"Xưa gia đình Việt thường ăn chung, ngủ chung, nay ra riêng là hợp lý"

"Bố mẹ muốn làm gì liên quan tới quyền tự do cá nhân của con cái, phải xin phép. Khái niệm quyền tự do cá nhân đã không còn xa lạ trong xã hội hiện đại", nhà báo Nguyễn Lưu chia sẻ.

Văn hóa sống chung, đề cao tính cộng đồng, tập thể vốn là đặc tính từ xưa của người Việt Nam. Ngày nay, những đặc tính đó dần bị thay thế bởi văn hóa đề cao sự tự do cá nhân, quyền riêng tư của người phương Tây. Theo nhà báo Nguyễn Lưu - một người am hiểu về văn hóa, đó là một dấu hiệu đáng mừng.

Ngày nay, việc bố mẹ nằm chung hay nằm gần các con đã lớn gần như rất hiếm, đặc biệt là ở các gia đình thành thị. Còn khi con cái đã lập gia đình, thì việc ra ở riêng là hợp lý, tiến bộ, cần trân trọng và tạo điều kiện cho con cái.

"Khi cuộc sống biến đổi, các yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc cá nhân sẽ được xã hội văn minh cởi bỏ, miễn là chúng ta không quên đi cội nguồn và trách nhiệm với ông bà, cha mẹ".

Nếu như, ngày xưa một đại gia đình thường ăn chung, sống chung, ngủ chung, thì ngày nay, với điều kiện kinh tế tốt hơn và sự cởi bỏ những nếp nghĩ cũ, bố mẹ vào phòng con cái phải gõ cửa. Bố mẹ muốn làm gì liên quan tới quyền tự do cá nhân của con cái, phải xin phép. Khái niệm quyền tự do cá nhân đã không còn xa lạ trong xã hội hiện đại.

Ngược lại, ngày xưa, nhiều người phải hy sinh hạnh phúc cá nhân, hy sinh quyền tự do cá nhân của mình vì cái chung của tập thể, của gia đình.

Xưa gia đình Việt thường ăn chung, ngủ chung, nay ra riêng là hợp lý - 1

Nhà báo Nguyễn Lưu cho rằng, con cái khi lập gia đình muốn ra ở riêng là hợp lý, tiến bộ, cần trân trọng và tạo điều kiện.

"Câu chuyện của bản thân tôi cũng là một ví dụ minh họa" - ông Nguyễn Lưu trầm ngâm nhớ lại.

"Ngày còn trẻ, tôi có mối tình sâu đậm với một cô gái. Nhưng gia đình cô ấy không đồng ý cho chúng tôi đến với nhau vì trước đó bố cô ấy đã hứa gả con gái cho một người khác. Bất chấp sự tha thiết của hai chúng tôi, bố mẹ cô nói rằng họ phải giữ lời hứa hôn vì danh dự gia đình, dòng tộc.

Cô ấy có đeo một chiếc nhẫn ở tay. Một hôm, em gái cô tới đưa cho tôi chiếc nhẫn. Bám quanh chiếc nhẫn vẫn còn vết máu khô, với lời nhắn ngầm là cô đã bị bố mẹ đánh vì chuyện này. Phản ứng đầu tiên của tôi khi nhìn thấy những vệt máu là tức giận và đau xót. Nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng phải chia tay trước sức ép của gia đình. Cô ấy cưới người đàn ông đã được hứa hôn và chia tay chỉ nửa năm sau đó".

Ông Nguyễn Lưu nói, ông kể câu chuyện này để cho thấy ngày xưa có những hủ tục, cụ thể là sự thiếu tôn trọng tự do cá nhân đến mức tàn phá hạnh phúc cả đời của một con người. Thậm chí, nó diễn ra ngay trong những gia đình được cho là trí thức, tiến bộ nhất.

Ngược lại, trong gia đình ông, khi lựa chọn nghề nghiệp, cha mẹ ghi nhận điểm mạnh của con cái và tôn trọng lựa chọn của các con.

"Tôi lấy ví dụ, trong một lần Bác Hồ tới thăm nhà, cụ có hỏi bố tôi (GS. Nguyễn Xiển - PV) rằng liệu chị gái tôi sau khi đi học bên Nga về, có theo ngành khí tượng của bố tôi hay không. Lúc ấy, bố tôi đáp: 'Thưa Bác, cháu nó chưa nghĩ đến chuyện ấy'".

Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Lưu cũng nhấn mạnh, cần phải phân biệt giữa quyền tự do cá nhân và cái tôi ích kỷ. "Ngày nay có một bộ phận, đặc biệt là người trẻ đang để cái tôi ích kỷ lấn át cái ta cộng đồng. Chúng ta không thể làm mọi thứ chúng ta thích bất chấp mối quan hệ với gia đình, bạn bè và thuần phong mỹ tục. Cái gì xấu thì chúng ta bỏ, cái gì tốt đẹp, ta nên gìn giữ".

Ngoài ra, theo ông, văn hóa ứng xử của người phương Đông, trong đó có Việt Nam, có đặc tính đề cao gia đình, làng xã nhưng khi vượt ra khỏi cộng đồng ấy, chúng ta lại có xu hướng co cụm lại. "Ví dụ như khi đến dự một đám tiệc cần mở rộng giao lưu, chúng ta hay co cụm lại với những người mà mình quen biết. Đã có những cuộc gặp quy mô quốc tế, một số đại biểu Việt Nam không biết cách thể hiện bản thân, thể hiện văn hóa của dân tộc". 

Đó lại là một khía cạnh khác trong văn hóa "thụ thụ bất thân", "đèn nhà ai nhà nấy rạng", thể hiện yếu tố khép kín trong văn hóa ứng xử của người Việt.

Còn người nước ngoài, mặc dù sự riêng tư, cái tôi cá nhân rất được đề cao nhưng họ lại có văn hóa ứng xử rất hay ở nơi công cộng. "Tôi từng chứng kiến ở Đức, khi bạn đi qua một người đang ngồi đọc sách chăm chú ở ghế đá công viên, họ vẫn cố ngước lên nhìn để chạm vào mắt bạn với hàm ý thay cho lời chào. Hay khi ở những nơi công cộng khác, bạn dễ dàng thấy những người sẵn sàng hỏi bạn có cần giúp gì không. Điều đó cho thấy họ tôn trọng cá nhân nhưng lại rất quảng bá.

Còn người Việt đôi khi được phép mở rộng ra thì lại vẫn chỉ biết ôm lấy cái tôi của mình. Điều này rất nguy hiểm trong ứng xử. Nếu chúng ta chỉ giữ cái tôi ích kỷ thì chúng ta không thể mở cửa, không thể đón nhận những văn minh khác". 

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của nhà báo Nguyễn Lưu