy ra song song với sự thay đổi màu sắc da.
Loét và hoại tử: nếu quá trình co thắt mạch máu lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến việc thiếu máu nuôi dưỡng các khu vực bị ảnh hưởng, cuối cùng sinh ra các vết loét da và hoại tử. Lúc này việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn. Dấu hiệu này hiếm khi xảy ra.
Những bệnh nhân mắc hội chứng Raynaud thứ phát còn phải đối diện với các triệu chứng lâm sàng khác của bệnh lý nền gây ra nó.
Đường lây truyền Hội chứng Raynaud
Hội chứng Raynaud có thể là một bệnh nguyên phát hoặc là hệ quả của các bệnh lý nền khác. Nguyên nhân gây nên hội chứng Raynaud không liên quan đến các tác nhân nhiễm khuẩn nên đây không phải là một tình trạng bệnh lý có tính chất lây nhiễm. Những người khỏe mạnh khi tiếp xúc với người mắc hội chứng Raynaud không bị lây bệnh.
Đối tượng nguy cơ Hội chứng Raynaud
Hội chứng Raynaud có thể xảy ra với tất cả mọi người nhưng những người sở hữu các yếu tố sau có khả năng mắc bệnh cao hơn hẳn:
Các yếu tố nguy cơ của hiện tượng Raynaud bao gồm:
Có người thân trong gia đình mắc phải hội chứng Raynaud, nhất là bố mẹ và anh chị em ruột.
Sống ở khu vực có khí hậu lạnh
Là nữ giới, trong độ tuổi từ 15 đến 30
Mắc các bệnh như xơ cứng bì, lupus, bệnh lý tuyến giáp.
Yếu tố nghề nghiệp: làm các công việc phải thực hiện các động tác lặp lại thường xuyên gây ra các chấn thương như công nhân phải dùng máy khoan, rung, đánh máy, đàn piano,…
Hút thuốc lá
Dùng thuốc chăn beta, ergotamine, thuốc điều trị ung thư, hỗ trợ ăn kiêng,…
Phòng ngừa Hội chứng Raynaud
Các biện pháp có khả năng dự phòng và kiểm soát các đợt cấp xuất hiện như:
Giữ ấm cơ thể, nhất là các khu vực ngoại vi phải tiếp xúc nhiều với môi trường ngoài như tay, chân, vùng mặt. Vào mùa lạnh cần mang găng tay, tất ấm và đội mũ khi đi ra ngoài, không để cơ thể bị lạnh vì không khí lạnh là yếu tố khởi phát các đợt co thắt mạch máu gây ra các biểu hiện lâm sàng.
Hạn chế tắm nước lạnh
Khi chế biến các thực phẩm đông lạnh nên mang găng tay, tránh dùng tay tiếp xúc trực tiếp.
Di chuyển đến những vùng có khí hậu ấm: người mắc hội chứng Raynaud nặng nên cân nhắc đến việc chuyển đến sinh sống ở nơi nóng ấm hơn.
Không hút thuốc lá
Không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Trong thời gian dùng thuốc nếu có các dấu hiệu bất thường xuất hiện cần báo lại ngay với bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.
Các biện pháp chẩn đoán Hội chứng Raynaud
Khám hội chứng Raynaud cần bao gồm cả việc khai thác tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình người bệnh, phối hợp với việc thăm khám các triệu chứng lâm sàng. Hội chứng Raynaud có các biểu hiện lâm sàng khác đặc trưng, tuy nhiên để chắc chắn hơn khi đưa ra chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm các xét nghiệm như:
Kiểm tra kích thích lạnh: người bệnh được yêu cầu đặt tay vào nước lạnh để kích thích sự khởi phát của hội chứng Raynaud. Nếu thời gian cần để khôi phục lại trạng thái bình thường của tay kéo dài hơn 20 phút có thể kết luận người bệnh đã mắc hội chứng Raynaud.
Soi mạch: bác sĩ sẽ quan sát và phát hiện các mạch máu bất thường ở vị trí nếp gấp móng dưới kính hiển vi.
Hội chứng Raynaud cần được phân biệt với các bệnh lý có biểu hiện tương tự như hiện tượng co thắt mạch ngoại biên, viêm động mạch đầu chi.
Các biện pháp điều trị Hội chứng Raynaud
Điều trị hội chứng Raynaud cần có sự phối hợp giữa các biện pháp điều trị và phòng ngừa mới có thể đạt được kết quả tốt nhất.
Tránh lạnh là nguyên tắc đầu tiên mà người bệnh cần tuân thủ, thông qua các cách như:
Mang găng tay, tất ấm cho chân khi đi ra ngoài vào mùa đông
Tắm bằng nước ấm
Sưởi ấm, mát xa tay chân
Di chuyển đến khu vực nóng ấm hơn đối với các trường hợp nặng
Người bệnh cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ khác như:
Không hút thuốc lá
Bảo vệ bàn tay, bàn chân khỏi các chấn thương
Sống vui vẻ, tìm cách cân bằng cuộc sống, tránh các căng thẳng.
Hạn chế chất caffeine
Điều trị hội chứng Raynaud bằng thuốc
Có nhiều loại thuốc có hiệu quả điều trị hội chứng Raynaud. Lựa chọn sử dụng nhóm thuốc nào tùy thuộc vào triệu chứng và mức độ của bệnh, tuân theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Các nhóm thuốc được dùng thường có chung một tác dụng giảm co thắt mạch máu, cải thiện tuần hoàn ở những khu vực bị ảnh hưởng bao gồm:
Thuốc chẹn kênh canxi
Thuốc ức chế alpha
Thuốc giãn mạch
Điều trị hội chứng Raynaud bằng các phương pháp khác
Đối với các trường hợp mắc bệnh nặng hơn, một số phương pháp khác có thể được áp dụng ngoài thuốc như
Phẫu thuật cắt các dây thần kinh giao cảm gây ra các phản ứng quá mức, giúp giảm tần suất xuất hiện các đợt cấp.
Tiêm hóa chất phong bế các dây thần kinh giao cảm